Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 15 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sáng 7-9, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc triển lãm "Rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn" tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Các đại biểu tham quan, chiêm ngưỡng tại triển lãm
Triển lãm "Rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn" trưng bày hơn 80 hiện vật gồm: kim bảo, kim sách, các đồ tự khí, văn phòng tứ bảo, những vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt, nghi lễ cung đình; được làm từ các chất liệu quý hiếm như: vàng, bạc, đá quý, ngọc, đồi mồi,...
Khách tham quan tại triển lãm
Với đề tài trang trí chủ đạo là rồng năm móng và chim phượng - biểu tượng cao quý của chế độ quân chủ, gắn liền với hình ảnh của vua và hoàng hậu qua sự phối kết chất liệu đầy tinh tế của những người thợ thủ công tài hoa, hình ảnh rồng - phượng được thể hiện một cách công phu, đa dạng về hình thức và kiểu dáng.
Những bảo vật triều Nguyễn tại triển lãm
Đây thật sự là những báu vật vô giá không chỉ chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật của một thời đại mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn. Nhân dịp này, ấn phẩm rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn cũng được ra mắt độc giả. Ấn phẩm gồm những hình ảnh và thông tin về các hiện vật đặc sắc nhất trong bộ sưu tập, mang đến cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, những tinh hoa trong kho tàng di sản mà nhà Nguyễn để lại. Triển lãm diễn kéo dài đến ngày 5-12.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Long bội tinh - mạ vàng. Vật ban thưởng của nhà vua dành cho quan lại và quan chức địa phương nhằm ghi nhận sự đóng góp với triều đình
Những vật dụng trang trí làm từ ngọc ngà
Hộp đựng trà mạ vàng
Tượng rồng làm từ vàng và gỗ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842). Đây là bảo vật dùng trang trí thư phòng nhà vua
Ấn Hoan phụng ngũ đại đồng đường nhất thống Thiệu Trị chi bảo. Năm 1846- 1847, vua Thiệu Trị cho làm ấn này nhân dịp hoàng gia có thêm thành viên của hệ thứ 5 trong một gia đình
Ấn Tự Đức thần hàn và Ấn Chính hậu chi bảo được làm bằng vàng
Mũ thượng triều của vua chế tác từ vàng, đá quý, san hô được nhà vua sử dụng trong các lễ thiết đại triều như: lễ đăng quang, lễ sinh nhật vua, Tết Nguyên đán, lễ tiếp các sứ thần ngoại giao cao cấp
Thanh kiếm triều Nguyễn được làm từ vàng, ngọc, đồi mồi và thép
Hộp đựng bút viết của vua
Một vật dụng làm bằng ngọc
Các dụng cụ đựng trầu
Bình luận (0)