Vở cải lương "Chuyện tình Khau Vai" (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên), do Sân khấu mới Đại Việt sản xuất, thu hút khá đông khán giả qua 3 suất diễn từ ngày 7 đến 9-6 tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đây là tín hiệu vui cho sàn diễn cải lương và là bài học quý đối với người làm nghề, nhất là các nhóm nghệ sĩ làm sân khấu tư nhân.
Thành công nhiều mặt
Như tuyên bố của bộ ba đầu tư vốn cho sàn diễn này (Hoàng Song Việt, Triệu Trung Kiên, Quang Khải), tác phẩm ra mắt của họ đã thật sự hướng đến những thể nghiệm mới nhằm thu hút khán giả.
Về âm nhạc, sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cải lương với những giai điệu dân gian miền núi Tây Bắc đưa khán giả đến không gian văn hóa đầy lãng mạn của các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Làm mới âm nhạc là áp lực lớn đối với ê-kíp thực hiện vở diễn và cũng là hướng đi của "Sân khấu mới Đại Việt".
Về dàn dựng, kịch bản "Chợ tình Khau Vai" cho đạo diễn cơ hội vận dụng hình thức thể hiện mới, đặc tả sinh động phiên chợ tình độc đáo (diễn ra vào ngày 27-3 âm lịch hằng năm) nơi để những người yêu nhau nhưng không lấy được nhau có dịp gặp gỡ một lần trong năm.
Chính sự tìm tòi sáng tạo trong cách chuyển không gian, thời gian, xử lý ánh sáng và âm nhạc đã chạm đến trái tim người xem. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu làm cho từng cảnh diễn đẹp như một bức tranh.
Diễn xuất của các diễn viên từ vai phụ đến vai chính nhờ vậy đều tìm được đất diễn, thể hiện đầy cảm xúc, nhất là cặp đôi NSƯT Quế Trân - Quang Khải, đảm nhận vai diễn hai nhân vật chính của vở diễn, nàng Út và chàng Ba, cuốn hút người mộ điệu bằng nội lực diễn xuất nhập vai của họ, khai thác tận cùng tâm lý nhân vật, truyền tải cảm xúc mạnh mẽ và thông điệp nhân văn đến người xem. Vai diễn của NSƯT Phượng Loan, Hà Như, Cao Thúy Vy lấy nước mắt khán giả bởi lối diễn nhập vai nhẹ nhàng, tinh tế.
Phục trang là yếu tố độc đáo của vở diễn. Ê-kíp thực hiện lên tận Hà Giang, tìm mua và đặt may đúng chất liệu trang phục của dân tộc Giáy, Nùng. Việc nghiên cứu phong tục văn hóa, những tình tiết, ngôn ngữ của hai dân tộc để đưa vào vở, là sự kỳ công của đạo diễn nhằm khái quát đúng câu chuyện về đôi trai gái cùng bỏ trốn lên đỉnh Khau Vai chung sống bên nhau, khi họ bị ngăn cấm bởi sự phân biệt sang hèn. Độ lắng cần thiết để khán giả khóc khi nàng Út và chàng Ba phải chia biệt trước áp lực xung đột của hai gia tộc, làm xốn lòng khán giả mộ điệu. Giữa khao khát được sống hạnh phúc, xóa bỏ rào cản giai cấp, các diễn viên thể hiện rõ tình yêu chung thủy là ánh sáng soi đường để tìm đến hạnh phúc thật sự.
Ấn tượng nhất là cảnh cúng tế và lễ hội trong nhà tộc trưởng khi quyết định giúp con gái gieo duyên. Sự xuất hiện của 3 nhân vật bà Mo cầm ngọn đèn trong đêm tối và cả nhân vật ông già mù huyền thoại mang lại cho vở diễn nhiều điều suy ngẫm.
