xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chữ "thương" của thành phố mang tên Bác

Hoài Hương

Một chữ "thương" của người thành phố đã ăn sâu như một tính cách đẹp và hàng triệu trái tim người TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thể hiện tiếng "thương" bằng hành động thực tế

Khi thành phố bước vào đợt giãn cách nối tiếp lần thứ hai vì dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, người TP HCM không còn cảm giác bần thần ngơ ngác khi đường phố như rộng ra với loáng thoáng vài chiếc xe qua lại, khi hàng quán đóng cửa im lìm như vẫn còn chìm trong giấc ngủ muộn, khi nếp sống nhộn nhịp ồn ào đầy năng động của mọi ngày như chững lại trong sự chậm rãi, từ từ trôi…  Đã có một nhịp sống mới, không náo nhiệt, không hối hả, không xốn xáo hoang mang, là sự bình tĩnh đối diện những điều bất tiện nhất, tự tạo cho mình thích ứng để thật lạc quan, như một liệu pháp tinh thần cho chất lượng cuộc sống thích hợp nhất có thể, giữ tâm thế trong một chữ "an", góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Vượt lên trên những lo lắng, điều quan tâm của mọi người không chỉ là ngày hôm nay địa điểm nào bị phong tỏa, thêm bao nhiêu ca nghi nhiễm, F1, F2…, mà là sự ưu tiên quan tâm đến những người ở tuyến đầu đang trực tiếp chiến đấu, chạy đua cùng thời gian, hy vọng giữ cho những nhịp thở bình thường, những nhịp tim ổn định... Đó còn là quan tâm đến cuộc sống của một bộ phận cần lao làm nghề tự do ở thành phố đang rơi vào túng quẫn bởi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tạm thời ngưng trệ và họ là những người bị ảnh hưởng sớm nhất, nhiều nhất…

TP Hồ Chí Minh không chỉ là thành phố bao dung, luôn dang rộng tay hào sảng bao bọc, ôm ấp nhiều mảnh đời, nhiều số phận trôi giạt, mang đến cho họ những hy vọng, khát vọng vươn lên, hào phóng đón nhận và tạo những cơ hội cho bao cư dân vùng miền khác chọn nơi đây lập nghiệp, làm giàu… Thành phố còn có truyền thống nghĩa tình, tràn đầy thương yêu, từ những bình trà đá mát dịu giữa ngày nắng lửa ở các góc ngã ba ngã tư đường phố đến những tủ quần áo cũ cho ai cần một bộ đồ tươm tất mà không có tiền mua, từ những quán ăn 2.000 đồng cho sinh viên nghèo đến những hộp cơm hộp cháo dinh dưỡng phát không trong các bệnh viện…

Chữ thương của thành phố mang tên Bác - Ảnh 1.

Các đơn vị đồng hành với Báo Người Lao Động trong chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" tặng vật phẩm để gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và người nghèo, khó khăn Ảnh: QUỐC THẮNG

Bao nhiêu mùa bão lũ, bao nhiều đợt hạn khô ở miền Tây Nam Bộ, miền Trung gió cát, vùng núi ngàn Tây Nguyên…, thậm chí cả những vùng cao miền Tây Bắc, đều có dấu chân những đoàn thiện nguyện và hàng hóa của thành phố tiếp ứng, chi viện, hỗ trợ kịp thời; mang đến nhiều thương yêu, ấm áp, ngọt ngào, chia sẻ cùng đồng bào qua cơn khó ngặt …

Và ngay từ khi dịch Covid-19 lan rộng các tỉnh thành thì TP Hồ Chí Minh đã đi đầu trong những sáng kiến thiện nguyện, từ cây ATM gạo miễn phí đến những hộp cơm 0 đồng, hay những "cây" bánh mì, mì gói, rồi cả những nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn… Tất cả miễn phí, ở hầu khắp các quận huyện nội ngoại thành tới các vùng sâu vùng xa và lan tỏa sáng kiến đến các tỉnh thành khác.

Cho đến lần này, TP Hồ Chí Minh như nằm trong "tâm bão" Covid-19, tưởng chừng ngả nghiêng, điêu đứng. Nhưng không, mọi người hình như thương nhau hơn, xích lại gần nhau, nắm tay kết dạ đồng tâm để chống chọi, để vượt qua những ngày tháng khó khăn chồng chất. Mọi người dễ bỏ qua những điều không hài lòng trước đó để cùng chung tay giúp đỡ nhau, nương tựa nhau, kiên cường đối diện thời khắc khắc nghiệt này.

Hàng quán đóng cửa không buôn bán, nhưng có hàng ngàn bếp lửa của các quán cơm vẫn nóng ấm thơm thảo, hàng trăm ngàn suất ăn mỗi ngày được phát ra, giúp cho hàng trăm ngàn người lao động nghèo không bị "đứt bữa". Các sân khấu, rạp phim, nhà hát phải ngưng biểu diễn, nhưng các nghệ sĩ không ngồi yên,  cùng với một số nghệ sĩ- giảng viên trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, họ đã lập ra những nhóm thiện nguyện tham gia trong các đội tình nguyện của Nhà văn hóa Thanh Niên, trang fanpage Go Volunteer…, để mỗi sáng từ 4h30 đã có mặt cùng Trung tâm công tác xã hội Thành Đoàn chuẩn bị hàng ngàn phần ăn sáng mang đến cho các y bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bệnh viện dã chiến hay ở các khu cách ly tập trung..

Cảm động biết bao những nghĩa cử lặng thầm, như một nữ nhà báo của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, sáng nào đi làm cũng lòng vòng đạp xe, kiếm những người vô gia cư, lang thang góc đường, gầm cầu… biếu gạo, mì, mắm muối…, mỗi ngày vài người, mà tình nghĩa cứ thế nhân lên. Hay một nhà văn trẻ, gom từng chút tiền từ những cuốn sách của anh viết và xuất bản, để góp vào quỹ mua vắc-xin của thành phố, quỹ hỗ trợ đồng bào các khu cách ly… Rồi có một CEO và đạo diễn của một công ty sự kiện mua "giải cứu" cả một xe tài khoai lang tím của miền Tây do không xuất khẩu được, mang về chia ra từng túi nhỏ, rối mang biếu khắp bạn bè như món quà dinh dưỡng tình nghĩa trong giãn cách Covid-19…

TP Hồ Chí Minh thời khắc này không đủ đầy như lúc dịch bệnh chưa chạm tới, nhưng điều chắc chắn, một chữ "thương" của người thành phố đã ăn sâu như một tính cách đẹp, cho dù có nghịch cảnh cũng không thay đổi. Thành phố vẫn xanh những hàng cây phố, vẫn rực rỡ những sắc hoa mùa và có hàng triệu trái tim người TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thể hiện tiếng "thương" bằng hành động thực tế, chia sớt cùng nhau "một miếng khi đói"…

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo