VEF được công bố thành lập mới đây với mục tiêu thúc đẩy ngành sản xuất phim, giúp điện ảnh Việt chuyên nghiệp và phát triển hơn. Trước đó, phía Lotte Entertainment Việt Nam cũng khẳng định đầu tư mạnh vào phim Việt, với chiến lược dài hạn. Như vậy ngoài CGV, có thêm 2 "ông lớn" tham chiến thị trường đầy tiềm năng này, tạo nên thế cân bằng trong sản xuất và phát hành phim vốn lâu nay được cho là CGV có phần lấn lướt.
Tăng vốn đầu tư cho phim Việt
VEF do 5 cổ đông: Yeah1CMG, R&B Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio và Green International hợp lực với tỉ lệ sở hữu ngang nhau (mỗi bên 20%). Quỹ này có giá trị vốn hóa 50 triệu USD (gần 1.200 tỉ đồng). Đây là một dạng quỹ đầu tư về giải trí mở hoạt động theo mô hình công ty holdings (sở hữu cổ phần trong các công ty khác, đem tiền đi đầu tư vào các dự án phim hoặc giải trí) đầu tiên tại Việt Nam. Ông Nguyễn Cao Tùng, Giám đốc điều hành VEF, cho biết mục tiêu của quỹ này là thúc đẩy ngành sản xuất phim tại Việt Nam. "Nếu một trong 5 cổ đông hoạt động riêng, chỉ sản xuất cao nhất 1-3 phim/năm nhưng khi họ hợp sức với nhau có thể sản xuất được 10-15 phim/năm. Nhà sản xuất không phải lo nhiều về tài chính vì có quỹ hỗ trợ. Mỗi dự án, quỹ sẽ góp 5%-45%, tùy thuộc vào nhu cầu đơn vị sản xuất" - ông Cao Tùng thông tin. Những dự án muốn quỹ đầu tư sẽ phải trải qua vòng thẩm định từ ban chuyên gia, gồm: Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Lê Thanh Phong và nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng.
Poster phim "Hồn papa da con gái" - dự án hợp tác sản xuất đầu tiên giữa
Chánh Phương Films và Lotte Entertainment. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trước sự ra đời của VEF, điện ảnh Việt cũng chứng kiến sự hợp tác đầu tiên giữa hãng Chánh Phương Films và Lotte Entertainment Việt Nam qua dự án phim "Hồn papa da con gái". Lotte Entertainment Việt Nam lâu nay nổi bật ở khâu phát hành, đây là bước đầu họ lấn sang đầu tư sản xuất phim. "Chúng tôi có ý định đầu tư vào thị trường điện ảnh Việt Nam từ trước nhưng do một số trở ngại về thủ tục nên chưa thực hiện. Đây là bước đầu chúng tôi đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường phim Việt. Điện ảnh Việt ra mắt khoảng 40 phim hằng năm, khá khiêm tốn so với các nền điện ảnh khác trong khu vực cũng như tiềm năng điện ảnh Việt. Đó cũng là một phần lý do khiến chúng tôi quyết định đầu tư chính thức vào lĩnh vực này" - ông Lee Soo Min, Tổng Giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, cho hay. Như vậy, ngoài CGV, đến nay điện ảnh Việt có thêm những nguồn vốn đầu tư lớn thúc đẩy tăng trưởng khâu sản xuất phim.
Nhiều khâu được hưởng lợi
Vốn đầu tư tăng lên đồng nghĩa lượng phim sản xuất tăng, một số người lâu nay mong ước được sản xuất phim mà không có vốn nay có cơ hội để hiện thực hóa. Người trong giới nhận định đây là tín hiệu xanh cho thị trường và mang lại lợi ích trước hết cho nhà sản xuất.
Theo kế hoạch đầu tư ban đầu, VEF tuyên bố tham gia đầu tư cho 30 dự án điện ảnh hạng A, 20 dự án hạng B; mua bản quyền tất cả phim đã phát hành giai đoạn 2013-2017; đến năm 2020 sẽ sở hữu cụm rạp mới trên thị trường và năm 2022 quảng cáo tại 40 cụm rạp. Từ nay đến cuối năm 2018, những dự án quỹ này tham gia góp vốn là: "Trường học bá vương", "Tiểu thư đi bụi", "Game show tử thần", "Thiên linh cái", "Thánh nữ". Năm 2019 đã có 9 dự án được lên kế hoạch triển khai: "Táo quậy phiêu lưu ký", "Yêu bất chấp", "Mùa tử đằng yêu em", "Những chàng trai xấu tính", "Những đứa con từ trên trời rơi xuống", "Hoa lê-ki-ma thép", "Ngôi sao may mắn", "Trái tim quái vật" và "Thang máy tử thần". Mục tiêu của quỹ là mỗi năm tham gia góp vốn cho khoảng 20 dự án phim điện ảnh và thậm chí là nhiều hơn. Những nhà sản xuất trẻ, lần đầu gia nhập thị trường nhưng có dự án tiềm năng cũng được quỹ góp vốn như MC Quỳnh Chi, diễn viên Tiến Luật, diễn viên Kiều Minh Tuấn. Diễn viên Tiến Luật cũng cho rằng càng nhiều nhà đầu tư, rủi ro cho phim càng ít đi. Thêm vào đó, vấn đề rạp chiếu lâu nay vẫn là lợi thế của CGV. Họ nắm đến 60 cụm rạp trong khắp cả nước, chiếm hơn 40% thị phần. Nhưng VEF với kế hoạch đầu tư cụm rạp kết hợp sự gia nhập thị trường sản xuất của Lotte vốn có sẵn lợi thế phát hành sẽ khiến cạnh tranh trong thị trường điện ảnh Việt khốc liệt hơn nhưng dần cân bằng hơn. Cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển, chất lượng phim cũng tăng dần. Nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho rằng thêm nhà đầu tư vốn mạnh là điều tốt cho thị trường điện ảnh và cả văn hóa Việt. Những sản phẩm đậm dấu ấn Việt sẽ được sản xuất nhiều hơn.
Trong cuộc cạnh tranh này, nghệ sĩ và công chúng vẫn là những đối tượng hưởng lợi nhất. Nghệ sĩ có cơ hội tham gia nhiều phim hơn còn khán giả có thêm cơ hội chọn lựa phim hay để thưởng thức.
Một trong những thị trường lớn nhất thế giới
Theo thống kê từ CGV, tổng doanh thu phòng vé năm 2017 của Việt Nam là 3.250 tỉ đồng, tăng 16% so với 2016. Trong đó, phim Việt chiếm 25% doanh thu.
Báo cáo của VEF nhận định thị trường phim Việt mỗi năm đạt doanh thu 2.300 tỉ đồng, mức tăng trưởng 25% mỗi năm. Từ đầu năm 2018 đến nay, lượng phim Việt đạt doanh thu cao tăng so cùng kỳ. Số lượng phim đạt doanh thu từ 80 tỉ đồng trở lên tăng trong nửa đầu năm 2018 cũng là động lực khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào sự phát triển ổn định của thị trường... Ông Dong Won Kwak, cựu Tổng Giám đốc CGV Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đủ tiềm năng lọt vào tốp 5 thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế 92 triệu dân, phần đông là dân số trẻ.
Bình luận (0)