Không hẹn mà gặp, các đơn vị nghệ thuật sân khấu đều chọn 10 kịch bản cải lương kinh điển để biểu diễn phục vụ khán giả trong mùa Tết Kỷ Hợi 2019.
Tín hiệu vui đầu Xuân
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là đơn vị hoàn thành sớm nhất kế hoạch này khi có các vở sẽ ra mắt khán giả vào dịp Tết Kỷ Hợi tại 136 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM (rạp Hưng Đạo cũ) và Nhà hát Thành phố là: "Giấc mộng đêm xuân", "Tìm lại cuộc đời" và "Thanh Xà - Bạch Xà". Điều thú vị là khán giả trẻ đã hưởng ứng khi đặt mua vé qua mạng và qua sự kêu gọi của khán giả ái mộ trên các diễn đàn xã hội.
Đặc biệt vở cải lương "Tìm lại cuộc đời" được tái diễn theo lời yêu cầu của số đông khán giả mộ điệu cải lương. Được xem là một tác phẩm sân khấu kinh điển về đề tài chiến tranh cách mạng, tác phẩm này là một trong số kịch bản cải lương do đạo diễn - NSND Huỳnh Nga dàn dựng được số đông khán giả mộ điệu yêu thích.
Tú Sương và Lê Tứ trong vở cải lương kinh điển “Máu nhuộm sân chùa” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)
Trong lần tái dựng này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã giao cho ê-kíp nghệ sĩ trẻ Đoàn 1 thực hiện. Họ đã nỗ lực mang lại nhiều cảm xúc mới cho vở diễn.
Vở "Thanh Xà - Bạch Xà" do đạo diễn trẻ Lê Trung Thảo dàn dựng sẽ ra mắt khán giả vào tối mùng 8 Tết. Vở có sự tham gia của nghệ sĩ Võ Minh Lâm (giải Mai Vàng 2018) và NSƯT Lê Hồng Thắm cùng nhiều diễn viên trẻ.
Nhóm nghệ sĩ Chí Linh sẽ ra mắt vở "Đường Bá Hổ - Thu Hương" tại rạp Vườn Lài từ mùng 6 Tết. Đây là vở diễn chào đón khán giả trong năm mới của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà, tiếp sau đó là dựng mới vở kinh điển "Mắt em là bể oan cừu" của soạn giả Vân An.
Sân khấu Kim Tử Long tái diễn vở "Rạng ngọc Côn Sơn", còn Sân khấu Vũ Luân tái diễn vở "Hồn của đá".
Nỗ lực sáng đèn liên tục
Ông Phan Quốc Kiệt Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết từ dịp Tết Kỷ Hợi này, đơn vị sẽ nỗ lực làm cho sàn diễn sáng đèn liên tục. Hoạt động của nhà hát sắp tới sẽ công diễn các vở kinh điển tái dựng: "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt", "Máu nhuộm sân chùa"…
Sân khấu Sen Việt đã lên kế hoạch dựng 2 vở cải lương, một về đề tài dân gian và một chương trình tái hiện các trích đoạn cải lương kinh điển. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết: "Sau thành công của "Tổ quốc nơi cuối con đường", lượng khán giả trẻ, trong đó có công nhân lao động, đã đến sàn diễn rất đông. Năm nay, Sân khấu Cải lương Sen Việt, ngoài các suất diễn vở "Vua Heo" - cải lương hài dân gian tại rạp Công Nhân, chúng tôi còn dàn dựng chương trình "Nghệ sĩ mừng Xuân", tái hiện các trích đoạn cải lương kinh điển, diễn tại Nhà hát Hòa Bình. Đa số khán giả kiều bào về quê ăn Tết đều muốn xem lại những trích đoạn cải lương đã khắc sâu trong tim họ: "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Vụ án Mã Ngưu", "Thái hậu Dương Vân Nga"… Đó là điểm nhấn của Sân khấu Sen Việt năm nay".
Bằng mọi phương cách để tập hợp lực lượng nghệ sĩ và vận dụng nhiều thủ pháp, kỹ xảo tạo hiệu ứng sân khấu hiện đại, diễn xuất mới mẻ, các vở cải lương kinh điển đang chờ ngày đón chào khán giả đến rạp trong dịp Tết nguyên đán sắp đến. Nỗ lực lớn hơn của giới nghệ sĩ cải lương chính là tìm được sự chung sức giữa các đơn vị xã hội hóa và công lập cùng làm cho sàn diễn sáng đèn. Các sân khấu đều chủ trương vở diễn phải sống đến hết tháng giêng mới có lợi nhuận để tái sản xuất. Kỳ vọng lớn của giới làm nghề là sau những hoạt động chào mừng 100 năm hình thành và phát triển, sân khấu cải lương sẽ thu hút khán giả.
Nghe tên vở đã thích
Nói về việc dàn dựng kịch bản cải lương kinh điển mùa Tết, NSƯT Kim Tử Long cho rằng phải chọn thủ pháp dàn dựng mới thì mới thu hút người xem vì khán giả hầu như đã thuộc lòng nội dung.
Riêng với nghệ sĩ Chí Linh, dựng vở kinh điển có phần thuận lợi vì "chỉ nghe tựa vở là khán giả đã thích". "Ngày Tết, người xem cải lương còn thích giữ phong tục bói tuồng, xem vở để cầu may mắn nên phải chọn vở kinh điển vừa vui vừa có chất hào hùng, phấn khởi, cái kết lạc quan để tái hiện không gian của cải lương xưa" - đạo diễn Chí Linh nói.
Bình luận (0)