"Mai Vàng gọi mùa xuân sang, chứa chan tiếng cười lấp lánh, Mai Vàng nhịp cầu tình bạn, Mai Vàng của chúng ta".
Giải thưởng cao quý, tự hào
Tôi nhận ca khúc của nhạc sĩ Vũ Hoàng viết cho Giải Mai Vàng trong một ngày ý nghĩa - ngày chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tặng tiền hỗ trợ 207 nghệ sĩ, công nhân sân khấu có hoàn cảnh khó khăn tại Hội Sân khấu TP HCM.
Biểu diễn ca múa nhạc tại lễ trao giải Mai Vàng năm 2020 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Diễn viên hài Huỳnh Lập cùng Kim Đào khuấy động Gala Mai Vàng năm 2020 với "Táo quân du xuân" Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hội đồng Nghệ thuật của Giải Mai Vàng lần thứ 27-2021 Ảnh: Quang Liêm
Giai điệu bài hát rất dễ nhớ, cứ vang mãi trong tim niềm hân hoan đầy xúc cảm: "Mai Vàng gọi mùa xuân sang, chứa chan tiếng cười lấp lánh/ Mai Vàng nhịp cầu tình bạn, Mai Vàng của chúng ta".
Năm 1991, Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng lúc bấy giờ là ông Phan Hồng Chiến đã khởi xướng nhiều hoạt động sau mặt báo nhằm quảng bá thương hiệu của tờ báo đến với công chúng. Dựa theo ý tưởng này, nhạc sĩ Vũ Hoàng, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ thời điểm đó, đã đề xuất tổ chức Giải thưởng "Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm" dành cho độc giả của báo năm 1991. Ðến năm 1995, giải này đổi tên thành Giải Mai Vàng. Sau 27 năm, Mai Vàng đã trở thành một giải thưởng thường niên có uy tín trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam. Ba năm gần đây, thêm một chương trình thật ý nghĩa, gắn kết yêu thương mang tên "Mai Vàng nhân ái" ra đời.
"Như lời ca khúc tôi viết, tiếng cười dành cho Mai Vàng luôn lấp lánh, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào" - nhạc sĩ Vũ Hoàng bộc bạch.
Khi được Ban Biên tập Báo Người Lao Ðộng giao trọng trách dàn dựng chương trình lễ trao Giải Mai Vàng năm 2020 và 2021, tôi cứ canh cánh trong lòng việc phải có một ca khúc viết về giải thưởng này. Sáng tác của nhạc sĩ Vũ Hoàng một lần nữa gắn kết niềm tin yêu của văn nghệ sĩ, bạn đọc và những người làm báo, tạo nên vị thế rất riêng biệt cho hoạt động sau mặt báo.
Tổng đạo diễn Thanh Hiệp và nhạc sĩ Vũ Hoàng - người sáng tác ca khúc “Mai Vàng” cho chương trình Lễ trao giải Mai Vàng lần 27-2021
Với các nghệ sĩ, ca sĩ, ngoài những danh hiệu, giải thưởng cao quý từ các liên hoan chuyên nghiệp, được khoe về giải Mai Vàng với họ là niềm tự hào rất lớn, mà nói theo nghệ sĩ Tú Trinh: "Cả đời tôi làm nghề, chưa có giải thưởng nào, duy nhất chỉ có giải Mai Vàng mà ban giám khảo chính là bạn đọc, công chúng thì phần thưởng này quý giá vô cùng".
Ca sĩ Cẩm Vân lại thường nhắc đến không khí khó quên tại Khu Du lịch Suối Tiên, Công viên Văn hóa Ðầm Sen khi chị đứng trước hàng ngàn công nhân reo hò, chúc mừng chị và các đồng nghiệp. "Bền bỉ giữ cho những mùa giải đi qua không tì vết, vẫn tươi rói như mùa Tết, Mai Vàng ở tuổi 27 vẫn kiêu hãnh là một giải thưởng uy tín, sống mãi trong lòng người nghệ sĩ và bạn đọc" - ca sĩ Cẩm Vân bộc bạch.
NSND Ngọc Giàu vinh dự 2 lần liên tục nhận giải Mai Vàng (năm 1995 và 1996). Sân khấu cải lương thời đó rộ lên mỗi khi trong cánh gà nghe giới thiệu tên nghệ sĩ gắn liền với việc đoạt giải Mai Vàng năm nào, tự dưng nước mắt bà ứa ra, lòng lâng lâng nhiều cảm xúc.
"Không có gì quý hơn chính bạn đọc, công chúng dành tặng giải thưởng cho mình. Ðiều này nhắc nhở ý thức làm nghề càng thêm áp lực để cố mà gìn giữ nhân cách người nghệ sĩ" - NSND Ngọc Giàu nói.
Cải tiến không ngừng
Các nhà chuyên môn, các thành viên Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đều cho rằng giải thưởng hằng năm của các hội văn học - nghệ thuật nên được xã hội hóa mà Giải Mai Vàng đã tạo uy tín đối với giới làm nghề và khán giả.
NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét từ lá phiếu của bạn đọc đã làm nên một nhịp cầu xuân ý nghĩa, dù xã hội hóa nhưng không để bị lay chuyển, tác động từ sự tiêu cực nào. Ðó mới là giải thưởng đáng quý và tồn tại mãi như mùa xuân.
Việc nâng tầm ảnh hưởng cho Giải Mai Vàng hằng năm qua cách cải tiến mô hình tổ chức, đến các hoạt động sau mặt báo như thành tựu của "Mai Vàng nhân ái" và dấu ấn của lễ trao Giải Mai Vàng đi vào chủ đề đang được công chúng quan tâm, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
Trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta đã sử dụng ưu thế của công nghệ để quảng bá rộng rãi các tác phẩm, vai diễn của văn nghệ sĩ, qua đó giới thiệu từ trước vòng đề cử, chuẩn bị cho một mùa giải sôi động. Trong năm 2021, khó khăn chồng chất khi phải đối mặt với dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, mùa xuân đã về trong niềm tin yêu khi "Mai Vàng" vẫn khoe sắc.
NSUT Thành Lộc, NSND Kim Cương, Nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp luôn gắn bó với giải Mai Vàng của báo Người Lao Động
NSND Kim Cương cho rằng một giải thưởng sẽ tạo hiệu ứng xã hội tốt khi có một đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, có đội ngũ lành nghề và một chiến dịch truyền thông hợp lý. Báo Người Lao Ðộng đã đặt đúng quỹ đạo để truyền thông nâng tầm cho Giải Mai Vàng. Chính vì có chiến lược, không thẩm định vội vàng và có sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả mà việc vinh danh văn nghệ sĩ đã đạt giá trị đích thực.
Một giải thưởng uy tín cần có độ thẩm thấu của thời gian. Giải Mai Vàng qua 27 năm tồn tại và phát triển đã tạo được ưu thế riêng so với các giải thưởng mới về độ tin cậy, về lượng khán giả đồng hành. Theo NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, tuy cơ chế thị trường tạo cơ hội cho nhiều giải thưởng về văn hóa - nghệ thuật ra đời làm cho khán giả có nhiều lựa chọn hơn nhưng Giải Mai Vàng vẫn trụ lại và không làm mất đi tính đặc thù của giải.
Các tiêu chí làm ra một sản phẩm nghệ thuật phải gắn với đời sống xã hội. Ðiểm lại hàng trăm văn nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực được bạn đọc bầu chọn Giải Mai Vàng 27 năm qua, đã tạo nên một khuynh hướng sáng tác, bám sát đời sống văn hóa và thị hiếu thưởng thức của khán giả đương đại. Bản thân điều đó đã làm tăng giá trị cho các tác phẩm, vai diễn được trao giải Mai Vàng, thu hút được sự dõi theo của công chúng và làm động lực sáng tạo để họ tiếp tục vươn lên.
NS Võ Minh Lâm và các phóng viên, nhân viên của Báo Người Lao Động tại toà soạn trong lễ tổng kết năm 2019
Nhiều văn nghệ sĩ gửi gắm với Báo Người Lao Ðộng niềm tin yêu vào giải thưởng Nghệ sĩ vì cộng đồng: giải thưởng dành cho những tác phẩm văn hóa - nghệ thuật xuất sắc; giải thưởng dành cho các chương trình văn hóa - nghệ thuật phục vụ cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng (đạo diễn tác phẩm "Thái hậu Dương Vân Nga" trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga), nhiều giải thưởng khác trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ thời gian qua thường không chú ý đến hiệu quả và tác động xã hội của giải thưởng. Có giải trao xong chỉ cất vào kho và công chúng không biết rõ tác phẩm đoạt giải là tác phẩm nào. Nhưng năm nay có giải thưởng Vì cộng đồng đã nâng cao chất lượng và uy thế của Giải Mai Vàng, qua đó động viên kịp thời những văn nghệ sĩ của các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, đặc biệt là nghệ sĩ dấn thân vào công tác xã hội một cách đúng nghĩa.
Lần giở những ký ức mùa xuân về Giải Mai Vàng, từ lúc chỉ là một phóng viên với những công việc hậu cần cho đến khi được giao trọng trách làm tổng đạo diễn chương trình lễ trao Giải Mai Vàng, tôi nhận thấy những ý kiến của các nhà chuyên môn, các văn nghệ sĩ quan tâm đến Giải Mai Vàng rất chân tình. Nhờ đó, Giải Mai Vàng luôn kết nối được niềm tin yêu, trở thành điểm hẹn cuối năm mà nghệ sĩ và bạn đọc luôn trân quý, giữ mãi sự gắn kết yêu thương để đón xuân.
Chương trình Lễ trao giải Mai Vàng lần 27-2021 tạo dấu ấn đậm nét với nhiều tiết mục nghệ thuật mang tính nhân văn và hấp dẫn
Bình luận (0)