NSND Út Trà Ôn và NSƯT Diệu Hiền
Cho đến nay, khi hỏi về những vai diễn được đứng chung trên sân khấu với thầy mình, NSƯT Diệu Hiền vẫn không quên hàng chục vở diễn đã tạo tiền đề để bà có vị trí đào chánh khi được "núp bóng dưới tên tuổi của thầy" – bà khẳng khái nói.
"Thầy tôi từ năm 1954 đã lập gánh hát Kim Thanh. Đây là lần đầu tiên ông đứng ra làm bầu sô và cho đến nay Kim Thanh vẫn là một đoàn hát lớn còn nhiều nghệ sĩ tài danh thời đó tham gia gây tiếng vang như: Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga. Điều đáng nói là bộ tứ này cùng làm giám đốc" – NSƯT Diệu Hiền kể.
Đến năm 1962, NSND Út Trà Ôn và người bạn thân là NSƯT Hoàng Giang lập gánh hát Thống Nhứt. Đây là giai đoạn ông chủ trương lăng xê các nữ diễn viên trẻ và NSƯT Diệu Hiền, Ngọc Hương, NSND Bạch Tuyết, NS Hồng Nga… nằm trong tầm nhắm được ông dát vàng tên tuổi.
Nhưng đối với NSƯT Diệu Hiền, được đóng cặp với ông là niềm vinh dự lớn. Vì ông rất nghiêm khắc trong cách ca diễn, mỗi câu thoại, lời ca đều phải nhuần nhuyễn trong cách thể hiện.
"Rất nhiều vở tôi được đóng vai người tình, người vợ, con, cháu và kẻ thù của ông. Khi tập tuồng, ông chỉ dạy từng chút một, thể hiện ánh mắt, cơ mặt và động tác bao giờ cũng phải tuân thủ đúng với trạng thái tâm lý nhân vật và hoàn cảnh qui định. Ông nổi tiếng thông minh, luôn cập nhật những gì quan sát từ cuộc sống để áp dụng cho vai diễn. Tôi là một cô đào trẻ, ham học hỏi, nên buổi trưa khi mọi người trong gánh hát nghỉ ngơi, tôi tìm một góc yên tĩnh để tập võ, đọc thoại và tập ca. Và hễ khi ông phát hiện thì ông tìm đến chỗ tôi tập, quan sát rồi chỉ dẫn thêm" – bà miên man kể về thầy mình và luôn giữ sự tôn kính đối với một bậc tiền bối đã dìu dắt bà đến với những vai diễn khó.
NSƯT Diệu Hiền
"Hồi đó tôi ốm yếu lắm, ông thường nói "con ốc tiêu" này mày muốn làm đào chánh thì phải ăn uống cho đủ chất, để khỏe mạnh, dáng vóc ra một cô đào, nhất là muốn rèn luyện vai đào võ thì càng phải chăm chút về mặt hình thể. Tôi bị ông la mắng là chuyện mỗi ngày, hiếm khi khen ngợi. Ông là một "người khổng lồ" trong giới sân khấu thời đó. Tên tuổi lẫy lừng, "hét ra lửa" nắm quyền sinh sát trong tay, muốn cho ai tồn tại chỉ cần một cái gật đầu, còn lắc đầu thì lập tức khăn gói rời khỏi gánh hát" – bà bộc bạch để nhấn mạnh điều may mắn trong sự nghiệp nghệ thuật chính là được thầy chăm sóc, thương yêu.
Hàng chục vở diễn thời đó còn mãi in đậm trong trí nhớ của bà như: "Qua cầu đắng cay", "Nửa bản tình ca", "Pháo hoa đưa em về nhà người", "Qua cầu thiên lý", "Khói bụi biên thùy", "Đệ nhất kiếm khách", "Anh hùng xạ điêu", "Trùng dương lặng tiếng", "Khóc chinh phu", "Bạch nhạn nhi hồng"… Bà được ông chỉ dạy để từng bước trở thành một cô đào chánh sáng giá trên sân khấu các đoàn cải lương lớn thời đó.
NSND Út Trà Ôn
Ông lần lượt cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung... với vai trò diễn viên, sau thời gian làm bầu. Còn NSƯT Diệu Hiền, sau khi rời khỏi đoàn hát của thầy, bà đi diễn rất nhiều nơi tại các đoàn hát khác nhau như: Hoa Lan - Xuân Liễu, Kim Chung, Hương Tràm, Tháp Mười, Sài Gòn 2, Phước Chung... và nhận được sự truyền nghề của nhiều nghệ sĩ tiền bối, nhưng trong lòng vẫn nhớ về bậc thầy đáng kính của đời mình đó là NSND Út Trà Ôn.
Ca sĩ Bích Phượng – con gái của "Đệ nhất danh ca" Út Trà Ôn, kể: "Từ lúc tôi còn nhỏ đã thích xem chị Diệu Hiền diễn với ba tôi. Ông dành nhiều thời gian chỉ dạy cho chị ca diễn cũng như dìu dắt nhiều cô đào trẻ thời đó bằng những kinh nghiệm của ông. Ba tôi về nhà trong những bữa cơm gia đình thường nhắc về các học trò, trong đó thích cách ca diễn và trí thông minh của chị Diệu Hiền, bà tôi nói cô bé ốc tiêu nhỏ xíu đó vậy chứ giọng ca lảnh lót, nội lực dữ dội".
Kể về kỷ niệm đẹp trong đời đi hát, NSƯT Diệu Hiền nhắc đến giai đoạn được làm đệ tử của NSND Út Trà Ôn. Hai chữ đệ tử không chỉ đơn giản là học nghề mà còn là một người giúp việc hiểu rõ tính nết của thầy. Bà thường xuyên lau chùi, dọn dẹp tủ đựng đồ hát của ông. Mỗi ngày pha cà phê, mua thức ăn theo đúng khẩu vị của thầy.
"Thích nhất là những lúc nghe thầy tranh luận về nghề với các bậc tiền bối, đó là lúc tôi thu lượm cho mình nhiều kiến thức. Thầy là người nghệ sĩ có mức lương cao nhất thời đó. Hợp đồng ký công tra với gánh hát cũng đạt kỷ lục một triệu đồng thời đó. Điều đáng tự hào hơn, đêm nào suất hát vắng thầy, khán giả ùn ùn đứng lên rời rạp và đòi bầu gánh trả lại tiền. Thầy cũng luôn bảo vệ những diễn viên trẻ, nghe các đại bang khác uất hiếp diễn viên, chèn ép về lương tiền, ông cho người tìm đến mời về đoàn, mở rộng vòng tay để diễn viên trẻ có nơi nương tựa và phát huy tài nghệ. Khi biết tôi yêu thương nghệ sĩ Út Hậu, rồi quyết định tiến đến hôn nhân, ông cũng thường căn dặn nên giữ sự hòa nhã để gia đình êm ấm" – bà kể lại trong xúc động.
NSND Út Trà Ôn (ảnh tư liệu)
NSND Út Trà Ôn (1919-2001) tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út (vì ông là người con thứ 10 và cũng là con út trong gia đình). Ông sinh tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Năm 16 tuổi, ông đam mê nghệ thuật cải lương nên tự đi học ca hát tại làng quê với các ban đờn ca tài tử. Quê hương của ông cũng là một vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương. Do đó, ngày nay tại đây vẫn duy trì cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trong các cuộc tuyển chọn giọng ca cải lương Út Trà Ôn.
"Năm 1937, NS Út Trà Ôn được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức mang nghệ danh Út Trà Ôn. Ông lấy tên Út của mình gắn với tên quê hương, nơi được sinh ra và lớn lên để làm nghệ danh. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng phát thanh đã nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là "Thức trót canh thâu". Ông là người đạt kỷ lục về mặt thu âm cho các hãng băng đĩa thời khởi đầu của thị trường băng đĩa ở Sài Gòn. Và sự gắn kết của ông với thị phần thu âm đã nâng cao uy tín cho thương hiệu hãng đĩa ASIA với bài vọng cổ "Tôn Tẩn giả điên" gồm 20 câu, là một sáng tác của vị Yết-Ma - tu sĩ Phật giáo" – soạn giả Nguyễn Phương kể.
Năm 1942, NSND Út Trà Ôn lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hoá, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh...Năm 1960, Út Trà Ôn cộng tác với đoàn Thủ Đô (chủ nhân của đoàn này là ông Phan Văn Bản và đồng thời là chủ nhân của hãng dĩa Hoành Sơn).
NSƯT Diệu Hiền năm 1970
Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và sau đó là Sân khấu Tài Năng.
Tháng 3 năm 1997, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Ông từ trần ngày 13 tháng 8 năm 2001, hưởng thọ 82 tuổi.
NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh ra trong gia đình 7 người con, bà là người con thứ 5 trong gia đình, chưa đầy 5 tuổi bà mồ côi cha, gia cảnh nghèo túng nên không được đến trường. Để học chữ, bà xin vào lớp học trong xóm nghèo của ông thầy dạy trẻ em cơ nhỡ. Mê hát từ nhỏ, năm lên 9 tuổi bà xin mẹ đi theo đoàn hát nhưng không được đồng ý. Đến năm 14 tuổi mới được mẹ cho đi theo gánh hát để học nghề. Năm 1960, với vai diễn cô ni Diệu Hiền, nhờ có giọng ca truyền cảm, khán giả ở Đà Lạt thời đó khen ngợi nên bà quyết định lấy tên Diệu Hiền làm nghệ danh.
Kỳ tới: Minh Cảnh – Mỹ Châu: Danh ca không chọn tuổi
Bình luận (0)