Chỉ cần bỏ ra 33.000 won (khoảng 600.000 đồng), người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đã sở hữu quyền tham dự buổi concert online, được gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thần tượng và thưởng thức những màn trình diễn đặc sắc của K-pop. Đây được cho là mức giá phổ thông so với những buổi concert bình thường.
Concert online có mọi thứ mà một concert bình thường nào cũng có, thậm chí vượt trội hơn. Với sân khấu được đầu tư hoành tráng, các hiệu ứng âm thanh ánh sáng đẹp mắt, cùng sự xuất hiện của nhiều ngôi sao đình đám, trình diễn trực tiếp, với vũ đạo điêu luyện, mang đến những tiết mục có thể gọi là đỉnh cao. Cái thiếu duy nhất là khán giả ngồi ở khán đài.
Được trang bị những màn hình cực lớn, với hy vọng có thể chứa hết màn hình live của người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới; đường truyền ổn định, chỉ cần wifi ở nhà khán giả đủ mạnh là có thể thưởng thức trọn vẹn buổi trình diễn như đang xem trực tiếp.
Buổi diễn trực tuyến rất thành công của nhóm SuperM diễn ra ngày 26-4 đã mang về doanh thu khoảng 2 triệu USD. Ảnh: SM ENTERTAINMENT
Theo ước tính, buổi concert online mở màn cho chuỗi concert Beyond LIVE, đã giúp SM Entertainment thu về khoảng 2 triệu USD, gấp nhiều lần so với doanh thu của những buổi concert được tổ chức trực tiếp.
Thành công này đã đập tan những nghi ngại trước đó rằng buổi concert sẽ thất bại thảm hại và đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là hướng đi không chỉ tạm thời trong mùa dịch mà chính là tương lai của hoạt động biểu diễn ca nhạc trên thế giới?
Có một điều chắc chắn rằng theo dấu chân của SM Entertainment, trong tương lai gần, nhiều ông lớn của ngành giải trí ở Hàn Quốc sẽ tổ chức các concert online tương tự. Thậm chí, hình thức này có thể nhân rộng ra nhiều nước trên thế giới như là một giải pháp, từ chỗ mang tính tình thế trở thành chủ đạo.
Điều này cũng thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc của công chúng lẫn nghệ sĩ trình diễn. Không thể phủ nhận là các buổi trình diễn online như thế này cho phép tiếp cận với đông đảo khán giả hơn, tiện lợi hơn và phần nào bình đẳng hơn khi ngồi trước màn hình, rất khác so với ngồi trước sân khấu nơi thường phân chia khu vực bình thường, khu vực VIP.
Các nhà chuyên môn còn tin rằng tương lai không chỉ giới âm nhạc mà có thể là kịch nghệ, ballet… sẽ tiếp nhận hình thức biểu diễn online, với những khán giả ngồi sau màn hình máy tính (hay điện thoại) như một phương cách để nghệ thuật trình diễn có thể tiếp cận với số đông trong thời buổi công nghệ kết nối vạn vật phát triển.
Bình luận (0)