Như các nền điện ảnh khác trên thế giới, điện ảnh Việt chịu sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Các phim đầu tư lớn buộc phải hoãn ngày chiếu, dời lịch phát hành, một số cụm rạp đóng cửa do không thể duy trì trong tình trạng không có doanh thu. Dẫu khó khăn, nhà làm phim lẫn nhà phát hành đều hy vọng vào sự phục hồi của điện ảnh Việt trong năm 2021.
Cuối năm khởi sắc
Sau thành công của "Gái già lắm chiêu 3" và doanh thu không đến mức quá tệ của "Đôi mắt âm dương", thị trường phim Việt bắt đầu rơi dần vào giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát. Doanh thu các phim Việt hay Việt hóa ra rạp giai đoạn này đều đáng thất vọng, như "Truyền thuyết về quán Tiên", "Tôi là não cá vàng", "Bằng chứng vô hình"…
Thị trường điện ảnh Việt vẫn là những nốt trầm u ám cho đến tận tháng 9, khi phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy (tác phẩm vừa đoạt Giải Mai Vàng lần thứ 26-2020 do Báo Người Lao Động tổ chức, hạng mục Bộ phim điện ảnh, truyền hình) tạo được hiệu ứng truyền thông tốt. Khán giả đổ xô đến rạp, mang về doanh thu gần 60 tỉ đồng cùng nhiều tranh luận trái chiều.
Tiếp nối thành công của "Ròm" là phim Việt hóa "Tiệc trăng máu" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, gặt hái doanh thu 175 tỉ đồng. Một tác phẩm thành công doanh thu ở giai đoạn kết thúc năm 2020, mở đầu 2021 là "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử" do Võ Thanh Hòa đạo diễn. Phim thu được hơn 82 tỉ đồng và hiện vẫn còn trụ rạp.
Tại hội nghị "Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)" tổ chức cuối năm 2020, ông Sim Joon Beom, Giám đốc điều hành Công ty CJ CGV Việt Nam, lo ngại: "Rạp chiếu đang trong tình trạng sắp chết". Theo ông, ở những nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc..., nếu không có rạp phim, nhà sản xuất được đặt hàng hoặc có thể bán phim cho các nền tảng thu phí như Netflix, HBO…
Tuy nhiên, nhà sản xuất phim Việt sẽ khó "sống sót" nếu hệ thống rạp không còn.
"Đã đến lúc mọi người cần nghĩ biện pháp hỗ trợ hệ thống rạp. Đến nay, CGV đã đóng cửa 14 rạp ở cả nước do lỗ nặng. Để hỗ trợ phim Việt cũng như tất cả vấn đề khác để thị trường điện ảnh Việt phát triển thì đầu tiên là rạp phải sống được" - ông Sim Joon Beom băn khoăn.
Phim “Tiệc trăng máu” gặt hái doanh thu 175 tỉ đồng. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Kỳ vọng phục hồi
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận định 2020 là năm kém may mắn của điện ảnh Việt khi nhiều phim tâm huyết, chỉn chu phải dời lịch chiếu lại và dồn vào cuối năm với tâm thế lo lắng. Trong khi đó, nếu đúng lịch trình dự kiến mà không phải chịu tác động của Covid-19 thì các phim này nhiều khả năng gia nhập câu lạc bộ 100 tỉ đồng, thậm chí hơn thế.
"Nhịp sống điện ảnh không còn nữa và đây là thiệt thòi, bất trắc cho điện ảnh Việt. Đại dịch thay đổi thói quen của người tiêu dùng vì nhiều lý do khách quan, từ vấn đề kinh tế đến tâm lý lo sợ lây lan dịch bệnh. Hy vọng sức khỏe kinh tế điện ảnh Việt sẽ sớm phục hồi trở lại!" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Đạo diễn Bảo Nhân cho rằng tình hình điện ảnh Việt hiện tại chưa thể gọi là ổn định, vì dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến hệ thống rạp khiến các rạp đóng cửa. Khán giả rất cần những phim ngoại "bom tấn" để xem thì lại không có do hầu hết các phim này cũng dời lịch.
Tuy nhiên, dù có 1 năm u ám, những tia sáng doanh thu chỉ đếm trên đầu ngón tay so với số lượng lớn phim thu lỗ, các nhà sản xuất vẫn nỗ lực giữ tinh thần lạc quan và hy vọng vào sự phục hồi.
Mùa phim Tết nguyên đán dù không còn là "mùa vàng", bởi vài năm gần đây không phải phim nào ra dịp này cũng thắng nhưng lần này lại được kỳ vọng. Bốn phim Việt cạnh tranh trong dịp Tết năm nay đều đến từ những nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên có tên tuổi, kinh nghiệm, gồm: "Trạng Tí" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, "Bố Già" do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, "Lật mặt: 48h" do Lý Hải đạo diễn, "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả" do Bảo Nhân - Nam Cito đạo diễn.
"Các nhà sản xuất phim Việt vẫn lạc quan khi đầu tư lớn nhằm đưa đến cho khán giả những phim Tết đa màu sắc và thể loại để hâm nóng rạp chiếu mùa Tết nguyên đán, tạo thêm niềm vui giải trí cho khán giả sau 1 năm chịu nhiều thiên tai, khó khăn" - đạo diễn Bảo Nhân thổ lộ.
Nhiều người đồng thuận ý kiến này bởi dẫu biết có lo lắng, thấp thỏm do đại dịch ảnh hưởng dẫn đến sự e dè nhưng với nhà sản xuất thì việc nỗ lực tạo ra sản phẩm phục vụ khán giả được đưa lên hàng đầu.
Nếu nhìn vào mặt tích cực của việc thiếu vắng phim bom tấn ngoại trên thị trường phim Việt thì thấy đây cũng là thời điểm điện ảnh Việt có thể tận dụng lợi thế sân nhà để chinh phục khán giả của mình bằng các tác phẩm chất lượng, nhất là "cú hích" vào dịp Tết.
Một số dự án phim điện ảnh được trông chờ trong năm 2021 ngoài các phim Tết nguyên đán còn có: "Thiên thần hộ mệnh" do Victor Vũ đạo diễn, "Kiều" do Mai Thu Huyền đạo diễn, "578 phát đạn của kẻ điên" do Lương Đình Dũng đạo diễn, "Chìa khóa trăm tỉ" do Võ Thanh Hòa đạo diễn, "Thanh Sói" do Ngô Thanh Vân đạo diễn.
Phim truyền hình, web-drama khởi sắc
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh dự đoán năm 2021, một số nhà đầu tư phim bắt đầu "chia lửa" bớt sang đầu tư phim chiếu mạng, các nền tảng thu phí. Đồng thời, phim truyền hình cũng hứa hẹn khởi sắc mạnh mẽ bởi chúng sẽ an toàn hơn nhiều so với sự thập thò, sợ hãi lo ngại về dịch Covid-19 như phim rạp. Dù phim trên mạng cũng như các nền tảng thu phí chưa mang đến nhiều lợi nhuận nhưng lại thuộc dạng "ăn chắc mặc bền".
Bình luận (0)