Ông sinh ra và lớn lên trên đất Pháp, được đào tạo tại trường múa ba-lê nổi tiếng và nhanh chóng tiếp thu những bài học quý cho nghề từ kinh đô ánh sáng của thế giới.
Tại Pháp, ông thường đi xem biểu diễn nghệ thuật của các đoàn đến từ nhiều nước. Riêng lần xem đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn, ông rất ấn tượng. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 22 tuổi, từ bỏ vị trí của một cậu ấm, ông về nước, khoác lên mình bộ quân phục bộ đội Cụ Hồ. Quyết định ấy với ông thật khó khăn khi phải vứt bỏ đôi giày múa, thay bằng đôi dép cao su để băng rừng lội suối... Nhưng nhờ có đồng đội, ông đã vượt qua.
NSND Hoàng Phi Long và bài múa "Mở đất" (ảnh nhỏ) do ông dàn dựng. (ảnh do Đoàn Ca múa nhạc Tổng hợp Bình Phước cung cấp)
Sau này, trở thành tổng biên đạo nổi tiếng và là vị giám đốc đầu tiên của Nhà hát Bông Sen tại TP HCM, ông vẫn giữ tố chất của người chiến sĩ cách mạng. Từ khi nghỉ hưu, với trọng trách cố vấn nghệ thuật, tổng đạo diễn và biên đạo múa cho các chương trình nghệ thuật của Ðoàn Ca múa nhạc Tổng hợp Bình Phước, ông đã truyền đạt kiến thức, năng lượng sáng tạo tích cực cho thế hệ diễn viên trẻ, giúp đơn vị nghệ thuật này đoạt nhiều thành tích, giải thưởng cao quý.
Năm 2021, Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng Tô Ðình Tuân dẫn đầu đoàn công tác của chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Ðộng tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm NSND Hoàng Phi Long tại Bình Phước.
Tiến sĩ Tô Đình Tuân – Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động (người thứ ba từ trái sang) trao tiền hỗ trợ của chương trình “Mai Vàng nhân ái” cho NSND Hoàng Phi Long (áo xanh)
Hơn 80 tuổi, sức khỏe không còn như trước nhưng ông vẫn giữ trong mình trái tim người lính Cụ Hồ. Ông đã dàn dựng 2 tác phẩm: "Thoáng nắng miền Ðông", "Mẹ Âu Cơ" đoạt huy chương bạc tại Liên hoan 3 nước Ðông Dương và nhiều tác phẩm trong chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước tham gia Liên hoan Ðội tuyên truyền văn hóa lần thứ IX khu vực Nam Bộ giành 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc...
"Mùa xuân lại về với quê hương, mùa xuân cũng đem lại cho tôi kỳ vọng khi nhìn thấy các học trò của mình ngày càng tiến bộ. Vậy là công tác ươm mầm nghệ thuật đã có sự tiến triển. Ðó là niềm hạnh phúc của tôi" - NSND Hoàng Phi Long tâm sự.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ, tham gia diễn trong các dịp Bác đón đoàn khách ngoại giao. Có lần ông và Ðoàn Ca múa nhạc trung ương diễn ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Gần đến giờ biểu diễn, Bác gọi điện chúc mừng và dặn dò: "Các cháu hãy biểu diễn thật tốt để chúc mừng chiến thắng".
Bác Hồ luôn quan tâm, chăm sóc lực lượng văn nghệ sĩ. Bác từng xuống thăm trường nghệ thuật, thăm nhà ăn, nơi ở của học sinh... và dặn dò rất kỹ lưỡng. Chính sự quan tâm đó đã giúp ông trưởng thành hơn, vững vàng trong nghệ thuật.
Nhà báo – đạo diễn Thanh Hiệp và NSND Hoàng Phi Long (ảnh Tấn Thạnh)
"Kỷ niệm sâu đậm nhất là lần biểu diễn tại Phủ Chủ tịch chào đón Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm. Trong lúc múa, tôi bị ngã và kịp đứng dậy múa tiếp. Tiếp khách xong, Bác Hồ đã xuống hỏi: "Cháu nào lúc nãy bị ngã?". Sau khi biết, Bác bắt tay và nói: "Cháu ngã có đau không? Cháu ngã xong đứng dậy, múa vẫn rất tốt". Ðây là lần ấn tượng nhất trong cuộc đời tôi vì được Bác Hồ bắt tay và động viên trực tiếp" - NSND Hoàng Phi Long kể.
Giai đoạn đó, vừa tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ chiến trường vừa đi thực tế, cực khổ tưởng chừng không vượt qua được nhưng hình ảnh Bác Hồ đã giúp ông trưởng thành. Lần nào được gặp Bác Hồ, NSND Hoàng Phi Long cũng ngập tràn cảm xúc bởi sự gần gũi, ấm áp và trân trọng của một vị Chủ tịch nước đối với người nghệ sĩ. Bài học lớn nhất của Bác đối với ông là không ngừng học tập, nói và làm từ những điều xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ, cố gắng giữ cho nghề luôn thanh xuân. Vì thế, với nghề biên đạo múa, dù dựng hàng trăm chương trình, ông vẫn giữ được sự hồn nhiên của cảm xúc, luôn học hỏi và tự đổi mới.
Bình luận (0)