"Có tự bao giờ hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó cho em làm thơ"…
Những giai điệu ngọt ngào của ca khúc "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (thơ Nguyễn Nhật Ánh, nhạc Phạm Minh Tuấn) cứ chầm chậm trôi qua tôi trong một buổi chiều mưa rơi rả rích. Vâng. Là tình yêu và nỗi nhớ về thành phố của những con người từ thành phố ra đi, trong đó có tôi.
Tôi không thể ví mình như lớp thanh niên xung phong ngày ấy, những chàng trai cô gái đang vào độ tuổi đôi mươi mang trong người bầu nhiệt huyết và khát khao tuổi trẻ. Họ đi vì Tổ quốc hôm nay và xây dựng đất nước tương lai với niềm tin về ngày mai tươi sáng. Tôi hình dung trong những ngày xa thành phố thân yêu, giữa bộn bề gian khó, họ quay quắt nhớ về thành phố. Lớp thanh niên xung phong ngày đó giờ đã trở thành những người vào tuổi "xưa nay hiếm" nhưng tôi tin chắc rằng nếu có ai hỏi về nỗi nhớ thành phố của những ngày đi xa thì họ sẽ trả lời rành rọt. Yêu rồi đâu dễ gì quên.
Còn tôi, gã đàn ông gần bốn mươi tuổi rời thành phố Hồ Chí Minh về miền đất khác mưu sinh, có nhớ có thương cũng không còn cuồng nhiệt như trước mà trầm tĩnh, nhẹ nhàng. Tôi nhớ thành phố không phải là những tòa nhà chọc trời, những cửa hàng xa hoa tráng lệ hay những quán cà phê rực sáng ánh đèn mà bằng những điều bình thường tôi đã đi qua.
Tôi nhớ thành phố năm xưa trong một buổi chiều đầu tháng bảy, có cậu học trò nhà quê vụng về đặt chân xuống bến xe Miền Đông. Chút lạ lẫm ban đầu đã được khỏa lấp bởi màu áo xanh tình nguyện. Cũng những con người vừa độ tuổi đôi mươi, hay nói khác đi là lớp thanh niên xung phong của thời hiện đại đã dìu dắt những bước chân còn khờ dại trong lần đầu lên phố thị phồn hoa. Hướng dẫn đường đi, giúp tìm nhà trọ, đưa đón đến trường thi... để tôi thấy hơi ấm tình người nơi thành phố ngày đầu còn xa lạ. Rồi năm sau, năm sau nữa, tôi lại khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện mà tiếp bước đàn anh "tiếp sức đến trường". Ở thành phố Hồ Chí Minh lâu rồi mới thấy, bầu nhiệt huyết dường như có sức lan tỏa không ngừng.
Tôi nhớ thành phố với Công trường Công xã Paris, trước nhà thờ Đức Bà mỗi lần có dịp đi ngang. Nhìn đàn bồ câu chao lượn trên trời rồi lại sà xuống nhặt nhạnh thức ăn, nụ cười trong veo của trẻ khi cùng mẹ rải thóc cho chim hay cụ già chắp tay đứng nghiêm trang cầu nguyện, tôi lại mơ màng thấy mình những ngày thơ dại. Ở giữa lòng đô thị tưởng chừng như hối hả ồn ào vẫn còn nơi đây một góc nhỏ bình yên đến lạ kỳ.
Tôi nhớ thành phố có những người đã từng cưu mang giúp đỡ mình. Như thím Sáu ở chợ Tân Bình với giọng Quảng rặt ri, dù vào đây mấy chục năm rồi. "Người xứ Quảng đi mô cũng là người xứ Quảng, chỉ cái tính hào sảng là mình phải học theo. Sống ở thành phố không cần biết nghèo hay giàu mà biết điều mới là đủ", lời của thím tôi vẫn nhớ đến hôm nay. Hay cô Tư bên chợ Thủ Đức thường la mắng nhưng rất thật thà tốt bụng, đã cho tôi một chỗ làm thêm kiếm tiền trang trải chuyện học hành. Ở thành phố Hồ Chí Minh, cái tình như được kết tinh vào đất, vào người.
Những hàng me xanh ngắt trên đường phố TP HCM Ảnh PHẠM CƯỜNG
Và tôi nhớ thành phố với đoạn đường Võ Văn Tần rợp bóng cây xanh, in nhiều kỷ niệm. Tôi và em đến từ hai vùng đất khác, tình cờ gặp nhau nơi mái trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh để rồi duyên nợ cứ vấn vít chúng tôi mà thành đôi thành lứa. Nhiều khi tôi hỏi em, nếu ngày xưa không ở thành phố thì liệu chúng mình có gặp nhau? Em và tôi cùng cười bởi nào đâu có biết. Nhưng nếu như tôi tin vào một phép màu thì hẳn thành phố Hồ Chí Minh chính là ông Tơ đã se duyên nợ cho mình. Chỉ với điều đó thôi đã đủ để tôi phải biết ơn thành phố rất nhiều.
Thành phố Hồ Chí Minh cứ dang rộng vòng tay đón hết lớp người này đến lớp người khác. Có những người đã rời xa thành phố như tôi nhưng "vẫn đập trong lòng trái tim thành phố. Như là cuộc sống như là tình yêu. Và nỗi nhớ, suốt đời, suốt đời mang theo"...
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)