xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết bên Nga của nhà văn Việt

CHÂU HỒNG THỦY

Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết quê nhà?

Năm nay, từ Nga về thăm nhà và dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới nên tôi được ăn Tết ở quê nhà. Những ngày này, lại nhớ những ngày cùng bạn văn đón Tết trong mưa tuyết ở xứ bạch dương.

Khóc trong Tết đầu tiên xa nhà

Tết đầu tiên trên xứ tuyết, hơn 20 anh chị em chúng tôi đang học ngoại ngữ ở Khoa Dự bị Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov tổ chức đón giao thừa ngay trong "ốp" (ký túc xá). Các nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, Trần Đăng Khoa, Từ Thị Loan bên Trường Viết văn Gorki cũng kéo sang. Đúng 8 giờ tối Moscow (lúc ấy, bên kia trái đất là giao thừa Việt Nam), tôi đọc lời khai mạc. Pháo trong băng cát-xét nổ giòn (không nhớ rõ ai đã lo xa mang theo băng ghi âm tiếng pháo từ ở nhà đi). Tất cả đám thanh niên lần đầu tiên xa nhà òa khóc, làm các bà giáo Nga phải dỗ mãi.

Người buồn nhất trong Tết ấy là Nguyễn Đình Chiến. Có ai ngờ chàng lính cao to đi nhanh bước mạnh, quen "mưa to gió lớn những phương trời" lại là người đa cảm yếu mềm. Rượu ngấm rồi, anh khóc. Anh nhắc tới bố mẹ, gọi tên vợ con, day dứt với dự định về đón Tết ở Việt Nam không thành. Ngược lại, Trần Đăng Khoa lúc nào cũng tếu táo pha trò, có lẽ để đánh tan nỗi buồn của bạn.

Tết bên Nga của nhà văn Việt - Ảnh 1.

Khi đã chuyển sang học Trường Viết văn Gorki, mỗi mùa Xuân đến, đón Tết đối với tôi gần như là chiếu lệ. Đón Tết vì sự ăn sâu của một tập tục cổ truyền không khi nào bỏ được. Trời Tây, khí hậu Tây, phong cảnh Tây, làm Tết ta khó gợi nên sự rộn ràng náo nức. Thiếu sắc thắm của hoa đào (dẫu các bạn gái có làm hoa giấy y như thật), thiếu pháo nổ râm ran trời đất (bên Tây, Tết âm lịch của ta là ngày làm việc bình thường của người bản địa, người ta không cho đốt pháo), thiếu cảnh áo mới rộn ràng đường quê đi chúc Tết họ hàng, thiếu cái se se lạnh, thiếu những giọt mưa Xuân bay lất phất (bên này chỉ mênh mông tuyết trắng lạnh đến hàng chục độ âm)... Thiếu nhiều thứ lắm. Đặc biệt là thiếu cảnh con cháu quây quần bên cha mẹ, ông bà nội ngoại. Nhớ những ngày còn ở Việt Nam, cứ những ngày giáp Tết, mẹ tôi lại nhẩm tính đứa này đứa nọ sắp về. Tầm 2 giờ chiều, giờ tàu thủy Hà Nội - Nam Định chạy qua bến làng tôi, mẹ lại ngóng ra sông chờ tiếng còi tàu. Rồi mẹ rền rỉ trách thằng Phước trong Nam, thằng Phong ở Tuyên Quang sao chẳng thấy điện hoặc thư về. Năm nào thiếu một thành viên trong gia đình không về ăn Tết, mẹ lại âm thầm ngồi khóc thương con đất khách quê người. Chắc là mẹ thương tôi nhất, vì tôi biền biệt 11 năm Tây Bắc, rồi sang Nga nhiều năm chưa một lần về ăn Tết ở quê, hơn cả cuộc lưu lạc của nàng Kiều.

Nôn nao nhớ quê nhà, nguồn cội

Tết nào cũng gợi nhớ quê hương. Không hiểu sao, sau nhiều năm trời xa cách, lần đầu tiên trong đời tôi mới nghĩ đến cái Tết quê hương da diết hơn bao giờ hết. Hình bóng của ba mẹ tôi và mảnh vườn nho nhỏ có những hàng chuối mùa mưa bão gió xé tơi bời thỉnh thoảng vẫn hiện về trong giấc ngủ. Nhờ có cái Tết cổ truyền, người ta mới có dịp để nhớ đến tổ tiên, cha mẹ, họ hàng; giục người đi xa trở về sum họp hoặc không có điều kiện trở về vẫn không quên được cội nguồn.