Một số điều góp ý từ phía khán giả là thời lượng vở đến 165 phút là quá dài. Một số lớp múa, đặc tả tâm trạng vài nhân vật chiếm nhiều thời lượng, nếu cắt bỏ những đoạn dư thừa này vẫn sẽ không làm vơi đi cảm xúc người xem. Nhân vật của nghệ sĩ Võ Minh Lâm bị tạo hình màu mè, hình thức thể hiện cường điệu. Chính vì thế, phần thể hiện dã tâm của nhân vật muốn chiếm đoạt nàng Út chưa thuyết phục. Cách xử lý để 3 bà Mo múa "khỏa thân" là thừa, dài một cách không cần thiết trong lớp diễn.
Cảnh trong vở “Chuyện tình Khau Vai”. Ảnh: THANH HIỆP
Vì "thánh đường" đúng nghĩa
Qua vở diễn, sân khấu mới Đại Việt đã đúc kết được nhiều bài học quý trong cách tổ chức. Với mục tiêu "Muốn khán giả đến rạp phải đầu tư nghiêm túc", lâu lắm mới có một vở cải lương tư nhân có lịch tập dày đặc, vắt kiệt sức nghệ sĩ. Họ nói không với sự ỷ lại vào chiếc máy nhắc tuồng. Họ nói không với việc nghệ sĩ kẹt chạy sô, để diễn viên khác tập thế, phúc khảo thế đến ngày diễn mới "nhào vô" cho có đủ mặt như nhiều vở diễn hiện nay. Họ không chấp nhận ca diễn "nửa sống, nửa chín", nghĩa là 2/3 các câu ca thu âm sẵn, nghệ sĩ lên diễn chỉ việc nhép theo. Trên hết ở đây là tinh thần đoàn kết vì "thánh đường nghệ thuật" đúng nghĩa mà họ trân quý.
Không gian triển lãm ở tiền sảnh nhà hát về văn hóa Tây Bắc đã gợi mở sự thích thú, tìm hiểu của khán giả khi chuẩn bị bước vào xem vở. Sự tham gia của các nhóm thiết kế cảnh trí, quảng cáo, truyền thông mang lại diện mạo mới, đầy sang trọng và tinh tế. Các diễn viên đã không phí công khi đi thực tế đến Đồng Văn, Mèo Vạc, Khau Vai để tìm cảm hứng thể hiện các nhân vật và họ đã thành công.
Qua các suất diễn, nhiều khán giả mua vé xem lại vở lần thứ hai. Họ vào rạp với trang phục lịch sự. Không còn cảnh vừa xem vừa mở điện thoại, quay hình vở diễn hoặc nói chuyện riêng, ăn quà vặt. Chính sự nghiêm túc của tác phẩm nghệ thuật đã trả lại vẻ đẹp cần có trong văn hóa thưởng thức cải lương vốn có bị mất dần theo sự hắt hiu của sàn diễn thời gian qua.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cú hích "Chuyện tình Khau Vai" là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu cải lương, khẳng định sự đầu tư đúng hướng của một sàn diễn thương hiệu tư nhân.
Cần lắm cách làm chuyên nghiệp như thế
Ê-kíp thực hiện cho biết vở "Chuyện tình Khau Vai" sẽ tiếp tục diễn tại Nhà hát TP, hứa hẹn mang lại bội thu. Đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - đánh giá nỗ lực của Sân khấu mới Đại Việt là đáng khen trong thời buổi sàn diễn cải lương gặp khó khăn. Chính sự chăm chút bằng niềm đam mê và ý thức chuyên nghiệp hóa của ê-kíp thực hiện đã là tiền đề để cải lương xã hội hóa học hỏi, có chiến lược và có sự đầu tư. Khán giả vì vậy mà mua vé đến xem. Nghệ sĩ tham gia cũng yên tâm khi vai diễn của họ đạt hiệu quả nhất định. Sân khấu cần lắm cách tổ chức chuyên nghiệp như thế trong thời điểm hiện nay.
Bình luận (0)