Ca sĩ Bích Phượng và các diễn viên trong vở "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"
"Từ ngày ba tôi – NSND Út Trà Ôn qua đời, tôi như mất một điểm tựa vững bền trong sự nghiệp nghệ thuật. Sở dĩ tôi gắn với sân khấu học đường vì làm theo di nguyện của ba là tiếp tục bằng sức mình hãy nhân rộng những điểm diễn cho trẻ nhỏ xem để hiểu về những giá trị của nghệ thuật dân tộc" – ca sĩ Bích Phượng chia sẻ.
Chị đã tìm được sự đồng cảm đáng quý từ gia đình của những người con muốn nối nghiệp cha, đó là ca sĩ Bích Thủy, Hạ Châu đã đứng ra thành lập chương trình sân khấu học đường, giới thiệu nhạc và kịch của nhạc sĩ Bắc Sơn. Chị đã cùng các diễn viên CLB Sân khấu Lạc Long Quân đưa kịch lịch sử vào trường học với nhiều vở kịch như: Trần Bình Trọng, Hai bà Trưng, Nguyễn Địa Lô, Lam Sơn tụ nghĩa, Quang Trung khởi nghiệp.... Tất cả vì muốn nối nghiệp cha, làm việc có ích cho xã hội bởi chị quan niệm: "Cha đã làm thầy, con không thể đốt sách".
"Đệ nhất danh ca" NSND Út Trà Ôn
"Tôi còn giữ nhiều kỷ vật của cái thời trai trẻ mà ba tôi đã gắn bó với sân khấu cải lương, trong đó có chiếc áo dài mà ba may cho đứa con gái mặc trong đêm diễn đầu tiên. Ngoài ra, trong đó còn có những chiếc dĩa nhựa 45 phút có bài "Tôn Tẩn giả điên", "Thái sư Văn Trọng" -Nhịp 4; có bản "Sầu vương biên ải" - Nhịp 8 và nhiều bài báo ghi lại tâm sự của bác Bảy Bá - soạn giả NSND Viễn Châu về hoàn cảnh sáng tác hai bản vọng cổ "Tình anh bán chiếu" và "Ông lão chèo đò"... Mặc dù đến nay chúng đã phai màu thời gian nhưng tôi vẫn còn cất giữ" – ca sĩ Bích Phượng kể, khi chăm sóc cho các diễn viên trẻ của CLB Sân khấu Lạc Long Quân, khi các em chuẩn bị ra sân khấu tại trường THCS Đức Trí, diễn vở kịch lịch sử ca ngợi nhân vật anh hùng Trần Quốc Toản (vở "Lá cờ thêu sáu chữ vàng").
Ca sĩ Bích Phượng cho biết một lần đi công tác từ thiện, chị nghe NSND Út Trà Ôn ca vọng cổ nhịp 8 với mấy câu rất xưa của soạn giả Huyền Hương (Thái Thụy Phong):
" Ôi nhìn trời hiu quạnh rừng đêm sương gió lạnh
Hướng quê nhà lòng thêm chạnh tuổi niềm riêng
Em ơi, muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền
Để cho người cô lữ khỏi nặng mang điều tủi hận"
Cảnh trong vở "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của CLB Sân khấu Lạc Long Quân
Chị kể: "Ba muốn bài ca này phải được lưu giữ để nhắc nhở thế hệ trẻ về sự phát triển của bài "Dạ cổ hoài lang" từ nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám rồi thành vọng cổ mười sáu, ba mươi hai đến sáu mươi bốn nhịp.... Cho nên, hễ nghe ai ca vô câu mấy trăm chữ, ba đăm đăm khó chịu. "Vì cải lương mang tính tự sự, áp dụng lối ca đó là phá hỏng cảm xúc người nghe". Đối với ba, giữ gìn vẻ đẹp chân phương của bài vọng cổ cũng giống như người nghệ sĩ luôn nêu cao chân lý vì nghề hành đạo. Nghề hát đối với ba tôi đã thuộc về chữ đạo. Bao nhiêu sân si, theo đuổi danh vọng chỉ là phù du, người nghệ sĩ ở tuổi về chiều như ba biết chắt chiu niềm vui bằng công tác từ thiện, đó là điều thiêng liêng mà bản thân tôi luôn tâm nguyện để noi theo"
Ca sĩ Bích Phượng và diễn viên Huỳnh Sơn
Ca sĩ Bích Phượng kể tiếp: "Nhớ năm 10 tuổi, vào mỗi chiều chủ nhật, ba dắt tôi vào đoàn xem hát. Biết tôi là con gái út của "Đệ nhứt danh ca miền Nam" Út Trà Ôn, ai cũng hỏi "Lớn lên con có theo nghề ba?" Tôi trả lời: Không. Một hôm ba nghe được tiếng không, nổi giận kéo tôi vào một góc hỏi nhỏ: Sao con không thích nghề hát? Nhà mình nhờ có sân khấu mà sống no ấm. Ba có sáu đứa con, nếu ai cũng như bây chắc là ba chết sớm". Từ đó tôi mong được nghe ai hỏi để thay tiếng không bằng có. Và ba đã mỉm cười..."
Cách đây một năm, ca sĩ Bích Phượng được Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM trao giải thưởng dành cho một trong mười giọng ca hát nhạc truyền thống cách mạng hay nhất. Trước khi lên sân khấu trình bày ca khúc "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" (Lư Nhất Vũ) chị đã xúc động kể về nỗi lòng của một người con đang nối nghiệp cha làm rạng danh dòng họ. Qua ánh mắt chị, chúng tôi hiểu được phần nào tâm trạng của một ca sĩ lấy chữ hiếu thảo làm đầu trong sự nghiệp.
Các diễn viên sau suất diễn "Lá cờ thêu sáu chữ vàng"
Ca sĩ Bích Phượng kể: "Không đợi đến bây giờ, từ những năm đầu đoạt giải thưởng về ca hát, tất cả những HCV, giải nhất không chuyên đến chuyên nghiệp, tôi đều muốn giành tặng cho ba. Hôm hay tin con mình có tên trong danh sách đoạt giải cuộc bình chọn "Còn mãi những bài ca", ba tôi mỉm cười, xoa đầu tôi như hồi mới dẫn tôi theo đoàn hát. Đó là năm 1987, ba ký hợp đồng với đoàn Tây Ninh để dẫn tôi theo học nghề. Thật ra, từ khi còn làm công nhân Xí nghiệp xây lắp nội thương 2, đoạt HCV với bài "Dáng đứng Bến Tre" (1984) tôi đã tự tin rằng mình có khả năng nối nghiệp cha. Song, ba lại muốn thử sức tôi ở lĩnh vực sân khấu. Đoàn Tây Ninh thời đó vì áp lực phe cánh nên tôi bị lấn áp vai vế. Không muốn làm ba khó xử, tôi trở về TP HCM.
Ca sĩ Bích Phượng và các diễn viên trong CLB Sân khấu Lạc Long Quân
Đến một hôm, thấy tôi xuất hiện trên truyền hình với nhóm nhạc Dân tộc Nhà Văn hóa Thanh Niên (tiền thân của nhóm Phù Sa - PV), ba tôi reo lên: "Con Phượng hát dân ca hay thiệt bà ơi!". Tôi sung sướng vì đã chọn được một lối rẽ bất ngờ. Ba nói khẽ bên tai má: "Thôi thì nó đi theo tân nhạc cũng quý rồi! Miễn dính dấp đến nghệ thuật vẫn là hậu duệ của Út Trà Ôn" – Ca sĩ Bích Phượng đã khóc.
Bình luận (0)