Đây được xem là biện pháp giải cứu kịp thời của Hội VNDGVN mà trọng tâm là thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó: sưu tầm để bảo tồn vốn VH-VNDG của các dân tộc Việt Nam và phát huy những giá trị văn hóa dân gian trong đời sống hôm nay.
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP HCM, từng nêu ý kiến cho rằng dự án này tránh nguy cơ đứt mạch truyền thống văn hóa dân tộc giữa các thế hệ, tổng kiểm kê các giá trị VH-VNDG cả nước, phục dựng nhiều loại hình VH-VNDG tiêu biểu, phổ biến cho thế hệ trẻ, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu các giá trị VH-VNDG.
"Đặc trưng của dự án là việc sưu tầm các giá trị thông qua trí nhớ của các nghệ nhân. Và ngay bây giờ, không chỉ in sách, viết báo mà phải ghi âm, quay hình, lưu trữ hóa số một cách chuyên nghiệp, không để các nghệ nhân dân gian, theo chữ dùng của UNESCO là "Báu vật nhân văn sống" (Living Human Treasures) lìa xa cõi thế, mang theo những giá trị nghiên cứu, đúc kết thực tiễn ứng dụng của họ. Như thế là chặt đứt sự tiếp nối với thế hệ tương lai" - bà Lê Tú Cẩm nhấn mạnh.
Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ (trái) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Những bản đờn của ông rất cần số hóa để lưu lại đời sau. Ảnh: THÀNH DANH
Trên thực tế, một trong những thách thức quan trọng của Hội VNDGVN là làm sao bảo quản gần 4.000 công trình sưu tầm, nghiên cứu trong khoảng 30 năm qua của các hội viên. GS Tô Ngọc Thanh cho biết với sự quan tâm, đầu tư kinh phí 230 tỉ đồng của nhà nước, hội đã in được 2.500 công trình tiêu biểu. Nội dung các công trình mô tả, nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực của VH-VNDG các dân tộc Việt Nam, như: văn hóa ngôn từ, văn hóa phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, các nghề thủ công, làng nghề, các tri thức dân gian và văn hóa ẩm thực.
Các tác phẩm của dân tộc thiểu số được in thêm nguyên bản tiếng dân tộc có phiên âm bằng chữ cái tiếng Việt và bản dịch.
Với dự án này, Hội VNDGVN đang tập trung biên soạn, chọn lọc trong số hơn 1.500 bản thảo công trình chưa xuất bản, bổ sung những công trình mới có chất lượng, có giá trị để tiếp tục thực hiện dự án "Công bố và phổ biến tài sản VH-VNDG các dân tộc Việt Nam" (2020-2025), nhằm bảo tồn và phát huy đầy đủ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc.
Các nhà nghiên cứu quan tâm cho rằng quảng bá các giá trị VH-VNDG phải có chiến lược cụ thể để đưa các công trình nghiên cứu với quy mô lớn, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa, du lịch ở các địa phương.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nói: "Khi đã xác định bảo tồn thì phải cấp tiến theo thời đại, xem nước bạn đã làm gì với ngành bảo tồn văn nghệ dân gian để ta học hỏi". Ông nhắn nhủ đội ngũ làm công tác lưu trữ, bảo tồn, hãy cập nhật một cách tiến bộ việc số hóa những bản thảo, tài liệu; ghi âm, ghi hình các nghệ nhân đã được nhà nước phong tặng danh hiệu, sớm đưa những tác phẩm của họ đến với cộng đồng. VH-VNDG luôn bị thời gian tác động, nếu không sớm cải tiến việc gìn giữ, quảng bá, sẽ khiến những "tài sản quý" bị mai một.
Bình luận (0)