Tập đoàn Yeah1 vừa chính thức cho ra mắt nền tảng Streaming tại Việt Nam với tên gọi Celuv (phiên bản Beta). Đây là một điển hình về sự tiên phong giải trí 4.0 và mở "lối thoát" cho ngành biểu diễn, trong đó có nghệ sĩ cải lương ở giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Thử nghiệm lối đi mới cho cải lương
Tại buổi lễ ra mắt ứng dụng Celuv diễn ra sáng 19-8, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết: "Yeah1 mong muốn thông qua ứng dụng Celuv để vận dụng nền tảng livestream đầu tiên được cấp phép hoạt động phục vụ giải trí trực tuyến tại Việt Nam. Đây là hoạt động đang "nở rộ" trong cộng đồng khán giả trẻ. Chúng tôi muốn vận dụng nền tảng này, thông qua việc chép vào điện thoại của khán giả ứng dụng để xem biểu diễn nghệ thuật cải lương và tương tác với nghệ sĩ".
Theo ông Tống, Yeah1 cung ứng cho người dùng đầy đủ công cụ để chỉ nằm nhà tận hưởng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhất là cải lương.
"Đến với Celuv, nghệ sĩ rất dễ trở thành streamer (người phát trực tiếp), từ đó tăng lợi ích. Các nghệ sĩ cải lương tham gia được đầu tư, dàn dựng tiết mục sẽ tạo được thu nhập qua hình thức nhận hoa hồng của khán giả tặng" - ông Tống nói.
Ứng dụng mạng xã hội livestream Celuv đi theo mô hình Multi streaming network (MSN) của Hàn Quốc. Để tạo nên thương hiệu giải trí mang nét đặc trưng của văn hóa Việt, nền tảng này hướng tới xây dựng một mạng xã hội giải trí lành mạnh, bền vững và sáng tạo cho cộng đồng. Nỗ lực đáng ghi nhận là tạo "lối thoát" cho nghệ sĩ cải lương đang gặp nhiều khó khăn khi sàn diễn tắt đèn. Nghệ sĩ nào cũng có thể trở thành streamer dựa trên tài năng sẵn có. Celuv hướng đến sự phát triển lâu dài của cộng đồng người livestream. Các streamer ký hợp đồng với Celuv sẽ được bảo trợ truyền thông bởi Tập đoàn Yeah1 và có cơ hội hợp tác với chính sách lợi nhuận cao so với thị trường.
Ngoài ra, theo hệ thống tính điểm "đóa hoa hồng streaming" hằng tháng, 10 nghệ sĩ streamer được yêu thích nhất sẽ được tính lợi nhuận với giá trị giải thưởng cao.
NSND Lệ Thủy, NSƯT Hoài Linh, NSND Minh Vương trong vở “Đêm lạnh chùa hoang” - một trong những tác phẩm sân khấu sẽ được chọn diễn trực tuyến
Nghệ sĩ phấn khởi
Chào đón đứa con tinh thần mới mang ý nghĩa tạo sự tương tác để cải lương diễn trực tuyến, ca sĩ Ngọc Sơn - người đã từng tạo ấn tượng độc đáo khi diễn vai Trần Bình Trọng trong live show của NSND Bạch Tuyết - nói: "Tôi phấn khởi lắm vì kỳ vọng nỗ lực này sẽ giúp nghệ sĩ cải lương vốn khó khăn không đến được sàn diễn có thể tham gia biểu diễn phục vụ cộng đồng mạng xã hội và có thu nhập. Tôi sẵn sàng tham gia dù chỉ là một vai phụ với các cô chú nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu cải lương".
