Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hầu hết các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều tạm dừng. Với sàn diễn cải lương, điều này lại giúp nhà tổ chức và nghệ sĩ có thời gian đầu tư, tìm tòi cái mới cho phù hợp sau khi hoạt động biểu diễn trở lại bình thường.
Thôi thúc sáng tạo mới
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã lên sàn tập vở "Tướng cướp Bạch Hải Đường" của soạn giả Nguyễn Huỳnh, do NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Nhóm nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà khôi phục vở "Ngũ hổ bình Tây", do đạo diễn Chí Linh dàn dựng. Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long dàn dựng 3 vở cải lương lịch sử do đạo diễn Bạch Mai thực hiện: "Tô Hiến Thành xử án", "Tình sử An Nàng", "Anh hùng bán than". Riêng hai nhóm nghệ sĩ hoạt động theo mô hình xã hội hóa, NSƯT Kim Tử Long dựng vở "Má hồng soi kiếm bạc" và NSƯT Vũ Luân dựng vở "Giang sơn mỹ nhân".
Nghệ sĩ Chí Linh và Võ Minh Lâm trong vở “Ngũ hổ bình Tây”
"Giống các đơn vị nghệ thuật khác, nhóm nghệ sĩ chúng tôi đã tạm dừng phục vụ công chúng để phòng chống dịch Covid-19. Việc giãn cách xã hội đã khiến chúng tôi nghĩ đến chuyện quay hình lời giới thiệu của nghệ sĩ để quảng bá vở mới. Sàn diễn sẽ sáng đèn khi mỗi nghệ sĩ quyết tâm thể hiện sự sáng tạo qua từng vai diễn. Nhóm chúng tôi chủ trương vở mới phải có cái mới để công chúng xem và hài lòng" - NSƯT Vũ Luân kỳ vọng.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, phấn khởi: "Ngoài các vở mang tính giải trí, nhà hát còn đặt hàng hai tác giả Hoàng Song Việt, Phạm Văn Đằng viết hai vở mới mang ý nghĩa ca ngợi lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đây là thời điểm cần sự đồng hành của toàn dân, không chủ quan, mỗi người phải tiếp tục thực hiện quy định bảo vệ an toàn sức khỏe khi mầm bệnh vẫn còn "ẩn" trong cộng đồng. Hai vở này sẽ sớm hoàn thành để tổ chức biểu diễn tại nhà hát".
Đạo diễn Chí Linh cho rằng lúc này, nghệ thuật là phương thuốc tinh thần đem lại niềm tin, sự lạc quan cho công chúng. "Với vở diễn "Ngũ hổ bình Tây", tôi dựng theo phương thức sinh động, sôi nổi; vận dụng vũ đạo và võ thuật; cô đọng nội dung, cắt cảnh, lớp liên tục nhưng vẫn giữ được tính nhân văn của câu chuyện" - anh tiết lộ.
Với cách dàn dựng không sử dụng màn ảnh LED thay cho cảnh trí, NSƯT Kim Tử Long cho biết anh chú trọng đến yếu tố phục hồi cảnh trí hình khối do họa sĩ Văn Tòng thiết kế, để câu chuyện "Má hồng soi kiếm bạc" - do anh và NSƯT Quế Trân đóng vai chính - mang lại cảm xúc chân thật cho khán giả. "Dù sao thì cảnh trí thiết kế đúng chuẩn của cải lương sẽ đẹp hơn màn ảnh LED vốn phá vỡ cảm xúc khán giả do được chụp lại, mô phỏng qua màn hình" - NSƯT Kim Tử Long đánh giá.
Chuyển dịch theo đời sống sàn diễn
"Cái khó ló cái khôn", nghệ sĩ buộc phải tìm kiếm, sáng tạo để ngọn lửa đam mê luôn cháy bỏng và thích ứng với bối cảnh mới.
Dù bỡ ngỡ khi lịch tập được tổ chức trong thời gian giãn cách xã hội chỉ với 5-7 nghệ sĩ, kể cả ban nhạc cổ, nhưng Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long xem đó là trải nghiệm nghệ thuật để mỗi người có thể diễn nhiều dạng vai trong một tác phẩm mang tính thể nghiệm.
Nghệ sĩ Bạch Mai cho biết: "Nhiều đơn vị nghệ thuật khác đã lập kênh trên YouTube, đăng tải những MV biểu diễn đặc sắc để đông đảo khán giả thưởng thức. Trong khi đó, đoàn chúng tôi chủ trương tạo sự chờ đợi từ công chúng qua những quảng bá về quá trình tập dượt. Hình thức dàn dựng phải thật sự chuyển dịch theo đời sống sàn diễn hôm nay. Nghĩa là cảnh trí, không gian, phục trang rất đẹp mắt, tiết tấu nhanh, thời lượng vở diễn không quá dài".
Để duy trì được cầu nối giữa khán giả và nghệ sĩ thông qua sàn diễn, các nhà chuyên môn đều mong hình thức dàn dựng của mỗi vở sẽ lôi cuốn người yêu cải lương đến rạp.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thưởng thức nghệ thuật là nhu cầu tinh thần không thể thiếu với người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy, các sàn diễn từ công lập đến xã hội hóa cần chủ động sáng tạo, nắm bắt công nghệ, chuẩn bị phục vụ công chúng khi hoạt động biểu diễn được phép trở lại bình thường.
"Điều khó là việc phát hành vé sẽ không khả quan như trước vì khán giả còn ngại đến nơi đông người. Do vậy, mỗi vở diễn phải được dàn dựng thật nghiêm túc, đạt chất lượng nghệ thuật mới mong thu hút khán giả"- NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Dùng không gian mạng để quảng bá
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt khẳng định việc dùng các trang mạng xã hội để quảng bá vở mới là rất hiệu quả, tìm được sự phản hồi tích cực từ khán giả, qua đó có sự tương tác để biết được thị hiếu người xem. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều nghệ sĩ đã bước lên không gian mạng, tạo sân chơi không biên giới để góp phần đồng hành, cổ vũ người dân đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy vậy, hầu hết các nghệ sĩ đều cho biết không gian mạng chỉ để quảng bá sản phẩm sắp ra mắt. Còn để sàn diễn sáng đèn thì phải thôi thúc nhau sáng tạo, làm mới bằng hình thức biểu diễn được đầu tư nghiêm túc.
Bình luận (0)