Các nghệ sĩ tham gia chương trình kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 – 2021) năm nay, đều cảm nhận rõ khí thế hào hùng của từng tiết mục.
Dù không có khán giả theo dõi, nhưng qua truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 và được phát thanh trực tiếp trên sóng AM 610 Khz Đài TNND TP HCM, hơn 100 diễn viên, ca sĩ, vũ công, nhạc sĩ của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM – ba đơn vị phối hợp thực hiện đã tạo dấu ấn tuyệt đẹp.
NSND Tạ Minh Tâm trong ca khúc "Hiển vinh Lạc Hồng" do nhạc sĩ Đạt Kìm hòa âm, tạo dấu ấn đậm nét
Chương trình có 4 chương gồm: "Tây Sơn Tam Kiệt", "Áo vải cờ đào", "Vương triều Tây Sơn – Binh hùng tướng mạnh" và "Đất nước rồng bay", được hai đạo diễn Dương Thảo và NSƯT Lê Trung Thảo chăm chút, vẽ nên một bức tranh lịch sử kiêu hùng về cuộc đời binh nghiệp của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
NS Hồng Lan và NSƯT Tâm Tâm thể hiện hình tượng các nhân vật lịch sử hào hùng của dân tộc
Ấn tượng nhất phải kể đến phần âm nhạc do hai nhạc sĩ Thanh Liêm và Đạt Kìm thực hiện, khắc họa thêm dấu son đậm nét của chương trình sân khấu hóa mang tính chuyên nghiệp mà Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM luôn là "anh cả" lĩnh xướng rất tài hoa.
Sân khấu hóa do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP thực hiện luôn được nâng cao tính chuyên nghiệp
Soạn giả Hoàng Song Việt - người sáng tác chính các tác phẩm cải lương và ca khúc cho sân khấu hóa năm nay - nói: "Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid -19, Sở VH-TT TP HCM được sự chấp thuận và chỉ đạo của UBND TP HCM, cho phép tổ chức chương trình sân khấu hóa trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh là một niềm vui vào phút chót của tập thể nghệ sĩ. Vì hầu như các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp đều ngưng lại, chỉ có sân khấu hóa là điểm tập hợp lực lượng nghệ sĩ của ba lãnh vực: ca múa nhạc, cải lương, hát bội, cùng tề tựu sáng tạo nghệ thuật, sát cánh bên nhau khắc họa thật độc đáo chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789. Sân khấu hóa năm nay thành công chính nhờ vào ý thức tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn về an toàn phòng chống dịch, và trên hết là dâng lên vị anh hùng áo vải của dân tộc, nén hương linh cho sự khởi sắc của ngành nghệ thuật trong năm 2021".
Các nghệ sĩ: MINH KHƯƠNG (Nguyễn Nhạc), BẢO CHÂU (Nguyễn Huệ), HOÀNG HÀ (Nguyễn Lữ) và THANH BÌNH (Thầy Trương Văn Hiến) trong trích đoạn hát bội "Tây Sơn tam kiệt" của tác giả NSƯT Hữu Danh, dàn dựng võ thuật: Đại Võ sư Quốc tế Lê Kim Hòa - Quốc Thịnh.
Chương trình đọng lại trong lòng người xem qua từng chương khái quát được sự hội tụ của tinh thần yêu nước nồng nàn, yêu độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Các nghệ sĩ đã thể hiện rõ truyền thống đoàn kết, tinh thần dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm.
Qua chương trình Sân khấu hóa này, khán giả trẻ hiểu hơn về con đường dẫn đến ý chí sắc bén của người Tây Sơn, khi kể về ba anh em: Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi anh Hai Trầu; Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm nên gọi là chú Ba Thơm; Nguyễn Lữ gọi là thầy Tư Lữ. Lớn lên, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến.
Ca sĩ Thế Vỹ, diễn viên Hoàng Quốc Thanh, Nguyễn Thành Tây trong ca cảnh "Áo vải cờ đào" (Lời: Hoàng Song Việt, Nhạc: Minh Ngọc, Biên đạo: Vĩnh Khương)
Nghệ sĩ hát bội Thanh Bình diễn vai thầy Trương Văn Hiến đã bày tỏ niềm xúc động. "Sân khấu hóa đã thể hiện sâu sắc hình ảnh Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng "Yến phi quyền", Nguyễn Lữ sáng tạo "Hùng kê quyền" và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo "Độc lư thương". Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ nghệ và tinh thần chiến đấu không khuất phục kẻ thù. Điều quan trọng là sân khấu hóa đã mời Liên đoàn Võ cổ truyền TP HCM tham gia, diễn lại những thế võ của Tây Sơn độc đáo" – Nghệ sĩ hát bội Thanh Bình nói.
NSƯT Lê Hồng Thắm - NS Võ Minh Lâm trong trích đoạn "Tình thơ duyên thắm" (Tác giả: Lê Duy Hạnh - Hoàng Song Việt)
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm (đương kim giải Mai Vàng lần 26-2020) nói: "Những sáng tác trong chương trình sân khấu hóa đã thể hiện rõ bao trầm tích lịch sử và văn hóa của vùng đất Bình Định. Đó là đất thơ, đất tuồng, đất võ… Tây Sơn - Bình Định còn là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi phát tích của huyền thoại Tây Sơn, mở ra một trang sử hào hùng của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tôi rất tự hào khi được diễn vai Nguyễn Huệ trong một phân cảnh của sân khấu hóa, cùng với 8 bạn diễn viên, ca sĩ như: Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, Thế Vỹ, Vũ Luân, Điền Trung, Trọng Nghĩa, Minh Trường thể hiện vai Nguyễn Huệ".
NSƯT Vũ Luân và NSƯT Thoại Mỹ trong ca cảnh "Hoàng đế Quang Trung" (Tác giả: Lê Duy Hạnh - Hoàng Song Việt, Biên đạo: Hồ Khanh)
Chương thể hiện đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785, nhằm đêm 9 rạng 10 tháng Chạp năm Giáp Thìn, quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút. Quân Xiêm thừa thắng tiến vào trận mai phục của Quân Tây Sơn đã được thể hiện xuất thần.
Tạo được khí thế hào hùng và đầy ấn tượng qua nhiều loại hình nghệ thuật là nét độc đáo của sân khấu hóa chiến thắng Đống Đa lịch sử do TP HCM tổ chức
Ngay cả với "thù trong" qua cách thể hiện của các nghệ sĩ sân khấu, đã cho thấy sau khi quân Tây Sơn rút đi, các thế lực của Chúa Trịnh trỗi dậy lập Trịnh Bồng lên ngôi vương, tái lập chính quyền chúa Trịnh nghe lời Lê Chiêu Thống cầu viện, sai Tôn Sĩ Nghị mang 20 vạn quân và dân công vượt ải Nam Quan vào Đại Việt.
Kép độc Khánh Tuấn thê hiện xuất thần nhân vật Trịnh Khải (phải) và nghệ sĩ Hoàng Minh Vương (Lê Hiển Tông) hoảng sợ khi hay tin quân Tây Sơn chiếm Thăng Long
Trong khi đó tại miền Nam, giữa năm 1787, Nguyễn Ánh từ Xiêm quay trở lại Gia Định. Nguyễn Huệ đứng trước hai lựa chọn: Nam tiến hoặc Bắc tiến. Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ - người thể hiện vai Ngọc Hân - cho biết khi làm việc với các khâu sáng tác, cả hai mặt trận này đều nước sôi lửa bỏng và cần đến chiến thuật chống quân phương Bắc. Vì vậy, Nguyễn Huệ đã quyết định chọn cách đánh thần tốc để sớm đánh đuổi quân Mãn Thanh ở miền Bắc. "Tôi diễn vai Ngọc Hân ở phân cảnh yểm trợ tinh thần, để Nguyễn Huệ quyết định tiến quân ra phía Bắc. Trong bối cảnh cấp bách đó, ngày 22-12-1788 tại núi Bân, Phú Xuân – Huế, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, tiến quân ra Bắc Hà và với cuộc hành binh thần tốc, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết năm Kỷ Dậu, Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân Thăng Long và Bắc Hà" – NSƯT Thoại Mỹ chia sẻ.
Lần đầu tiên ca sĩ Nguyễn Phi Hùng diễn trích đoạn cải lương với NSND Thanh Ngân, cả hai đã tạo dấu ấn tuyệt đẹp qua ca cảnh "Đất nước nở ngàn hoa" (Lời ca khúc và lời cổ: Tô Thiên Kiều - Minh Ngọc, Hòa âm: Thanh Liêm, Biên đạo: Tạ Hưng)
Giới chuyên môn đánh giá chương trình sân khấu hóa năm nay đã thể hiện rất độc đáo chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789 - một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng ấy trong mùa xuân của đất trời hòa quyện, với bản lĩnh và tư thế bất khuất, anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Sân khấu hóa được dàn dựng với hiệu ứng kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng phối hợp đồng bộ, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp cho sân khấu TP HCM chào đón năm mới 2021
Đây là tiền đề khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước, là tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa xuân 1975 vẻ vang, hào hùng trong dân tộc. Phần cuối của sân khấu hóa đã thể hiện rực rỡ chiến công hiển hách của cha ông, và xoáy vào trọng trách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hướng đến những thành tựu mới của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Tự hào hơn là TP HCM đã và đang không ngừng ra sức phấn đấu, phát triển toàn diện để cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới của phát triển và hội nhập.
Bình luận (0)