xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam: Đừng đổ sai cho người lao động!

Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh

Nghệ sĩ của Hãng phim Truyện Việt Nam cho biết họ đã lên tiếng ngay từ đầu nhưng vô vọng


Phát biểu của ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính - trong buổi họp báo của bộ này vào sáng 27-9 cho rằng lẽ ra ngay từ đầu khi phương án cổ phần hóa (CPH) Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) đưa ra, người lao động có thể có ý kiến, thay vì chờ đến khi "ván đã đóng thuyền" mới nêu lên, làm khó cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư (Báo Người Lao Động ra ngày 28-9 đăng bài "Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam: Trách người, trách ta"), đã khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc.

Đã từng lên tiếng nhiều lần

"Nói người lao động cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình là xúc phạm chúng tôi. Ai bảo chúng tôi không có ý kiến ngay từ đầu" - đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc nói. Theo đạo diễn này, các nghệ sĩ đã lên tiếng rất nhiều lần nhưng đều bị bỏ qua.

Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam: Đừng đổ sai cho người lao động! - Ảnh 1.

Hãng phim Truyện Việt Nam vẫn xập xệ sau khi được cổ phần hóa

Thực tế cho thấy vào tháng 4-2016, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công bố Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) là đơn vị duy nhất đăng ký mua VFS và được chấp nhận trở thành cổ đông chiến lược, dư luận đã dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch của quá trình chọn cổ đông chiến lược.

Cuối tháng 5-2016, NSƯT Lân Bích đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về việc CPH VFS. Trong lá thư của mình, nghệ sĩ gạo cội này cho rằng việc CPH VFS như cách thức hiện nay là coi thường lịch sử, truyền thống, xóa bỏ những thành tựu xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã tạo nên một thương hiệu uy tín, đó là Hãng phim Truyện Việt Nam. Ông cũng cho rằng việc CPH như thế nào với một đơn vị mang tính đặc thù như VFS là điều cần cân nhắc, tính toán kỹ. Việc làm không thấu tình đạt lý như hiện nay sẽ gây hậu quả rất xấu, là tổn thất không thể bù đắp nổi. Nghệ sĩ này "tha thiết mong mỏi" các cấp lãnh đạo hãng sáng suốt bình tĩnh cùng các nghệ sĩ bàn bạc, tìm ra cách làm tốt nhất, vừa giữ được những giá trị truyền thống, không làm tổn hại đau đớn đến các nghệ sĩ đầy tâm huyết mà vẫn đạt được yêu cầu, mục đích của CPH.

Ngay sau đó, đầu tháng 6-2016, các nghệ sĩ tâm huyết với VFS cũng đã mời luật sư tư vấn về pháp lý để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc CPH VFS. Chín nghệ sĩ bao gồm: NSND Nguyễn Thanh Vân, NSƯT Nguyễn Đức Việt, NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSƯT Đức Lưu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, họa sĩ - NSƯT Vũ Huy đã cùng ký vào bản kiến nghị gửi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, đề nghị dừng ngay việc CPH đối với VFS. Các nghệ sĩ này kiến nghị cần ngay lập tức chấn chỉnh, thậm chí dừng hẳn việc CPH VFS vì nhiều lý do. Một là, tiến trình CPH VFS không minh bạch và rất vội vã, khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích CPH hãng phim và đặc biệt là mục đích của đơn vị đang giữ vai trò nhà đầu tư chiến lược vào hãng phim thực chất là gì? Hai là, việc CPH VFS chưa từng được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị công nhân viên chức của hãng. Chủ trương CPH VFS chỉ được công bố trên tờ báo của địa phương (Báo Kinh tế & Đô thị), lại sát Tết.

Kiến nghị tạm dừng CPH với đối tác Vivaso

Phản hồi thông tin cho rằng giá trị thương hiệu, giá trị đất đai của hãng đều bằng 0, các nghệ sĩ cho rằng VFS đang giữ quyền sử dụng trên bốn mảnh đất đều có giá trị kinh tế cao, trong đó có hai lô đất tại Hà Nội và TP HCM đều được đánh giá là "đất vàng". Những nghệ sĩ cũng bức xúc khi lịch sử của hãng phim tồn tại gần 60 năm đã bị coi bằng 0 trước mục tiêu CPH bằng được với giá rẻ mạt, bất chấp sự tổn thất về tinh thần của các thế hệ nghệ sĩ trong cả nước cũng như nguy cơ thất thoát nguồn tài sản lớn mà nhà nước đã giao quyền sử dụng cho hãng phim.

Chính vì thế, các nghệ sĩ đã kiến nghị tạm dừng việc CPH VFS với đối tác là Vivaso. Theo họ, quá trình CPH cần được công khai và có lộ trình, đủ để các nhà đầu tư nhìn thấy khả năng phát triển và giá trị thương mại của hãng phim trên cơ sở đất đai và nguồn nhân lực quý giá. Các nghệ sĩ này cũng cho biết khi tiếp xúc với nhà đầu tư chiến lược là Vivaso, lãnh đạo công ty đã không thể trả lời được nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển VFS trong tương lai.

Không được lắng nghe

Tuy nhiên, tất cả những kiến nghị nói trên đều không có kết quả, cho dù cuối tháng 12-2016, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ VH-TT-DL rà soát lại toàn bộ quá trình CPH VFS để "tổng kết" quá trình này theo thẩm quyền và yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký kết. Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Ngày 29-12-2016, Bộ VH-TT-DL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Hãng phim Truyện Việt Nam và đã chọn Vivaso là nhà đầu tư chiến lược. Công ty này đã thanh toán số tiền gần 33,5 tỉ đồng để mua 65% vốn điều lệ của VFS. Tháng 7-2017, hãng phim này chính thức bước vào CPH.

Đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc nói: "Khi chúng tôi kiến nghị thì những người có trách nhiệm không nghe hoặc cố tình không nghe, vì thế đừng nói rằng chúng tôi đã không lên tiếng". Đạo diễn này khẳng định thông tin CPH VFS rất mập mờ và cơ quan chức năng đã cố tình đẩy việc CPH rất nhanh. "Các doanh nghiệp quan tâm không được biết đến việc CPH này. Đất đai của hãng đúng là đất thuê của nhà nước nhưng mức giá thuê được ưu đãi là một lợi thế lớn mà ai cũng có thể tính ra. Chúng tôi cho rằng có vấn đề gì đó ở việc CPH này và mong công luận lên tiếng thật công tâm" - đạo diễn Quốc Tuấn đề nghị.

Mở bán nhanh như chớp

Họa sĩ Vũ Huy cho rằng về nguyên tắc khi chào bán CPH là phải mời rất nhiều nhà đầu tư. Bản thân ông đã mời 2 công ty rất có tiềm năng, trong đó có một công ty nước ngoài, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng rất tích cực giới thiệu đối tác. Thế nhưng, việc tìm kiếm đối tác chỉ được ban lãnh đạo hãng đăng trên một tờ báo của Hà Nội, mở bán trong vòng chục ngày. "Cuối cùng, họ ra thông báo chỉ có một cổ đông chiến lược duy nhất là Vivaso, khi đó, anh em nghệ sĩ mới ngớ người ra" - hoạ sĩ Vũ Huy cho hay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo