Tuần qua, Hội Nhiếp ảnh TP HCM đã chính thức lên tiếng về vấn nạn ăn cắp bản quyền nhiếp ảnh và soạn thảo văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhằm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền của hội viên Hội Nhiếp ảnh TP HCM theo quy định của pháp luật.
Khóc không thành lời
Hơn 450 hội viên ghi tên trong bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, đồng lòng lên tiếng đề nghị hội đồng nghệ thuật của các hội chuyên ngành lưu ý đến việc xác thực bản quyền hình ảnh khi duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật có thiết kế màn hình Led, in quảng cáo quảng bá có sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh, để tránh việc "cầm nhầm" tác phẩm một cách công khai như lâu nay.
Trên thực tế, việc ăn cắp bản quyền nhiếp ảnh ngày càng tinh vi. Không ít trang cá nhân trên mạng xã hội; các đơn vị truyền thông; các chương trình biểu diễn ca múa nhạc, sân khấu... đã lấy ảnh qua Google, Facebook cá nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh để sử dụng mà không xin phép tác giả.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp đang đối diện khó khăn trong việc bảo vệ tác quyền của mình Ảnh: HẢI PHÒNG
Các sản phẩm tiêu dùng, các trang web quảng cáo, tờ rơi in ấn quảng bá thời trang, du lịch, ẩm thực... và một số trang báo điện tử đã thản nhiên sử dụng ảnh nhằm mục đích kinh doanh, quảng bá mà không cần biết đến tên tác giả bức ảnh. Điều này gây sự phẫn nộ trong đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh tại TP HCM.
Chưa kể thị trường mùa lịch 2021 đang khởi động, việc xâm phạm bản quyền nhiếp ảnh diễn ra nhiều hơn. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á bức xúc: "Có nơi chỉ trả tiền nhuận ảnh một lần nhưng lại sử dụng nhiều lần".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thông Anh cho biết có những doanh nghiệp lấy ảnh để đăng quảng cáo, khi bị phát hiện thì xin lỗi hoặc gỡ ảnh xuống để đối phó nhưng thực tế họ đã in rất nhiều tờ rơi, áp phích quảng cáo trên cả nước.
Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh chưa kịp tham gia các cuộc thi ảnh đẹp trong nước và quốc tế đã bị sao chép. Để có thể được phong danh hiệu của FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế) hay của các hội nhiếp ảnh Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Singapore..., tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ không được sử dụng với mục đích quảng cáo. Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ chưa kịp đăng ký dự thi đã ngậm đắng vì tác phẩm của mình bị "xơi tái" không thương tiếc.
Nghệ sĩ Đào Hoa Nữ cho biết nhiếp ảnh là môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều công sức, vất vả, thậm chí cả sự nguy hiểm trong quá trình lao động sáng tạo; nghệ sĩ chọn nghề này còn chịu nhiều tốn kém về kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị... "Mỗi tác phẩm là "đứa con tinh thần" của chúng tôi. Thế nhưng nạn ăn cắp bản quyền diễn ra mỗi ngày khiến chúng tôi khóc không thành lời" - nghệ sĩ Đào Hoa Nữ chua xót.
Đừng để luật bị xem "xa xỉ"
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên Hội Nhiếp ảnh TP HCM cho biết mới đây hàng trăm bức ảnh về chim của các nhiếp ảnh gia đã bị sao chép để in sách "Chim Việt Nam" với 200 cuốn, giá bán là 1,2 triệu đồng/cuốn, trong khi nghệ sĩ nhiếp ảnh không được trả nhuận bút. Hoặc "Tuyển tập cảnh đẹp Việt Nam" với 300 bức ảnh về văn hóa, địa lý, con người của 56 dân tộc anh em, đã bị ăn cắp công khai.
Hàng loạt trang web kinh doanh du lịch, các trang mạng cá nhân có tính chất thương mại đã sử dụng ảnh nghệ thuật phong cảnh, cắt ghép, chèn chữ, lồng hình chân dung chủ nhân cơ sở kinh doanh vào một cách thản nhiên như chính sáng tác của họ.
Trước sự phản ứng của nghệ sĩ nhiếp ảnh, một số nhà xuất bản đã ra quyết định thu hồi vài đầu sách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy có nhiều bản đã được bán ra thị trường chưa thể thu hồi và cứ thế người sử dụng lại thản nhiên sao chép.
Luật pháp về bản quyền đã có đầy đủ, thậm chí mức xử phạt vi phạm không nhẹ nhưng chưa có vụ vi phạm bản quyền nhiếp ảnh nào được xử lý đến nơi đến chốn. Một phần do các nghệ sĩ nhiếp ảnh không muốn theo đuổi những vụ khiếu kiện. Trong khi hiện nay, cả nước vẫn chưa có một tổ chức đại diện tập thể nào đứng ra bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh.
Để giải quyết quyền lợi cho hội viên, Hội Nhiếp ảnh TP HCM cũng đang có những bước đi đầu tiên. Ông Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhiếp ảnh TP HCM, cho biết: "Chúng tôi đã nhờ luật sư soạn thảo các văn bản liên quan vấn đề tác quyền dành cho lĩnh vực nhiếp ảnh. Có thể sẽ tiến hành thực hiện chi tiết, cụ thể hơn, rồi thành lập phòng đại diện tác quyền của hội, có tiếng nói bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh của hội viên. Biện pháp giải quyết triệt để chính là sự liên kết với các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Với thực trạng hiện nay, cần thiết phải có một tổ chức để bảo vệ tác quyền của nghệ sĩ nhiếp ảnh".
Nỗi lo vẫn canh cánh bên lòng
Nhiều năm qua, nghệ thuật nhiếp ảnh đã có những đóng góp không nhỏ vào hoạt động phát triển văn hóa nghệ thuật, giao lưu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu đạt được, nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn canh cánh bên lòng về việc bảo vệ bản quyền nhiếp ảnh.
Chưa bao giờ việc vi phạm tác quyền của nhiếp ảnh lại khiến nghệ sĩ làm nghề bức xúc như hiện nay. Điều cần làm là phải có biện pháp kịp thời và mang tính khả thi.
Luật sư Nguyễn Văn Mót, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết: "Hiện có rất nhiều biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng trước thực trạng nghệ sĩ nhiếp ảnh bị xâm phạm bản quyền, Hội Nhiếp ảnh TP HCM cần xây dựng văn bản tham mưu bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh để cơ quan chức năng áp dụng ngăn chặn hành vi ăn cắp. Soạn thảo văn bản phải cụ thể từng hạng mục vi phạm cho từng loại ảnh bị ăn cắp, bị chỉnh sửa, bị lồng ghép, bị sử dụng sai mục đích. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ này, không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Bình luận (0)