xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chút hồi ức về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

LÊ THIẾT CƯƠNG

Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đã quá nhiều người bình bàn. Tôi chỉ ghi lại đôi ba lần trò chuyện cùng anh. Chắc là trong những câu chuyện ấy, những câu thoại ấy, thấp thoáng anh, cũng tức là văn anh

Chiều 24-6-2009, như mọi khi, anh Nguyễn Huy Thiệp ra tôi chơi. Chả hiểu sao, dạo này anh hay nói những chuyện "tê buốt", "đau đớn", "thớt tanh mới có ruồi". Anh bảo: "Tôi đi tập thể dục quanh hồ Gươm, nhìn mấy người già tội lắm… Em cần thủ thế, ngoài năm mươi tính chuyện thu quân là vừa".

Anh kể một chuyện bên Trung Quốc: Có một tay quan to, vì bổng lộc nên người ra kẻ vào, đàn em đệ tử tụ bạ quanh năm. Khi lão mất chức, nhà vắng tanh; đến khi được phục chức, khách khứa lại nườm nượp. Lão ta cáu tiết: Chúng mày không có liêm sỉ à? Bọn đàn em đệ tử bảo: Thói đời là vậy...

Chút hồi ức về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bìa phải) và tác giả. (Ảnh: CHU THÙY ANH)

Chuyện này thực hư không quan trọng nhưng anh nhớ và cách kể thì rất Nguyễn Huy Thiệp. Tất nhiên, thời điểm anh kể cũng không hẳn là vô ý. Trước khi về, anh uống thêm chén trà, vừa nhấp vừa nói: "Người nhà quê họ thiện tâm lắm mới vẽ kỹ được thế này, miệng chén, đánh chỉ đều tăm tắp, rồi thì hoa lá, sóng nước…".

Ngày 28-6-2009, anh Thiệp đến với nhà thơ Bảo Sinh, vẫn chuyện già trẻ. Anh Thiệp ví von: Tuổi trẻ là phải mất cân bằng, như người chèo thuyền, mái chèo mà cân bằng thì thuyền đứng im, đi sao được?

Rồi anh kể tiếp: Hôm ở Ý nhận giải văn chương Nonino, ngồi cùng bàn tiệc với Naipeau, thấy ông ấy suốt bữa không đứng dậy, tôi thì đi vệ sinh vài bận. Tôi hỏi, ông ấy bảo "tớ đóng bỉm đấy".

Giỗ mẹ anh Thiệp ngày 29-3-2010, anh mang cái đĩa gốm Bát Tràng mới vẽ ra khoe với ông bạn. Chị Trang, vợ anh Thiệp, ghé mắt xem. Ông ấy hỏi: Em chưa xem đĩa này à? Chị Trang bảo: Em bận quá.

Chị Trang người làng Đông Ngạc, một làng cổ ở ven đô. Tôi không định nghĩa được văn là gì nhưng câu trả lời của chị chính là văn. Bận quá nên chưa có thời gian xem. Hay! Bận quá là đủ. Chưa bao giờ vào thăm anh chị mà tôi không thấy chị đang làm gì đó…

Tôi gặp chị Trang lần cuối hôm vào nhà, trước khi chị mất chừng 4 tháng. Chị ngồi ở gian giữa, một mình, tranh tối tranh sáng, mắt mở to nhưng không nhìn gì. Tôi vẫn nhớ món canh cua, đậu rán và món thịt nây đặc biệt của chị. Chị đi xa hơn 2 tháng thì anh Thiệp đã theo chị. Buồn!

Mùng 7 Tết năm 2013, anh Thiệp ra tôi chơi. "Tết đau lưng, hôm nay mới ra khỏi nhà" - anh giải thích. Vẫn là chuyện đời, chấp nhận, bằng lòng, tham sân si...

Tôi chêm thêm vào: Tất cả chuyện ấy em hình dung nó đều có trong nụ cười của Ca Diếp? Anh Thiệp: Không còn tham sân si thì làm gì có cuộc sống. Tôi: chắc cụ Thích Ca biết vậy nên ông ấy cũng chỉ hy vọng đạo Phật làm bớt đi được điều ác.

Anh Thiệp: Cuộc sống là đạo, vô đạo, đạo, vô đạo. Điều nọ trong điều kia, thay nhau luân chuyển. Phải cân bằng được, chỉ có đạo cũng chết mà không đạo cũng chết. Không yêu cũng chết, yêu quá thì nguy khốn. Nguyễn Gia Thiều có câu "Bừng con mắt dậy thấy mình tay không". Nhiều quá không tốt, danh lợi quá mà không biết về "không" là hỏng...

Văn chương của anh đã quá nhiều người bình bàn. Tôi chỉ ghi lại đôi ba lần trò chuyện cùng anh, chắc là trong những câu chuyện ấy, những câu thoại ấy, thấp thoáng anh, cũng tức là văn anh.

Chia tay anh, nhớ anh!

Vị trí khó ai thay thế được

Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình ông tổ chức hôm nay, 24-3, tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội). Lễ viếng nhà văn diễn ra từ 9 giờ 15 phút đến 10 giờ 30 phút; lễ an táng vào lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Sau đó, thi hài nhà văn sẽ được đưa xuống Nhà hóa thân hoàn vũ ở Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được đưa vễ nghĩa trang gia đình ở thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh dự kiến từ 15 giờ 30 phút đến 17 giờ cùng ngày.

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại nhiều thương tiếc với bạn bè, những người yêu văn của ông. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét Nguyễn Huy Thiệp có vị trí khó ai thay thế được trong văn học Việt Nam hiện đại. Sự xuất hiện của ông đã làm dấy lên cuộc tranh luận lớn về cách đọc truyện. Những ý kiến có thể xung đột, đối chọi nhau về cách hiểu một tác phẩm văn học. Chưa có tác phẩm văn học nào buộc người ta phải tranh cãi cách đọc như tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và đó là thành công lớn của nhà văn.

Với nhà văn Trần Thị Trường, Nguyễn Huy Thiệp vừa là một nhà văn có tài nhưng cũng là người cô đơn, dù có nhiều bạn bè. Bà nhận xét ông là người có nhiều tâm sự nhưng lại không dễ chia sẻ, khó khăn trong việc giãi bày. Là người nhiệt tình nhưng bao nhiêu ý tứ đưa hết vào truyện nên ngoài đời ông lại là người ít nói.

Theo nhà thơ Bảo Sinh, người bạn tâm giao của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, văn chương của ông rất thật. Tính ông cũng thật, đối xử với mọi người đều chân thành, không xã giao.

TS Nguyễn Văn Thuấn, Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, cho rằng trên văn đàn hiện nay, hiếm có cây bút nào có thể viết với độ sâu sắc, bút pháp đa dạng, đều tay, tác phẩm tạo sự sục sôi dư luận như Nguyễn Huy Thiệp. Đa dạng về bút pháp, viết với nhiều phong cách, thử nghiệm nhiều đề tài và với đề tài hay phong cách nào, ông cũng đều có tác phẩm xuất sắc.

Yến Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo