Có người bảo "thần rừng" làm tay Y Hoách không những bị gãy, mà cái chân của nó cũng không đi lên rẫy lên nương được nữa. Mấy chị phụ nữ tỏ lòng thương, chép miệng than "tội hè". Người già gằn giọng: "Có biết Y Hoách nó đã làm gì không? Nó đã giết những cây rừng. Tội to lắm nên thần rừng phạt nó sống dở chết dở thế đấy". Lời nhờ gió tràn từ buôn Leck sang buôn Lee. Không ai bảo ai, mọi người rụt cổ, so vai, lắc đầu sợ hãi, bụng bảo dạ xin chừa từ đây.
Người Ê-đê ở buôn Leck (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) ai cũng biết luật của rừng. Nếu không muốn cây đè, đá đổ, thần mưa, thần gió đến tốc mái thổi nhà thì chớ đụng vào rừng thiêng đầu nguồn con nước. Chặt một cây to phải trồng 5 cây nhỏ. Cây tầng thấp, cây tầng cao, con thú to, con chim nhỏ đều nương nhau mà sống.
Chẳng phải đợi lâu. Gia đình Y Hoách đã phải mang lên rừng thiêng những gà cùng lợn, những chiêng cùng ché, tạ lỗi với rừng. Y Hoách phải dùng máu con gà trống cầu xin thần rừng tha tội cho mình, cho buôn Leck được lành được yên.
Y Hoách khấn: "Ơ thần rừng!/ Cái bụng ta xấu, con mắt mù/ Tai ta nghe lời thằng người ác/ Đuổi thần cây chắn gió che mưa/ Đuổi thần rừng không nơi chốn ở/ Cầu xin thần trở về cùng ta/ Xin thần ở trên cổ, trên vai/ Xin thần quay trở lại nhà mình/ Cho ta tìm được trở về nhà/ Ơ thần rừng!/ Ta đây đã biết tội mình...".
Những chồi non xanh được Y Hoách cùng gia đình mang ra trồng vào thế chỗ. Nếu không, cây đâu làm cửa làm nhà, làm cái ghế Kpan cho người ngồi đánh trống tấu chiêng? Rừng hết thì người chết. Cái lý giản đơn như thế. Bởi hơn ai hết, người buôn Leck hiểu rừng còn thì buôn Leck còn, người Ê-đê còn. Còn những đêm say, mùa ăn năm uống tháng, những đôi mắt nâu ánh nhuộm men tình. Mang những thắc mắc trẻ con đi hỏi già làng Ama Nhau, ông nhẹ nhàng nhưng từng lời chắc nịch: "Luật của rừng không cho lấy của rừng làm của mình. Y Hoách làm sai nên bị phạt".
Lũ làng buôn Leck không khỏi bàn ra tán vào. Bây giờ đã rõ. Rừng không là của ai, mà là của chung.
Bình luận (0)