"Xét cho cùng thì ông bố nào cũng từng là một cậu bé", nhà văn Alexander Raskin đã viết như thế trong bức thư gửi độc giả nhỏ tuổi của mình, trích từ tác phẩm "Khi bố còn thơ" (Y Khương, Đỗ Tư Nghĩa dịch, Phan Book và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020). Đôi khi người lớn chúng ta quên điều đó. Nhà văn Alexender Raskin đã nhắc nhở chính mình và nhắc nhở nhiều ông bố khác rằng bản thân đã có một thời mang tên "khi bố còn bé xíu", cái thời làm đủ những trò nghịch ngợm, phá phách, khác xa với hình ảnh đạo mạo trưng ra trước mặt con trẻ.
Cuốn sách ra đời bên giường ngủ
Những mẩu chuyện trong tác phẩm này đều bắt đầu bằng câu: "Khi bố còn bé xíu". Như một câu thần chú mở ra những chân trời kỷ niệm ấu thơ, thuở các bậc cha mẹ vẫn còn là những đứa trẻ. Mà trẻ con nơi nào cũng giống nhau bất chấp những khoảng cách địa lý, văn hóa. Với những trò chơi con trẻ, những người bạn, những món đồ chơi, những kỷ niệm đầy sắc màu của thuở thiếu thời.
Raskin cũng viết nên tác phẩm này mà không có chút tham vọng nào. Một lần con gái ông bị đau tai, không ngủ được và muốn nghe những câu chuyện lúc bố mình còn nhỏ. Thế là bên giường con, từng kỷ niệm hài hước, ngọt ngào tuôn ra từ môi Raskin, in dấu trên trang sách. Cứ như thế, những kỷ niệm lần lượt được kể ra để đứa con vỡ òa, hóa ra ông bố đạo mạo của mình "khi còn bé xíu" lại thú vị và trẻ con đến thế. Những câu chuyện trong "Khi bố còn thơ" cũng không khai thác những yếu tố phiêu lưu. Nó chỉ là những câu chuyện mà bất kỳ người lớn nào cũng từng trải qua và bị thời gian đưa vào quên lãng.
Bìa cuốn sách “Khi bố còn thơ” xuất bản tại Việt Nam
Đưa một câu chuyện cá nhân trở thành tác phẩm được đông đảo đại chúng yêu thích, bởi Raskin khái quát những kinh nghiệm cá nhân trở thành mẫu số chung của bao nhiêu người làm bố khác trên toàn thế giới. Như ông tâm sự: "Có khi không nghĩ ra được chuyện nào, tôi lại kể chuyện của những ông bố khác mà tôi biết".
Có thể thấy trong lúc kể chuyện cho con bên giường ngủ, chính Raskin cũng tự lần mò về tuổi thơ, lang thang trong những hồi ức. Là làm sống lại cái dư vị của rượu vodka như kim đâm trong cổ họng vì thuở nhỏ vô tình tưởng nó là nước hay lần rất muốn đọc cho nhà thơ Mayakovsky những bài thơ mình viết nhưng cứ gọi mà không dám nói, thành ra bị nhà thơ hiểu lầm là kẻ phá rối… Tất cả những kỷ niệm đó giờ trở lại với ông bố và bằng cách đó, ông vừa an ủi cô con gái vừa vỗ về chính mình.
Tìm thấy lại tuổi thơ Nếu bạn đã từng thích
"Totto-chan cô bé bên cửa sổ" hay "Nhóc Nicolas" hẳn bạn sẽ thích tác phẩm này. "Khi bố còn thơ" không chỉ dành cho trẻ con mà còn dành cho những ai từng có thời "khi còn nhỏ xíu".
Và cũng giống những tác phẩm đó, không một bài học nào được cố thốt ra gượng gạo để dạy dỗ trẻ con. Thông qua từng chuyện kể, thế giới tuổi thơ bỗng chốc rộng ra với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Đó là hành trình đi từ đứa trẻ đến ông bố, hành trình đánh mất và tìm thấy.
Tác giả không chỉ đơn giản trao lại những kỷ niệm. Ông thực hiện một cuộc đối thoại giữa hai thế hệ. Giữa đứa trẻ ngày xưa và đứa trẻ của hôm nay. Bằng cách đó, ông tạo được mối dây liên kết với đứa con của mình thông qua những khoảnh khắc tuổi thơ tuy rất khác nhau nhưng chung những xúc cảm. Sự tò mò khám phá thế giới. Sự ngây thơ thuần phác. Ông không chỉ nói chuyện với con gái mà đang nói chuyện với chính mình, với đứa trẻ con đang ngủ vùi trong chính ông. Qua những câu chuyện kể, ông kết nối tuổi thơ của nhiều đứa trẻ hoặc đã từng là đứa trẻ qua một cảm thức chung.
Vì vậy, "Khi bố còn thơ" sống lâu trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Nhiều bạn đọc cho biết cuốn sách "Khi bố còn thơ" họ được đọc là từ cha mẹ truyền đời từ ông bà họ. Nhiều độc giả còn nói rằng đây là cuốn sách đầu tiên mà họ đọc trong đời.
Đó là một nghịch lý nhưng không phải khó giải thích. "Khi bố còn thơ" được chọn lựa, bởi các bậc cha mẹ ít nhất đã đọc qua, đã yêu thích. Một tác phẩm đầy tính giáo dục được viết bằng giọng văn sáng tỏ, đi ra từ đời sống. Nên chẳng lạ gì nếu một đứa trẻ được bố mẹ đọc cho "Khi bố còn thơ" lại không nghĩ rằng nhân vật cậu bé trong truyện thật sự là bố mình
Không ít độc giả đã chọn đọc tác phẩm này cho con của họ theo cái cách mà Raskin lần đầu tiên đã kể các câu chuyện này bên giường con gái. Ranh giới giữa độc giả và tác giả bị xóa nhòa, chỉ còn những câu chuyện kể, với những cảm xúc trong veo, về một ông bố từng là đứa trẻ, về những đứa trẻ rồi sẽ thành bố, thành mẹ. Không phép mầu, không siêu năng lực. Có lẽ hôm nay chúng ta cần những câu chuyện như trong "Khi bố còn thơ" để trả về cho đời sống sự thuần khiết vốn có.
Làm nên tên tuổi tác giả
Alexander Raskin (1914 - 1971) là nhà văn, nhà biên kịch người Nga, nổi tiếng với tác phẩm "Khi bố còn thơ" xuất bản lần đầu năm 1961, thường được biết đến với tên "When Daddy Was a Little Boy".
Cuốn sách nhanh chóng trở thành một trong những hiện tượng xuất bản, được dịch sang nhiều thứ tiếng, đưa tên tuổi của Raskin vượt ra khỏi biên giới nước Nga, như tờ The Guardian đã viết: "Cuốn sách được dệt nên bởi những câu chuyện đầy thú vị và lan tỏa niềm hứng thú lớn lao!".
Bình luận (0)