Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, từng nhận định một năm trở lại đây việc kiểm duyệt phim đã thông thoáng nhiều. Cục Điện ảnh hiện có hội đồng duyệt phim mới trẻ trung, trong đó các thành viên làm chuyên môn điện ảnh nên cũng cởi mở hơn.
Điều này được chứng minh qua các phim được duyệt trước thời điểm rạp phải tạm đóng cửa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù đã thông thoáng, cơ quan quản lý vẫn phải có những giới hạn, chốt chặn để bảo đảm các giá trị chân - thiện - mỹ cho những tác phẩm nghệ thuật được phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Những quy định này giúp hạn chế việc lạm dụng yếu tố giật gân, ghê rợn, gây sốc, những cảnh nóng trần trụi, cảnh khỏa thân phản cảm, cảnh bạo lực đẫm máu để gây tò mò, thu hút khán giả trong phim điện ảnh. Không chỉ riêng Việt Nam, các nước khác cũng có những quy định riêng về kiểm duyệt, bảo đảm phù hợp văn hóa từng nước. Không ít tác phẩm đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế lại không được chiếu tại quê nhà.
Phim “Ký sinh trùng” không chỉ có giá trị nghệ thuật mà doanh thu rất cao .Ảnh: Nhà phát hành cung cấp
Một tác phẩm phản cảm và dung tục luôn không phù hợp với khán giả đại chúng. Bởi khán giả đại chúng không phải người chuyên làm nghệ thuật, dễ bị ám ảnh, tác động tâm lý từ những hình ảnh được miêu tả trên phim.
"Nghệ thuật phản ánh cuộc sống nhưng không phải phản ánh một cách trần trụi và bản năng mà đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo. Các cảnh nóng, khỏa thân, giật gân… có thể được phép sử dụng - nhất là trong dòng phim độc lập, để nhà làm phim thoải mái sáng tạo, lột tả cá tính của mình, phản ánh xã hội nhưng mỗi cảnh đều phải có giới hạn của nó và nhà làm phim phải thuyết phục người xem rằng những cảnh này buộc phải có trong mạch chuyện mình muốn kể" - biên kịch Thanh Hương nhận định.
Đồng quan điểm, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết các cảnh khỏa thân, bạo lực, giật gân, quan hệ tình dục… thời lượng dài hay ngắn đều là phương tiện được sử dụng để nói lên một ý nghĩa, một thông điệp nào đó cho phim. Nó được sử dụng trong cảnh này, cảnh kia để làm gì, có giá trị không và có truyền tải được thông điệp, cảm xúc nhà làm phim muốn nói đến cho khán giả hay không. Lý giải điều này sẽ giúp chứng minh các cảnh đó có vượt ranh giới mong manh giữa thanh và tục hay không.
Những giá trị chân - thiện - mỹ mới là yếu tố quan trọng mang đến thành công cho tác phẩm chứ không phải sự tò mò, gây sốc ban đầu. Trước đây, những phim độc lập hướng đến tranh giải tại các liên hoan phim sẽ chọn những vấn đề gai góc gây sốc, phản ánh vấn đề xã hội với cách kể bạo liệt, giật gân. Nhưng điều đó không đồng nghĩa công thức các phim dạng này sẽ là u tối, ảm đạm, bế tắc.
Hiện nay, nhiều phim tranh giải và chiến thắng tập trung nhiều vào câu chuyện có tính phổ quát, dễ hiểu, nặng tính châm biếm với tiếng cười sâu cay mà không còn quá tập trung những khía cạnh bạo lực, tình dục. Các phim này không chỉ có giá trị nghệ thuật mà doanh thu cũng rất cao, như "Ký sinh trùng"…
Đã đến lúc phim độc lập đi tranh giải của điện ảnh Việt cũng nên nhìn nhận sự thay đổi này và chuyển hướng theo. Việc quyết định đứng cách hàng rào thanh - tục bao nhiêu xa hoặc vượt qua dù biết khó được ra rạp vẫn là chọn lựa của nhà làm phim, là trách nhiệm của họ với những sản phẩm của mình.
Bình luận (0)