Chuẩn bị phục vụ cho thiếu nhi dịp hè, Nhà hát Trần Hữu Trang sắp ra mắt chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi dịp hè 2020; Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM cũng vào cuộc, hăm hở với các chương trình hướng đến khán giả nhí.
Chưa phối hợp đồng bộ
Tuy nhiên, chỉ nỗ lực về tinh thần thôi chưa đủ, việc xây dựng chương trình, tác phẩm phục vụ đối tượng khán giả thiếu nhi đòi hỏi phải có cách làm sáng tạo phù hợp với nhu cầu trong thời đại mới.
Giới chuyên môn nhận định sở dĩ TP HCM không còn các chương trình dành cho thiếu nhi là do thiếu chiến lược, thiếu sự định hướng. Hoạt động chủ yếu theo phong trào, thời vụ, lẻ mẻ, manh mún. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng cái chính là phải ngồi lại với nhau, cùng cơ quan quản lý vạch ra chiến lược, định hướng nội dung, nghệ thuật, chung tay làm mới mong có được nền tảng phát triển lâu dài.
Cảnh trong chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” của sân khấu IDECAF
Theo ông, nhu cầu phải xuất phát từ việc liên kết có hệ thống. Toàn TP HCM có tới 24 nhà văn hóa thiếu nhi trải khắp các quận huyện nhưng nhìn lại cũng không có một chương trình nghệ thuật, sân khấu nào cho các em được quảng bá, giới thiệu, biểu diễn một cách định kỳ.
Trong khi đó, chương trình "Sân khấu học đường" dành cho các cấp học với mục đích giúp các em cảm thụ giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống, bồi đắp tâm hồn, xây dựng ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thì lại được làm theo kiểu phong trào.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Hồng Vân, Nhà hát Thế giới trẻ, Sân khấu Hồng Hạc… cũng từng dàn dựng vở diễn, chương trình cho thiếu nhi nhưng rồi họ đều rời bỏ thị phần này khi chưa tìm được chìa khóa mở cánh cửa thị trường và làm bà đỡ cho những đứa con tinh thần có thể ra đời, sống được.
Nhiều năm qua TP HCM chưa tổ chức trại sáng tác sân khấu dành cho thiếu nhi. "Đã không mặn thì chẳng có yếu tố kích thích, vận động lực lượng sáng tác vào cuộc, sân khấu dành cho đối tượng này teo tóp là tất yếu" - ông Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF) phân tích nguyên nhân. Theo ông Tuấn, giải pháp chính là cần sự đồng bộ, lộ trình cho những điểm diễn thiếu nhi sáng đèn liên tục.
Cần sự hợp lực để giải bài toán
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM: "Để mất đi rạp Măng Non - nơi dành cho khán giả thiếu nhi của thành phố là một tổn thất lớn về diện mạo sân khấu chuyên nghiệp của TP HCM. Hầu hết các điểm diễn cho thiếu nhi chỉ được dàn dựng theo mùa, không cố định. Sân khấu thuê mướn từ các hội trường không đủ tạo không gian bay bổng cho trẻ em tiếp cận với những sản phẩm kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của các em. Muốn tạo cú hích thật sự thì cần phải có ngay sự hợp lực".
Các nghệ sĩ đặt ra vấn đề, cần sớm có chủ trương phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan, nhằm hỗ trợ sân khấu thiếu nhi trong đợt chấn hưng này.
Nghệ sĩ muốn làm cũng khó
Một số nhà thiếu nhi hiện nay hoạt động chưa đúng công năng, không hướng đến phục vụ đối tượng thiếu nhi. Đạo diễn Đình Toàn cho biết nhiều nghệ sĩ muốn làm chương trình cho thiếu nhi nhưng giá thuê sân khấu biểu diễn từ 60-80 triệu đồng/suất. Chi phí không nhỏ khiến vốn đầu tư đội lên quá cao. Giá vé nâng theo để không bị lỗ vốn thì phụ huynh lắc đầu. Để phụ huynh chấp nhận thì lỗ vốn, đóng cửa. Nỗ lực đưa sân khấu tiếp cận các em nhỏ đều do các đơn vị sân khấu tư nhân thực hiện, các đơn vị nghệ thuật công lập lâu nay đứng ngoài cuộc.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ...
