Độc giả Việt Nam không còn xa lạ với cái tên Milan Kundera. Sau "Đời nhẹ khôn kham", "Sự bất tử" và "Chậm", giờ đây chúng ta có tiểu thuyết "Căn cước" (Ngân Xuyên dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành 2020), một trong những tiểu thuyết ngắn nhất của ông.
Cuộc đuổi bắt danh tính
Một chuyện tình vờn đuổi giữa hai nhân vật Jean-Marc và Chantal trong một mối quan hệ từng nóng bỏng và lãng mạn. Nhưng rồi, tình cảm đấy ngày càng nhạt đi theo thời gian. Với hy vọng thắp lại ngọn lửa tình trong người yêu, Jean-Marc dấn thân vào một trò chơi đuổi bắt danh tính.
Jean-Marc và Chantal chỉ là một đôi tình nhân bình thường như bao cặp tình nhân bình thường khác nhưng rồi trong khoảnh khắc, điều bình thường ấy trượt đi, khi Chantal thốt ra câu: "Cánh đàn ông không quay nhìn em nữa". Một phụ nữ có người yêu khao khát được ngắm nhìn, được ái mộ. Và đó là lúc Jean-Marc nhận ra rốt cuộc mình đã không có khả năng thấu hiểu người tình.
Cuốn sách “Căn cước” xuất bản tại Việt Nam
Milan Kundera là nhà văn của những khoảnh khắc tế vi như thế. Các nhân vật dưới mắt của ông phải chịu trở đi trở lại trong sự quan sát và phân tích. Ông vừa sáng tạo nhân vật nhưng cũng đồng thời vừa khám phá nhân vật mình sáng tạo nên. Cho nên, chẳng lạ gì nếu đôi tình nhân kia bỗng một ngày nhận ra mình đã chưa hiểu thấu người mình đang đầu ấp tay gối.
Đâu là bản chất/căn cước của Jean-Marc và Chantal? Chính họ cũng không hiểu thấu bản thân mình. Jean-Marc tham dự trò chơi của những chiếc mặt nạ, khoác lên mình một danh tính khác, trở thành một kẻ hâm mộ bí ẩn đeo đuổi theo Chantal. Con người hiện đại đang sống trong chiếc mặt nạ của mình, đang tương tác với nhau thông qua chiếc mặt nạ. Dần dần, ta ngộ nhận chiếc mặt nạ đấy chính là ta và đánh mất mình lúc nào không hay.
Trong cuộc đánh mất mình ấy, sau tất cả những trò chơi cút bắt tình yêu, Jean-Marc cảm thấy mình lạc lõng đơn điệu trong thế giới này, băn khoăn trước câu hỏi đâu mới thật sự là căn cước của mình. Vả chăng, những mối quan hệ gắn bó từ trước đến nay chỉ là giả tạm và con người mình thật ra chỉ là tổng hợp của những lớp điểm trang mà tha nhân tô vẽ lên đó?
Trò chơi của ngôn từ
Trong "Căn cước", ta thấy rõ những gì đã từng làm nên tên tuổi của Milan Kundera, sự xóa nhòa các ranh giới tiểu thuyết hay tính giễu nhại. Milan Kundera bày ra một trò chơi và đẩy các nhân vật của mình vào trong, nên lúc nào ta cũng thấy như câu chuyện được kể lại với một nụ cười tủm tỉm của một người kể chuyện toàn năng, vừa như biết tuốt lại như tò mò ẩn mình quan sát các nhân vật.
Căn cước hay danh tính thoạt nghe là một chủ đề khá nghiêm trọng, thậm chí người ta có thể viết thiên kinh vạn quyển để phân tích, phát triển vấn đề. Song, chỉ bằng một câu chuyện nhẹ như không, Milan Kundera đã đưa vấn đề nghiêm túc đó thở thành câu chuyện ái tình và thông qua câu chuyện ái tình, khám phá ra căn cước của mỗi con người.
Là tiểu thuyết thứ hai của Kundera viết bằng tiếng Pháp, dù không được đánh giá quá cao nhưng "Căn cước" có những điều làm nên đặc trưng của Kundera. Ông sẽ luôn gây chia rẽ bởi những người thích cách viết của ông lẫn những người cảm thấy nhàm chán nó. Chính vì thế, đọc Milan Kundera, độc giả lúc nào cũng có niềm hứng khởi, rằng ta sắp can dự vào cuộc phiêu lưu nho nhỏ, trò chơi của ngôn từ.
"Thức dậy đi em! Đây không phải là sự thật!" Câu nói của Jean-Marc đánh thức Chantal mà cũng như đánh thức người đọc. Rằng chúng ta đang đọc một tiểu thuyết, chúng ta đang bước vào trò chơi do nhà văn bày ra và đến lúc phải bước ra khỏi cuộc chơi đó.
Đến cuối cùng, sau tất cả những nghi ngờ, những tra vấn về căn cước, người kể chuyện khép lại trò chơi của mình: "Ai đã nằm mơ tất cả những chuyện này? Ai tưởng tượng ra nó? Nàng? Hay anh? Hay cả hai người? Hay người này tưởng tượng cho người kia? Và từ lúc nào cuộc sống của họ bắt đầu biến thành tưởng tượng dối lừa? […] Đâu là thời khắc chính xác khi cái thực biến thành cái phi thực, hiện thực thành mơ? Đâu là giới hạn giữa chúng khi ấy? Và nói chung giới hạn đó ở đâu?".
Nhà văn khiến chúng ta nghi ngờ toàn bộ câu chuyện mình đọc từ đầu đến lúc này. "Căn cước" là một tiểu thuyết ái tình ư? Đến cuối cùng, người đọc vẫn băn khoăn về cuốn sách đang giở ra trước mặt mình. Kundera đến phút cuối vẫn là người thích đùa, đã giải đi những xác tín của cái gọi là bản nguyên hay với tiểu thuyết này là căn cước.
Chúng ta là, hay chỉ là kẻ chúng ta tưởng là? Đi đến cùng câu hỏi đó, có lẽ phải cần hơn một tiểu thuyết. Nhưng chỉ với một tiểu thuyết, Milan Kundera đã dắt người đọc đi vào cánh cửa đầu tiên, gặp câu hỏi triết học căn bản, mà không cần phải tỏ ra làm dáng.
Nhà văn người Czech vĩ đại
Từ lâu, khi nhắc đến nhà văn Czech vĩ đại nhất còn sống, người ta lại nghĩ ngay đến Milan Kundera, dù rằng đã hàng chục năm nay, ông đã chọn nước Pháp cũng như ngôn ngữ Pháp cho bối cảnh và tiếng nói văn chương của mình. Giờ đây, khó có thể xếp Milan Kundera vào danh sách những nhà văn Czech hay nhà văn Pháp, các tác phẩm của ông thuộc văn học Czech hay văn học Pháp. Ta phải xác lập "căn cước" văn chương của ông như thế nào, "bản nguyên" của văn chương ấy là gì? Milan Kundera đi vào cuộc tìm kiếm câu trả lời trong cuốn tiểu thuyết mong manh, ẩn dưới hình hài một chuyện tình, đó là "Căn cước".
Bình luận (0)