Dù đi làm ăn ở đâu, tôi vẫn nhớ như in những ngày 30 Tết ở quê tôi - làng Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Cổng làng Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi
Tuổi thơ tôi là những ngày sống trong chiến tranh. Ngày 30 Tết, người làng tôi buổi sáng chạy chợ, chiều mới về lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cúng rước ông bà.
Nhà nội tôi khá rộng. Chiến tranh bom đạn tơi bời, may là ngôi nhà vẫn còn nguyên. Chiều 30 Tết, nội mở toang tất cả cửa nhà. Ba cùng các chú lo dọn bàn thờ. Chiếc lư và bộ chân đèn bằng đồng được đem ra chợ Châu Ổ cho thợ đánh bóng sáng trưng.
Bà nội, mẹ và các cô lo nấu nướng làm cỗ. Tiếng dao thớt từng hồi, chuyện trò râm ran. Rồi cỗ được bày trên tấm phản gỗ rộng. Nội tôi quần trắng, áo dài đen, đầu đội khăn đóng, bảo ba tôi đốt đèn thắp hương cúng ngoài sân rồi sau đó là lễ cúng rước ông bà.
Mâm cỗ có bún tàu nấu với lòng gà, có thịt heo ba chỉ, gà luộc chấm muối tiêu, sườn um, thịt bò nướng lá lốt… Ðám trẻ chúng tôi sẽ tha hồ ăn. Ăn xong còn được mẹ cho bánh thuẩn, bánh ít.
Sau bữa chiều 30 Tết, ba lo tiếp những cây củi gộc, châm thêm nước cho nồi bánh tét, tiếp thêm rơm vào máng chuồng trâu. Ðêm 30 tối như bưng, chỉ còn tiếng dế kêu từng hồi đánh nhịp.
Trời lành lạnh. Mưa tí tách bên thềm. Chị em tôi cuộn tròn trong chăn. Rồi trong khoảng lặng yên của đêm cuối năm, làng rộn lên trong khoảnh khắc giao thừa mà tín hiệu bắt đầu là những tràng pháo chuột lẹt đẹt, xen lẫn tiếng pháo tống to đì đùng.
Ðó sẽ là lúc tôi choàng tỉnh. Lúc này, trong làng nhà nhà đều thức dậy. Ba mẹ vớt những đòn bánh tét trong nồi còn nóng hổi, lấy lạt cắt ra thành miếng xếp vào những đĩa và thêm đĩa củ kiệu bày biện lên bàn thờ.
Tôi ra ghè múc nước đổ vào chiếc thau đồng, bưng vào để bên hiên cho nội rửa tay trước khi khoác áo dài khăn đóng cúng giao thừa. Cúng xong, cả nhà ăn bánh. Bánh mới nấu cộng với củ kiệu giòn tan. Nội bảo năm mới, mọi người thêm tuổi mới, phải cố gắng làm ăn, học hành. Nội nói đôi câu rồi mắt nhìn xa xăm. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì, khi lớn mới thấm thía.
Nội chỉ có một người em trai, đỗ tú tài Tây, theo học ngành y, tham gia kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, bao mùa xuân biền biệt không về. Nội cũng có đứa con đi dọc những nẻo đường chiến tranh bao năm chưa về nên Tết đến càng gợi thêm nỗi nhớ. Chính vì vậy, trong câu chuyện với người thân, bao giờ nội cũng chỉ ước một ngày đông đủ thành viên trong gia đình để đón xuân.
Rồi ngày ấy cũng đến. Non sông rợp bóng cờ. Cha gặp con, vợ gặp chồng, anh em sum họp. Những người không về nữa thì người thân đành cho nước mắt lặn vào trong.
Mùa xuân đầu tiên sum họp ấy ấm áp lắm, thương lắm. Nhưng rồi cả nước lại đối diện với khó khăn chất chồng thời hậu chiến, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cả việc bao vây cấm vận của nước ngoài.
Những năm ấy, để có ngày Tết vui, người làng tôi nhà nào cũng dành một vạt ruộng để cấy lúa nếp. Tháng ba, mùa lên, bà con gặt lúa nếp đem về phơi khô, để dành trong bồ. Những ngày nắng tốt lại mang nếp ra trước dậu phơi. Nhiều người trong tiết tháng 10 còn bán lúa mua thêm chục vịt con về nuôi để dành dịp Tết.
Trên những vạt rẫy, người quê tôi trồng kiệu. Từ rằm tháng chạp, làng quê bắt đầu thu hoạch. Bà con gánh kiệu về, mớ thì đem bán, mớ cắt lấy củ rửa sạch, ủ tro rồi đem hong cho ráo nước. Những trái đu đủ xanh được đem chấn cho đủ hình thù để ngâm mắm làm dưa kiệu. Cũng từ đó, làng rậm rịch thâu đêm.
Mẹ tôi sau khi bán lứa heo con, thường để lại con nhỏ nhất cho ăn rau cám để dành. Ba lo kê ông táo, bắc cái chảo lớn để mẹ tôi mang lúa nếp trong bồ ra rang nếp nổ. Theo nhịp tay rang điệu nghệ của mẹ, nếp bung giòn dưới lửa lò củi cháy đượm. Sau đó, mẹ đổ nếp vào một góc chiếc nia để chị em tôi lượm trấu.
Hết rang nếp là mẹ thắng đường. Nhìn bọt trong nồi, mẹ biết lúc đường đã tới nên sẽ lấy vá múc ra, trộn đều lên nếp bung, rồi dùng tô đổ nếp vào khuôn bánh để ba đóng bánh nổ.
Những cây bánh nổ dài, lúc trời hửng nắng được đem phơi ngoài hiên. Chị em tôi chơi ngoài xóm nhưng nghe mẹ bảo cắt bánh nổ là tức tốc chạy về. Bởi khi cắt bánh, đoạn đầu thừa đuôi thẹo sẽ được mẹ cho ăn. Những miếng bánh mẹ cho thời tuổi thơ lưu giữ mãi trong tôi như món ngon trong đời! Hết đóng bánh nổ, mẹ chuyển qua làm bánh thuẩn, bánh mì xốp.
Rồi đất nước mở cửa, cuộc sống khá dần lên.
Bây giờ người quê mấy ai còn chật vật như xưa. Nhiều nhà từ rằm tháng chạp đã mua bánh, sắm quần áo cho con, nên dịp Tết đã giảm nhiều cái sự bận rộn lo Tết như xưa. Nhà tôi, anh em làm ăn công tác ở nhiều nơi. Hằng năm, từ tháng chạp lại gọi điện hỏi nhau Tết có về không? Riêng tôi ở lại quê nên chiều 30 Tết sẽ thay ba cúng rước. Nhìn những giọt mưa xuân tí tách bên thềm và nhìn mâm cỗ, tôi lại nhớ chuyện ngày xưa.
Bình luận (0)