Xem các tác phẩm văn nghệ, nhất là các chương trình truyền hình hiện nay gắn với mục đích phục vụ cho thiếu nhi, do thiếu nhi trình diễn, thấy có một nhầm lẫn nghiêm trọng đáng buồn: thiếu nhi đã bị biến thành người lớn.
Câu hỏi duy nhất thường trở đi trở lại trong tôi khi xem những chương trình mang tiếng là tổ chức cho thiếu nhi và do chính thiếu nhi tham gia trình diễn là: Tại sao tuổi thơ bị đánh mất không thương tiếc đến thế? Sao tuổi thơ lại bị đánh tráo thành người lớn một cách thản nhiên, vô tâm và tàn nhẫn đến thế?
Tôi nhớ đến những tác phẩm nghệ thuật đáng yêu dành cho tuổi thần tiên của con người. Nhà văn, phi công Pháp Saint - Exupéry (1900-1940) đã viết một truyện dài nổi tiếng văn chương thế giới là "Hoàng tử bé". Nhân vật cậu bé hoàng tử của ông đã được ông giải thích rất hóm hỉnh trong đề từ: tuy viết tặng một người lớn nhưng thật lòng ông muốn tặng cái cậu bé mà người lớn ấy đã từng là. Cậu bé thơ ngây ấy mới là nhân vật chính mà ông muốn viết trong câu chuyện thần tiên ấy, với ánh nhìn âu yếm, đượm màu diễm huyền của một phi công chuyên bay trên trời, chuyên ngắm nhìn trái đất mến yêu từ trời cao thăm thẳm. Vậy nên nhân vật cậu bé Hoàng tử đã được nhà văn phi công bao trùm thân mật trong một câu chuyện huyền thoại. Với nhân vật Hoàng tử bé ngây thơ ngộ nghĩnh này, nhà văn Pháp đã đem đến cho trí tưởng tượng của người đọc, cả người lớn và nhất là trẻ em, cái nhìn hồn nhiên của tuổi thơ ngây đối với thế giới. Hình như thế giới đã lộng lẫy thêm biết bao nhiêu nhờ vào cái nhìn trong trẻo ngây thơ ấy của Hoàng tử bé. Và sự quyết định quay về của vị Hoàng tử bé với hành tinh nhỏ của mình, phải chăng chính là sự quay về của nhân loại với chính thời thơ ấu bản nguyên trong sáng của mình?
Nhân loại cũng có tuổi thơ cần phải quay về. Nếu không đã không có thần thoại Hy Lạp như cây cầu để nhân loại quay về thời thơ ấu. Nếu không, nghệ thuật rối nước Việt Nam đã không chinh phục thế giới khi bắc cây cầu rối nước ngây thơ, đưa rước khán giả phương Tây trở về phương Đông như một hành trình về miền thơ ấu, ngay lần đầu xuất ngoại năm 1984.
Và từ thế kỷ trước, bạn đọc thiếu nhi Việt Nam ai không từng đọc và không từng thích thú phiêu lưu với chú dế mèn trong tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài hay không từng cảm động với những câu thơ thấm đậm tình yêu thương trẻ em của Xuân Quỳnh, khi chỉ có nhà thơ mới phát hiện "bầu trời trong quả trứng"...
Tất cả tác phẩm viết, dựng, diễn cho trẻ em phải chứng minh rằng trẻ em là một thế giới đặc hiệu tuổi thơ và trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ.
Nếu quả thật những chủ thể nghệ thuật đang có mong muốn hoặc thích tìm giải pháp chữa cái căn bệnh trầm kha đang xâm chiếm nghệ thuật hôm nay là bắt trẻ em trở thành người lớn thu nhỏ hoặc bị người lớn đánh mất tuổi thơ thì hãy tìm trong di sản văn chương nghệ thuật ở nước ngoài, ở trong nước sẽ thấy nhiều điều bổ ích và lý thú, trong việc giáo dưỡng trẻ thơ bằng nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Viện khi vào tuổi ông lão mới có thể viết tác phẩm "Ngây thơ". Còn thi sĩ Xuân Diệu luôn luôn tự nhắc nhủ mình: "Hãy nhìn đời bằng con mắt xanh non!"...
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái
Bình luận (0)