xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải lương vẫn sống, chỉ sàn diễn là "chết"!

Thanh Hiệp thực hiện

Danh ca Minh Cảnh cho rằng người làm sân khấu đã không biết giữ cội rễ của bộ môn nghệ thuật này, để những chuẩn mực bị lệch lạc, miễn sao bán vé thu lợi là được nên sân khấu cải lương mới "chết" như hôm nay

. Phóng viên: Sàn diễn cải lương ngày càng thưa vắng người xem. Liệu sân khấu cải lương (SKCL) có cáo chung sau 100 năm tồn tại không, thưa ông?

- Nghệ sĩ Minh Cảnh: Nói cải lương ngày nay chết chỉ đúng nửa phần bởi chỉ có sàn diễn cải lương là chết vì vắng khán giả; còn các hoạt động, loại hình chuyển tải nghệ thuật cải lương thì vẫn tồn tại đó chứ. Nếu không muốn nói là tồn tại mạnh mẽ.

. Theo ông, vì sao SKCL lâm cảnh chợ chiều như vậy?

- Tôi đã từng cảnh báo lúc sàn diễn cải lương đang được cổ xúy "cải tiến". Tự thân nghệ thuật cải lương là loại hình mở thì "cải tiến" làm gì? Có chăng là cải tiến những suy nghĩ của con người làm sân khấu, trong đó có cải lương. Người làm sân khấu đã không biết giữ cội rễ của bộ môn nghệ thuật này, để những chuẩn mực bị lệch lạc, mạnh ai nấy làm, miễn sao bán vé được, miễn sao có lợi ích.

Nghệ thuật cải lương chưa có sự định hướng đúng, tự phát theo kiểu chạy theo lợi nhuận khiến một thời khán giả ngán khi đến xem các vở tuồng cứ để đào kép ca câu vô vọng cổ vài trăm từ mà không ăn nhập gì với nội dung câu chuyện hoặc tuồng tích cứ nói chuyện trên trời, dưới biển, kiếm hiệp kỳ tình lâm ly bi đát mà không chuyển tải được hơi thở thời đại.

Thập niên 1970 trở đi, sàn diễn cải lương từng chết lâm sàng khi phim ảnh các nước đổ xô vào, cả Sài Gòn thời đó chỉ còn có rạp Quốc Thanh diễn cầm cự. Nhưng sau năm 1975 thì sống lại một cách mãnh liệt.

. Như ông đã nói, SKCL trước 1975 phát triển mạnh với nhiều phong cách của nhiều gánh hát. Sau 1975, giai đoạn từ 1980 đến 1990, SKCL phát triển mạnh rồi đi vào lụi tàn. Ông là nhân chứng sống của cả 2 giai đoạn này nên có thể nhìn ra những góc khuất nào khiến SKCL thoái trào?

- Trước 1975, các ông bà bầu bỏ tiền lập gánh, của đau con xót nên ai cũng phải căng đầu suy nghĩ để tìm lối đi, để bán vé được, có lợi nhuận mà tái sản xuất, ký hợp đồng giữ chân nghệ sĩ tài danh. Sau năm 1975, không có nhiều sự lựa chọn về mặt giải trí, cải lương có hai nguồn lực từ sân khấu Sài Gòn đã sẵn có những tài danh và từ lực lượng ngoài Bắc về, trong chiến khu ra, lại có đội ngũ tác giả hăng hái sáng tác nên cải lương hưng thịnh với 22 đoàn hoạt động. Nhưng rồi vì vốn của nhà nước, kịch bản dựng theo chỉ đạo nhiều hơn là theo nhu cầu thị hiếu nên khiến người xem dần dần xa lánh. Cho tới thời cải lương video bùng nổ, người ta đua nhau làm ẩu, làm vội, đó là con dao hai lưỡi giết chết cải lương. Sàn diễn thoái trào vì mua vé vào xem chỉ có hai đào kép chánh, trong khi thuê băng video ngồi nhà xem giá rẻ mà có nhiều ngôi sao. Thế là khán giả không đến rạp. Rồi cải lương nguyên tuồng bị bức tử, nghệ sĩ lấy trích đoạn hay ra hát, riết người xem không còn hào hứng khi nghĩ đến việc đến rạp thưởng thức cải lương.

Cải lương vẫn sống, chỉ sàn diễn là chết! - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Minh Cảnh. Ảnh: THANH HIỆP

. Dù nuối tiếc nhưng ông có buồn khi diện mạo của SKCL không còn như xưa?

- Nói buồn thì có ích gì. Chi bằng mình phải làm được thêm gì cho cải lương thì gắng làm. Cùng với lớp trẻ giữ chuẩn mực của bộ môn mình đã đeo đuổi.

. Có nhận định cho rằng SKCL không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, ông nghĩ thế nào?

- SKCL vẫn tồn tại theo hình thức mới mà ta tưởng chỉ có trên sàn diễn thì nó mới sống. Bằng chứng trên các kênh truyền hình trong và ngoài nước, cải lương được phát sóng nhiều giờ hơn các bộ môn khác. Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội giới trẻ bình luận đa số, truyền cho nhau xem những vở diễn hay còn lưu trữ bằng hình ảnh hoặc video, audio. SKCL đúng là đã có quá nhiều vở rời xa đời sống đương đại, khiến khán giả cứ ngại vì mô-típ cũ kỹ. SKCL cần hình thức mới để song hành với người xem. Mà người làm nghề phải hiểu những niêm luật của SKCL để có thử nghiệm gì thì cũng phải giữ đúng chuẩn, đúng chủ đề "trung, hiếu, tiết, nghĩa". Còn bắt SKCL chở quá nhiều, quá nặng tính tư tưởng thì nó sẽ bị chìm.

. SKCL hiện nay được xem như con bệnh mà ai trong nghề đều thấy nhưng để điều trị dứt thì chưa tìm ra "phương thuốc". Theo ông, có cách nào hữu hiệu?

- "Thuốc" là từ khán giả. Khi khán giả quay lưng thì cũng như ông thầy thuốc chê con bệnh. Cải lương phát triển vượt bậc rồi đi xuống dốc là điều tất yếu nhưng buồn là những chuẩn mực của SKCL bị rơi rụng. Chuyện hát nhép, chuyện diễn ẩu, chuyện làm video cải lương vô tội vạ, quan trọng hơn hết là không chuẩn bị cho một thế hệ khán giả trẻ. Tôi sang Mỹ mới thấy người ta ý thức rõ lắm việc đào tạo thế hệ khán giả trẻ. Trong khi ở trong nước, khán giả lớn tuổi qua đời, còn con cháu họ thì không thích xem cải lương.

. Ông cho rằng nếu có một chiến lược khả thi sẽ có một chân trời sáng cho SKCL sau cột mốc 100 năm?

- Tôi tự hỏi nếu không có sự kiện 100 năm thì ai quan tâm đến SKCL? Chúng ta cứ quen chạy theo sự kiện, chạy theo những con số to lớn mà quên rằng những di sản nghệ thuật và văn hóa của ông bà để lại đang cần chúng ta vun đắp, bảo tồn mỗi ngày. Đừng để đến sự kiện mới hô toáng lên là nên vun bồi, tô vẽ. Ông bà xưa khi kiến tạo nghệ thuật này cũng đâu có nghĩ nó sẽ sống 100, 200 tuổi mà vẫn mong hễ nước Việt còn, dân Việt còn thì nghệ thuật của mình vẫn tồn tại. Nó được kết tinh bằng lòng ái quốc thì không thể xa rời cội rễ nơi có hàng triệu con tim đang hướng về cội nguồn dân tộc. Chân trời sáng cho cải lương hiện nay chính là sự đoàn kết. Nghệ sĩ, nhà quản lý, khán giả hãy cùng nhau làm cho thánh đường nghệ thuật này sáng rực. Ba yếu tố này bị chệch hướng thì có đẻ ra hàng ngàn chiến lược cũng thua. 

Lãnh đạo phải có tâm, tầm

13-minh-canh

"Vực dậy sân khấu cải lương khó nhưng không phải không làm được" - danh ca Minh Cảnh nói. Nhưng ông cũng băn khoăn: "Có điều ai sẽ là người cầm trịch. Sân khấu cần người làm nghề phải biết đau đớn trước sự nguy cấp này, có trái tim nhiệt huyết thôi thúc thì mới làm cho sàn diễn sáng đèn đều đặn. Còn lãnh đạo theo kiểu hết nhiệm kỳ thì thôi, người kế nhiệm có làm theo hay không chẳng màng thì chẳng giải quyết được gì. Tôi còn nhớ ông Sáu Thảo - tức ông Dương Đình Thảo, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM những năm đầu mới giải phóng, quý trọng cải lương lắm, hoạch định một lộ trình phát triển cho 22 đoàn nghệ thuật thời đó đi đúng quỹ đạo. Để rồi sau ông, cải lương cứ thế mà tiến...".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo