Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần III-2018 đã khép lại, dư âm về một mùa trình làng với những khao khát của giới ảo thuật vươn tới đỉnh cao vẫn âm ỉ. Người làm nghề tạm hài lòng với kết quả đạt được nhưng điều họ quan tâm là sau liên hoan, họ được gì hay vẫn tiếp tục thiếu một không gian làm nghề chuyên nghiệp?
Đoạt giải rồi diễn ở đâu?
Nỗi niềm của nghệ sĩ ảo thuật Trần Dũng chính là sau khi đoạt huy chương vàng (HCV), tiết mục "Thôi miên người bay trên nước cao 4 m" của anh không có nơi để biểu diễn phục vụ công chúng. Anh vẫn phải tìm điểm diễn, tự nuôi sống mình chỉ với những trò nhỏ lẻ. Các nghệ sĩ đoạt HCV như: Tuấn Anh ("Một thoáng hương Chăm" - Quảng Trị), Nguyễn Việt Duy (CLB Ảo thuật TP HCM), Trần Vĩnh Thịnh (Bến Tre), Phùng Tuấn Anh (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cũng chung tâm trạng vì thiếu không gian làm nghề, biểu diễn những tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu sau khi rời khỏi liên hoan.
Ảo thuật gia Trần Dũng, HCV tại Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần III - 2018
Theo NSND Thái Mạnh Hiển, cây đa, cây đề của làng ảo thuật - xiếc, ảo thuật Việt Nam từ thập niên 1970 đã có những tên tuổi thành danh nhưng đến nay, khi các nghệ sĩ ấy sắp đi vào dĩ vãng thì thế hệ kế cận hiếm người đủ sức chinh phục khán giả trong và ngoài nước. "Nói một cách nào đó chúng ta chỉ lẩn quẩn "ao làng". Tự khen nhau, động viên nhau. Còn việc tìm ra cốt lõi để khắc phục hạn chế của việc tạo không gian biểu diễn thì vẫn cứ để đó" - NSND Thái Mạnh Hiển trăn trở.
Vừa qua, chương trình "Ảo thuật siêu phàm" phát sóng trên VTV3 do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Truyền thông ADT phối hợp sản xuất đã tạo "sân chơi" tầm cỡ đầu tiên trên sóng truyền hình cho các ảo thuật gia Việt Nam.
Không chỉ trình diễn những màn ảo thuật độc đáo, đỉnh cao, các thí sinh - ảo thuật gia cũng đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Thế nhưng, đó vẫn là một chương trình truyền hình, sự tương tác trực tiếp với khán giả xem tại rạp, tại nhà bạt dành cho xiếc, ảo thuật vẫn còn là điều trong mơ của nghệ sĩ ảo thuật Việt. "Chúng tôi rất cần không gian để biểu diễn" - nghệ sĩ Minh Quang, Chủ nhiệm CLB Ảo thuật Tiền Giang, nói.
Lỗ hổng lớn về mặt đào tạo
Ảo thuật Việt Nam đã có những tên tuổi: Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khuyến, Tony Quang, NSƯT Nguyễn Đức Trường (tức Z27), Nguyễn Kim, Thanh Trúc, Ngọc Phước, Hoàng Biếu, Lê Hảo Tâm, Trần Định, Hoàng Lang… Nhưng hôm nay, lực lượng kế cận gần như vừa thiếu vừa yếu. Đó là lỗ hổng từ khâu đào tạo. Qua Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần III, người trong nghề nhận thấy hầu hết những người làm ảo thuật hiện nay đều học nghề từ việc kế nghiệp của gia đình. "Tư duy cha truyền con nối vì thế cứ quanh quẩn trong "ao làng". Muốn phát triển phải có hiệp hội ảo thuật, quy tụ được các CLB nhà nghề, từ đó nâng cao hiệu quả đào tạo. Khâu sáng tác kịch bản cho các trò lớn, các tiết mục đỉnh cao phải được đầu tư" - ảo thuật gia Nguyễn Trung Khuyến nhận định.
Thế hệ ảo thuật gia hiện nay có thể kể đến các tên tuổi: Huy Nguyễn, Palmas Nguyễn, Ngọc Minh Quang, Trần Dũng, Lê Tuấn Anh, Lư Phong, Anh Tú…Họ cũng chỉ dừng lại ở việc tự học, tự mày mò, khám phá để sáng tạo, không có trường lớp đào tạo chính quy, bài bản.
Quả thật, do việc học theo kiểu tự dạy nhau trong một nhóm nhỏ, ai có trò gì hay thì dạy hoặc học trên internet, bắt chước là chủ yếu nên mang đến liên hoan 36 tiết mục thì có hơn 20 tiết mục sử dụng chim bồ câu.
Chính việc học manh mún như vậy nên việc thi thố với các ảo thuật gia nước ngoài trong những lần giao lưu là không thể. Khi chưa tạo được đẳng cấp, ảo thuật luôn bị coi là tiết mục lót tại các chương trình tạp kỹ. Bộ môn ảo thuật không có sân khấu cho riêng mình. Thiếu không gian để nâng chất lượng mang tính đặc thù của nó, các ảo thuật gia có tài giỏi đến mấy vẫn không thể phát huy tài năng của họ.
"Chúng tôi cần sân khấu đúng nghĩa để giới thiệu những sáng tạo của ảo thuật Việt, không thể cứ "sống mòn" trong các chương trình đại nhạc hội, nhà hàng, quán bar, thậm chí diễn ở quán nhậu. Những ai yêu ảo thuật muốn đi xem, đưa bạn bè từ các nước đến xem vẫn không biết điểm diễn nào của ảo thuật tại TP HCM và Hà Nội" - ảo thuật trẻ Trần Dũng bày tỏ.
Muốn nâng tầm phải đầu tư
Theo thống kê cách đây 2 năm của Chi hội Xiếc - Ảo thuật Hội Sân khấu TP HCM, có 135 nghệ sĩ ảo thuật hoạt động biểu diễn tại TP HCM và các tỉnh, thành khác. Nhưng để quy tụ đầy đủ nghệ sĩ ảo thuật là hội viên thì rất khó. Các nhóm đã tản mác đi diễn khắp nơi, một số bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn.
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của Liên hoan Ảo thuật toàn quốc 2018, nói: "Để định hướng, động viên sự kế tục, hướng tới giao lưu với quốc tế, sáng tạo mới rất cần được đầu tư. Trong thời gian tới, trước xu thế phát triển, đòi hỏi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sớm đệ trình những kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước để ảo thuật Việt được đầu tư, có điều kiện phát triển và vươn tới đỉnh cao".
Bình luận (0)