Nhà sản xuất BHD đã từng sản xuất 5 mùa chương trình "Vua đầu bếp Việt Nam", phát sóng trên VTV3, tiếp tục thực hiện chương trình ẩm thực nhưng với cách tiếp cận xu hướng mới bằng kênh ẩm thực trực tuyến có tên "Mâm nhà - Food Club". Chương trình hướng chủ yếu vào khán giả mạng khi xuất hiện trên Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok và các ứng dụng xem video trực tuyến: Danet, FPT Play, ứng dụng VTVCab On và Onme.
Khai phá tiềm năng
"Mâm nhà - Food Club" là chuỗi video công thức dạy nấu ăn miễn phí, những chương trình hấp dẫn về ẩm thực được phát đều đặn vào 17 giờ mỗi ngày trong tuần trên mạng xã hội, các nền tảng và ứng dụng trực tuyến. Tối 16-8, "Mâm nhà - Food Club" đã ra mắt công chúng thông qua buổi phát sóng trực tuyến đặc biệt dưới sự dẫn dắt của MC Phan Anh và Bảo Thanh. Chương trình như cầu truyền hình trực tuyến dẫn khán giả đến căn bếp của các khách mời: Ngô Thanh Hòa, Phan Tôn Tịnh Hải, họa sĩ Quang Huy, Thanh Cường, Jack Lee. Nhà sản xuất mong muốn chương trình có thể khơi gợi cho khán giả tình yêu ẩm thực vì nấu ăn không đơn thuần chỉ là các bước chế biến nguyên liệu mà nó còn là đam mê và những giá trị tốt đẹp của gia đình.
Chương trình "Mâm nhà - Food Club" được nhà sản xuất kỳ vọng không chỉ dành cho khán giả Việt Nam mà còn hướng đến khán giả nước ngoài để giúp họ hiểu hơn về ẩm thực Việt. "Chương trình này chúng tôi tập trung vào xu hướng mạng hơn với mỗi video clip không quá dài. Nếu là chương trình cho truyền hình truyền thống thì mỗi tập phải 30 phút trở lên. Các video clip ngắn nhưng đa dạng hình thức, khi thì chỉ đơn thuần hướng dẫn nấu một món ăn, khi thì có khách mời tham gia hướng dẫn món ăn riêng của mình. Ngày nay, mọi người sử dụng mạng rất nhiều, hầu hết chương trình truyền hình đều cập nhật lên mạng sau tập phát sóng truyền hình. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng nên muốn góp phần tạo một kênh ẩm thực có sự kết nối, lan tỏa lớn" - đại diện truyền thông của BHD cho biết.
Việc đưa chương trình truyền hình chủ yếu lên nền tảng mạng thay vì tập trung cho truyền hình truyền thống đang là chọn lựa của không ít nhà sản xuất. Tuy nhiên, tất cả mới ở giai đoạn đầu, dạng thăm dò chuyển hướng, không quá ào ạt. Trước đó, nhà sản xuất MCV đã thực hiện nhiều chương trình truyền hình thực tế, talk show phát chủ yếu cho kênh YouTube của mình: "Come out - bước ra ánh sáng" với 2 MC là Lâm Khánh Chi, Minh Tuân, "Cưới đi chờ chi", "Vi hành cùng sao"… Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ cũng tận dụng danh tiếng của mình để tự sản xuất những chương trình, talk show riêng, như MC Quỳnh Hương, MC Cát Tường, Việt Hương, Trường Giang... Trong đó, Trường Giang với chương trình ẩm thực "triệu view" có tên "Muốn ăn phải lăn vào bếp" chiếu trên kênh YouTube của Trường Giang và trên nền tảng Pops, đã 2 mùa và đang dự định thực hiện mùa 3, được sự ủng hộ của khán giả. Trên nền tảng Pops còn không ít chương trình miễn phí: "Amazing Vietnam", "Hỏi xiên đáp xẹo", "Dọc đường ẩm thực"…
“Mâm nhà - Food Club” trong buổi ra mắt. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nỗ lực vượt khó
Người trong giới nhận định thị trường game show, giải trí trên truyền hình đang ở giai đoạn bão hòa, đi xuống. Nhiều chương trình từng một thời đình đám đã không còn nghe tên: "Thần tượng âm nhạc", "Tìm kiếm tài năng Việt", " Giọng hát Việt", "Bước nhảy hoàn vũ"… Nhiều năm qua, để tìm kiếm thêm khán giả, hầu hết các chương trình vừa lên sóng là nhà sản xuất vội vã đưa lên mạng. Lâu dần thành quen, khán giả không còn chờ đợi xem chương trình trên truyền hình trong khung giờ phát sóng mà chọn xem lại qua mạng. Gần đây, các nhà sản xuất còn chuộng xu hướng tổ chức cho khán giả mạng xem trực tuyến tập mới cùng lúc với truyền hình. Từ đó khán giả xem chương trình truyền hình qua mạng nhiều hơn. Người trong giới cũng nhận thấy điều này, họ muốn chuyển hướng sang sản xuất nội dung mạng. Thêm vào đó, sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình trên mạng không bị khống chế thời lượng, không bị kiểm duyệt chặt về nội dung, chỉ cần không quá phản cảm, tuân thủ quy định do YouTube đưa ra.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng này không dễ dàng dù hiện tại thị trường này rất có tiềm năng. Cái khó đầu tiên theo phân tích của người trong giới là vấn đề kinh phí thực hiện và nguồn thu có được. Cái khó khác của chương trình phát trên mạng là thời gian hòa vốn kéo dài, có khi hàng tháng, hàng năm. Nhà sản xuất khó có thể chờ đợi trong khi dòng tiền vốn phải xoay liên tục mới có thể điều hành sản xuất ra các tập mới, mùa mới. Vì vấn đề kinh phí, hầu hết các chương trình truyền hình chiếu mạng hiện nay đều chọn thời lượng ngắn, không đầu tư nhiều bối cảnh, khách mời nổi tiếng… so với khi lên sóng truyền hình truyền thống.
Để vượt qua những khó khăn này, người trong giới cho rằng nhà sản xuất cần có sự liên kết, hợp tác với nhau để có thể phát hành không chỉ miễn phí trên nền tảng YouTube mà còn các nền tảng thu phí hiện có. Hoặc có thể như "Mâm nhà - Food Club", nhà sản xuất tạo dựng một trang web bán nguyên liệu, vật dụng cần thiết cho nhà bếp, các món ăn và liên kết với nội dung chương trình tạo thành mạng lưới liên kết cộng đồng lớn. Việc này sẽ mất nhiều thời gian nhưng nếu thành công ở giai đoạn tiên phong sẽ tạo đà cho nhiều nhà sản xuất khác cùng nhau vượt khó. Việc khai thác tiềm năng từ thị trường mạng là một điều cần thiết, sự cần thiết càng thể hiện rõ trong thời kỳ cả thế giới chống dịch bệnh, nhu cầu giải trí qua mạng tăng cao.
Vẫn khó rời màn ảnh nhỏ
Dù chuyển hướng của các nhà sản xuất chương trình giải trí từ truyền hình truyền thống đang là xu hướng nhưng theo nhận định của bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và Giải trí Mega GS: "Ở hiện tại và tương lai gần, tôi thấy chương trình truyền hình khó có thể ngừng ưu tiên sản xuất cho truyền hình truyền thống. Dù thực tế các chương trình giải trí trên truyền hình truyền thống không còn ăn khách như trước nhưng nhà sản xuất vẫn chưa thể từ bỏ truyền hình truyền thống và có sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường mạng. Nguyên nhân trước mắt, truyền hình truyền thống vẫn lợi thế hơn về nguồn thu cho nhà sản xuất trong khi thị trường mạng đang phát miễn phí, chưa tìm được nguồn thu đủ cân đối".
Nhiều nhà sản xuất cho biết có ý định sản xuất chương trình truyền hình phát sóng chủ yếu trên mạng. Tuy nhiên, vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường tiềm năng này, do đắn đo về hiệu quả kinh doanh. Hiện nay, các chương trình phát trên kênh YouTube hay Facebook đều miễn phí, những nền tảng nội địa có thu phí chưa đủ lực để mua nội dung chương trình của các nhà sản xuất Việt, còn nền tảng xuyên biên giới thì chưa chạm vào mảng chương trình truyền hình Việt.
Bình luận (0)