Tết bên này cũng có bánh chưng (lá dong chở từ Việt Nam sang) nhưng luộc bằng nồi hầm trên bếp gas, làm sao ngon bằng bánh chưng mẹ luộc trên bếp củi. Nhà tôi có lệ chỉ gói bánh chưng vào ngày 30 Tết. Cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chờ đón giao thừa. Đồng quê không có điện, phút đất trời giao cảm đẹp hơn, huyền ảo hơn. Nhìn trời, biết năm tới mùa lúa có tốt hay không, mừng vui thấp thỏm. Tiệc đón giao thừa đơn giản, có ý nghĩa tượng trưng (cỗ to đã làm từ chiều 30 cúng gia tiên). Mỗi đứa được mở hàng một cái bánh chưng nhỏ bằng bàn tay còn nóng hôi hổi vừa vớt từ nồi ra.

Thuở thơ ấu háo hức chờ Tết để được mẹ may cho áo mới, được vui chơi thoải mái mà không sợ bị mắng, lại được mở hàng mừng tuổi. Giờ ở xa quê hương, mỗi năm đón Tết là tóc mình lại thêm vài sợi bạc. Dẫu có tụ tập bốn phương bạn bè kéo lại, cũng không thay thế được cha mẹ, vợ con, anh em ruột thịt.

Những "giá như" dằn vặt

Tôi ngại những cái Tết quá ồn ào, quá xa hoa, hoang phí. Nào là cao lương mỹ vị, nào là sâm-panh, vốtka, uýt-ki đủ loại. Rượu vào rồi thì sừng sừng nhảy nhót. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy cổ khô, miệng đắng, đầu nhức, mắt mỏi, thân thể đau nhừ, ê ẩm. Nhìn đống vỏ chai dưới gầm bàn lăn lóc, bát đĩa bầy hầy, tàn thuốc vương vãi khắp sàn trông phát sợ. Thấy thương thân phận mình đơn độc, thấy giận mình hoang phí. Cha mẹ, anh chị em, vợ con mình đang giá buốt lội bùn, cơm độn khoai độn sắn; giá như mâm cỗ bớt đi những thứ thừa mứa ê hề, giá như sâm-panh, uýt-ki đừng nốc... Biết bao cái "giá như" dằn vặt.

Năm trước, nhiều bạn văn hứa nhất định sẽ về ăn Tết cùng gia đình năm tới. Thế nhưng lời hứa ấy vẫn không thành hiện thực, bởi đời ai học được chữ ngờ. Dịch Covid-19 từ Vũ Hán bùng phát toàn thế giới. Nước Nga nằm trong tốp 5 nước bị dịch nặng nhất, bởi họ không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt như ở Việt Nam. Ai bị nhiễm bệnh, bác sĩ chỉ báo cho người ấy biết. Người nào tự giác thì thông báo cho anh em bạn bè, người thân biết để tránh tiếp xúc, chứ chính quyền không thông báo danh tính người bị bệnh, rồi truy tìm người tiếp xúc F1, F2 để cách ly như ở ta. Người Việt ở Nga bị mắc Covid-19 cũng nhiều, bởi 95% người Việt sinh sống bằng nghề kinh doanh hàng vải ở chợ và các trung tâm thương mại, là nơi tụ tập của cư dân nước ngoài (đông nhất là dân Trung Quốc) sau một hồi giãn cách xã hội ngắn, lại cho hoạt động bình thường, bị mắc Covid-19 là điều khó tránh. Về nước thì không được, mà ở lại cũng lao đao khốn khổ.

Tết năm nay chắc là buồn lắm.

Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết quê hương?

Nhớ có năm giáp Tết tôi gọi điện về nhà. Đầu dây kia, ba tôi vắn gọn mấy lời: "Về đi con! Ba mẹ năm nay già yếu lắm rồi! Thôi ba cúp máy đây, kẻo con tốn tiền!”. Tôi nghẹn ngào: "Ba cứ nói nữa đi! Đừng sợ con tốn tiền! Lâu rồi con chưa được nghe giọng nói của ba...”. Mấy ngày sau, tôi vẫn còn thẫn thờ, tưởng như lời của ba vẫn còn văng vẳng bên tai: "Ba mẹ năm nay già yếu lắm rồi!”. Chợt nhớ ngày còn nhỏ, một lần tôi nói hỗn, ba tôi không nổi giận như mọi bận. Người lặng im, đôi mắt đau đáu nỗi buồn. Ánh mắt ấy của người cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Giá như chiều nay tôi biến thành đứa trẻ, nằm sấp trên giường chịu mấy roi để tạ lỗi với người.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo