Sáng nay 12-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Nguyễn Nam
Theo báo cáo của Chính phủ thì Chính phủ đã ban hành các quyết định tạo cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách và lộ trình rõ ràng, minh bạch cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, cơ cấu lại DNNN chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số DNNN sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn cao.
Tính đến hết tháng 8-2017, đã hoàn thành cổ phần hóa 18 DNNN, đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 12 DNNN, đang tiến hành xác định giá trị 14 DNNN. Ước cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa 38/44 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.
Còn về thoái vốn, mới bán phần vốn nhà nước tại 26 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỉ đồng (bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.815,3 tỉ đồng.
Hãng Phim truyện Việt Nam
Cho ý kiến báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã thẳng thắn lưu ý Bộ Tài chính không cổ phần hoá DNNN bằng mọi giá, nhất là những doanh nghiệp, đơn vị lớn, có thương hiệu nổi tiếng.
"Như trường hợp Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), không biết "ông chủ" mới có làm phim hay đẩy nghệ sỹ ra ngoài đường. Ông ấy còn nói nghệ sỹ là Chí Phèo nữa""- Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.
Dẫn ví dụ VFS, Chủ tịch QH cho rằng chủ trương cổ phần hoá là đúng nhưng cần chú ý xem sau khi cổ phần thì nhà đầu tư mới có tiếp tục giữ hay xoá mất thương hiệu trước đó.
Chủ tịch QH cũng cảnh báo về việc vừa qua cơ quan quản lý chủ trương "cứ giá cao nhất là bán".
Chủ tịch QH đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong phát triển KT-XH song cho rằng phải giải trình rõ ràng với QH vì sao tăng thu ngân sách chỉ có 2,3% mà tăng trưởng GDP 6,7%.
"Thu ngân sách thì mấy khoản thu nội địa đều giảm, vốn đầu tư giải ngân thì chậm mà tăng trưởng lại cao thì tăng trưởng trông vào đâu? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình vấn đề này" - Chủ tịch QH đặt vấn đề.
Chủ tịch QH nhìn nhận rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế vẫn còn, chưa giảm, như bội chi ngân sách kéo dài, dẫn đến nợ công cao, thu không đủ chi thì phải đi vay. Bội chi cao thì tác động tới các yếu tố khác của nền kinh tế như tạo sức ép lên lãi suất, lạm phát. Cơ cấu chi dù đã nói nhiều nhưng vẫn chưa hợp lý vì gần 70% là dành chi thường xuyên.
Một vấn đề khác là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng còn cao, dù QH đã ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu với nhiều quy định mới, nhiều cơ chế thậm chí vượt pháp luật hiện hành.
Nêu khoảng thời gian của năm 2017 chỉ còn hơn hai tháng, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ có tầm nhìn dài hạn hơn khi ban hành chính sách vì một số chính sách được ban hành trong năm nay chắc chắn có tác động đến năm sau.
Như trong chính sách tiền tệ thì thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có tác dụng trước mắt nhưng không kiểm soát kỹ chất lượng thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế về lâu dài, nếu tín dụng không đi vào sản xuất, doanh nghiệp trong nước không có khả năng hấp thì tín dụng đó lại chảy vào bất động sản, chứng khoán và gây "bong bóng".
Nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu, Chủ tịch QH cho rằng có thể chấp nhận tăng trưởng thấp hơn một chút nhưng ổn định vững chắc thì vẫn tốt hơn và Chính phủ cần phải quan tâm đến những chính sách đảm bảo cho kinh tế vĩ mô.
Bình luận (0)