Theo nhiều văn nghệ sĩ, cách đây 50 năm, nghệ thuật công cộng đã xuất hiện ở Sài Gòn - TP HCM, các công trình nghệ thuật công cộng chỉ được đặt tạm thời, bằng các chất liệu như gỗ, thạch cao..., cũng có nhiều tượng đài được xây dựng bằng các chất liệu bền vững với thời gian, thể hiện nội dung truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, khi đó nghệ thuật công cộng vẫn chưa được chú ý đúng mức. Khi đô thị ngày càng phát triển, nhu cầu này càng trở nên bức thiết.
Nâng chất lượng sống và cảm thụ nghệ thuật
Họa sĩ Trang Phượng cho biết: "Cách đây 20 năm, tôi đã từng đề xuất với UBND TP HCM thông qua dự án xây dựng hai bên công viên của kênh Nhiêu Lộc thành khu vườn tượng với chủ đề từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời quy hoạch xây dựng các cây cầu để làm sao đều trở thành công trình văn hóa nghệ thuật. Đề án này không quá tốn kém vì kết cấu các cây cầu như nhau. Thế nhưng, 20 năm qua rồi vẫn không thực hiện được". Theo ông, trong quy hoạch kiến trúc khi kinh tế phát triển, chính quyền đô thị phải chú ý đến không gian văn hóa nghệ thuật. Nếu không sẽ là tổn thất lớn về mặt bằng hưởng thụ không gian văn hóa của người dân.
Thời gian qua, bên cạnh tranh vẽ trên tường, TP HCM đã xuất hiện một phong trào mới, những cột điện "nở hoa", trang trí cột điện bằng việc sơn vẽ những bông hoa nhằm kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều khi người khen không ít, người chê cũng nhiều.
Dẫn chứng về thành công của nghệ thuật công cộng, nhiều người lấy ngôi làng bích họa ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nơi đã nhận giải "Cảnh quan du lịch châu Á 2017" làm ví dụ. Đó chỉ là một ngôi làng chài nghèo, đã được các họa sĩ tạo nên không gian nghệ thuật bởi những bức họa phù hợp với không gian biển, biến nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
"TP HCM có khu phố bán đèn phục vụ Tết nguyên tiêu; khu Hải Thượng Lãn Ông chuyên bán thuốc bắc; khu xóm đạo Công giáo mỗi mùa Giáng sinh thiết kế dàn hoa đèn, hang đá sinh động... thì tại sao không thiết kế hẳn thành không gian nghệ thuật cố định để TP có thêm nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, tham quan phục vụ du lịch. Ngay Công viên Gia Định - nơi có nhà bạt xiếc của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - cũng có thể biến thành công viên của nghệ thuật rối và xiếc; con hẻm bên cạnh rạp Thủ Đô (quận 5) có thể biến thành không gian dành cho khán giả yêu thích nghệ thuật hát bội, đưa hát bội xuống phố trên trục đường nội bộ của Thuận Kiều plaza" - TS Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM) đặt vấn đề.
Theo NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng, mỗi tác phẩm nghệ thuật công cộng do các nghệ sĩ sáng tạo đều gắn liền với hình ảnh con người, quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa, chiều dài lịch sử Việt Nam... Khi các tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng được quan tâm đúng mức sẽ nâng chất lượng sống và cảm thụ nghệ thuật của nhân dân, làm cuộc sống phong phú hơn.
Trình diễn nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Không chỉ dừng lại ở tượng đài kiến trúc
Theo giới chuyên môn, với sự thay đổi nhận thức và quan niệm của xã hội theo hướng cởi mở, thời gian gần đây, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở những tượng đài kiến trúc, giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, mà còn thể hiện qua nhiều hình thức biểu diễn tạo nên không gian văn hóa, gồm: lễ hội âm nhạc, festival của nhiều loại hình nghệ thuật đường phố... Các nhà chuyên môn cho rằng không gian nghệ thuật nếu quy hoạch tại TP HCM sẽ rất phong phú khi tận dụng, triển khai được các nhà máy cũ, bến xe buýt, các khu đô thị mới, công viên, quảng trường... Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng mà ngược lại được thổi vào đó sức sống mới.
TS Lê Hồng Phước đề xuất: "Ngoài đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), TP HCM có thể chọn con đường Huyền Trân Công Chúa, nằm sau Hội trường Thống Nhất, xây dựng con đường này thành nơi thể hiện sức sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật, tạo một không gian cho các nghệ sĩ nhiều thể loại thể hiện. Cụ thể, âm nhạc dân tộc, hát bội, cải lương, múa rối, xiếc, diễn xướng văn hóa Nam Bộ... Theo lịch trình của từng quý, đưa những hoạt động biểu diễn mang tính cộng đồng, tổ chức chuyên đề trao đổi, biểu diễn, giới thiệu, đồng thời phát huy sự tương tác để giới trẻ và du khách tìm hiểu về các loại hình văn hóa, nghệ thuật".
Ở nhiều quốc gia, sự hiện hữu của các tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng được coi là điểm nhấn không thể thiếu trong bức tranh tổng thể của một đô thị phát triển. Nhưng ở Việt Nam, quan niệm về nghệ thuật công cộng vẫn quanh đi quẩn lại là những tượng đài, phù điêu... mà quên rằng trong không gian đó rất cần sự sống của sáng tạo nghệ thuật, của các loại hình biểu diễn.
Chưa được chú trọng khi xây dựng chính sách
Theo PGS-TS, kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), trong các chính sách công hiện nay, dường như nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức. Bà nhấn mạnh: "Đã đến lúc cần sự ủng hộ và tạo điều kiện tài chính để nghệ sĩ tham gia thiết kế không gian nghệ thuật có sự thông thoáng hơn. Từ sự đồng thuận trong chính sách, cộng đồng dân cư tại TP HCM sẽ cùng tham gia với các nghệ sĩ và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật công cộng".
Tuy nhiên, theo TS Lê Hồng Phước, nghệ thuật trong không gian công cộng vẫn là một loại hình đặc thù, luôn đòi hỏi song hành cả 2 yếu tố: Tính nghệ thuật của tác phẩm và không gian nơi tác phẩm. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh những tác động ngược, làm xấu đi không gian công cộng hoặc các yếu tố như môi trường, cảnh quan và đời sống của người dân. "Không gian sống của các bộ môn nghệ thuật khi đưa vào phục vụ, hình thành theo lịch trình biểu diễn, mang tính tương tác cao, rất cần bộ quy tắc ứng xử cụ thể. Để không gian đó thật sự là không gian nghệ thuật có sức sống" - TS Lê Hồng Phước kiến nghị.
Bình luận (0)