Theo kế hoạch, 10 nghệ sĩ thế hệ vàng sẽ tham gia biểu diễn livestream trên nền tảng streaming Celuv gồm: Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Diệu Hiền, Trường Sơn, Thanh Nguyệt, Hùng Minh và Hồng Nga. Sau đó là các nghệ sĩ đã từng đoạt HCV giải Thanh Tâm: Bảo Quốc, Mộng Tuyền, Bo Bo Hoàng, Phương Bình, Ánh Hồng…; các danh ca đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả mộ điệu bài ca cổ: Trọng Hữu, Thanh Kim Huệ, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Chí Tâm, Châu Thanh… và cả thế hệ nghệ sĩ trẻ đoạt HCV giải Trần Hữu Trang, giải Chuông vàng vọng cổ.
Bà Phúc Phạm, Giám đốc điều hành hoạt động biểu diễn của kênh, cho biết: "Chúng tôi sẽ đầu tư các tiết mục biểu diễn, gồm ca cổ, trích đoạn vở diễn nhiều thể loại (tuồng cổ, lịch sử, tâm lý xã hội…) để mỗi nghệ sĩ bộc lộ hết tài năng. Nhắm tạo hiệu ứng với khán giả trẻ, tạo được sự tương tác trực tuyến, mỗi số đều có ca sĩ, diễn viên khách mời đang dẫn đầu tốp lượng tương tác cao. Họ xuất hiện với vị trí nghệ sĩ dẫn chuyện hoặc MC giao lưu sau phần biểu diễn của nghệ sĩ gạo cội".
Theo NSƯT Diệu Hiền, đa số công chúng hôm nay mặc định rằng cải lương đã lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống đương đại. Trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh khắc nghiệt, lại đối mặt với dịch bệnh, sàn diễn cải lương đang đứng trước thách thức vì khán giả có quá nhiều sự lựa chọn. Với cách làm này, bà tin sẽ tạo thị phần mới để cải lương tiếp cận giới trẻ, nghệ sĩ có thu nhập.
NSND Ngọc Giàu cho rằng diễn trực tuyến là một cách tạo thói quen cho khán giả khi ngại đến rạp.
"Thưởng thức nghệ thuật qua online là xu hướng tất yếu, kể cả khi có dịch bệnh hay không. Tuy nhiên, việc đưa lên online trực tuyến để tạo hiệu quả không thể là những version cũ, mà phải làm sao để khán giả xem và thích thú như đã từng trả tiền ngoài nhà hát để được xem" - NSND Lệ Thủy nói.
Đặt niềm tin vào "canh bạc" này
Đối với các nghệ sĩ cải lương, những khoản thu nhập đều dựa vào hoạt động biểu diễn ở các sân khấu, tụ điểm, sự kiện, quán ca cổ, nhà hàng tiệc cưới… Thế nhưng, trong đợt dịch bệnh Covid -19, mọi hoạt động biểu diễn đều đóng băng. Xem ra, cải lương chỉ có hai cách để tiếp cận khán giả: tự bản thân nghệ sĩ tạo sự tương tác qua trang cá nhân trên mạng xã hội hoặc hội tụ lại cùng nhau trên nền tảng số để tạo sự tương tác trực tuyến.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết theo thống kê, tại Trung Quốc - quốc gia đang được xem là nơi phát triển công nghệ "Streaming" có tiếng nhất nhì thế giới - đạt 560 triệu người dùng livestream, tức là 62% người tiêu dùng internet. Trong đó, số lượng người coi livestream cho những event (sự kiện) thương mại online lên đến 265 triệu, đồng thời có 260 triệu người dùng livestream để coi esport (game online), 213 triệu người dùng để coi sự kiện thể thao và 150 triệu người dùng để coi biểu diễn sân khấu, âm nhạc. "Tôi đặt niềm tin vào "canh bạc" này, để tìm thêm thị phần mới trước hoàn cảnh dịch bệnh không thể sáng đèn cho nghệ sĩ cải lương. Vì là mới nên làm tới đâu sẽ cập nhật, điều chỉnh đến đó để đạt hiệu quả nghệ thuật tốt nhất, đồng thời giữ được tính truyền thống quý báu của sân khấu cải lương" - ông Tống bày tỏ.
Bình luận (0)