Tạo dấu ấn mới cho sự nghiệp dàn dựng của mình, NSƯT Kim Tử Long đã chọn kịch bản của soạn giả Nhị Kiều – Kim Mai để kể về câu chuyện quá quen thuộc là "Tấm Cám".
Trước hết, với thủ pháp dàn dựng tinh tế, đẩy nhanh tiết tấu, tạo không gian đa chiều để khán giả có thể giao lưu với nghệ sĩ, để nghệ sĩ trong các nhân vật có thể tương tác với người xem, vở "Chuyện Tấm Cám" đã làm hài lòng khi số đông khán giả đến xem đều bày tỏ mong muốn được xem lại.
NSƯT Kim Tử Long và NS Huỳnh Trâm trong vở "Chuyện Tấm Cám"
NS Trinh Trinh là một trong những diễn viên gây ấn tượng và được đánh giá cao về diễn xuất trong "Chuyện Tấm Cám". Khác hẳn với những vai diễn trước đây, cô lột xác khi vào vai một nhân vật phản diện. Những lời nói chì chiết cay nghiệt hay cái liếc mắt hậm hực sắc như dao của nhân vật và cách ca diễn pha những mảng hài đã giúp Trinh Trinh thể hiện vai diễn một cách xuất sắc.
NSƯT Kim Tử Long và các diễn viên trong vở "Chuyện Tấm Cám"
Ít ai biết rằng vai Tấm vốn dành sẵn cho NS Thu Vân từ khi NSƯT Kim Tử Long muốn dàn dựng vở cải lương dân gian này. Anh đã chủ động mời Thu Vân tham gia và phong cách ca diễn duyên dáng của cô đã hàm chứa nhiều tầng lớp cảm xúc để khán giả nhớ về một nàng Tấm thật đẹp trên sân khấu cải lương.
"Thu Vân đã đi xa hơn những gì tôi mong đợi, tất cả màn diễn, các cảnh diễn của em đều xuất sắc khiến tôi hết sức hài lòng" – NSƯT Kim Tử Long nhận xét.
Trước khi vở cải lương "Chuyện Tấm Cám" ra mắt khán giả, trên sân khấu và điện ảnh đã có nhiều phiên bản dàn dựng câu chuyện cổ tích này.
Hai vai hoàng tử do NS Điền Trung và NSƯT Kim Tử Long thể hiện đã tạo ấn tượng sâu sắc bởi cách ca vọng cổ trầm ấm của hai nghệ sĩ.
NSƯT Kim Tử Long và NS Thu Vân trong vở "Chuyện Tấm Cám"
NSƯT Phượng Loan – người đóng vai mẹ Cám đã chia sẻ: "Đóng vai ác trên sân khấu cải lương không dễ, vì nếu không biết tiết chế vai diễn dễ rơi vào sự ồn ào. Và nhất là trong vở cải lương hài thì càng khó, làm sao để tiếng cười và sự căm phẫn hòa vào nhau, nếu có bị khán giả ghét thì đó là thành công và niềm hạnh phúc lớn nhất của người diễn viên. Tuy nhiên, qua vở cải lương này, tôi mừng vì bên cạnh tôi và Kim Tử Long có nhiều bạn diễn viên trẻ góp phần làm nên thành công của vở, lôi kéo được khán giả đến rạp".
Cảnh trong vở "Chuyện Tấm Cám"
Có thể nói ngoài phim truyền hình và điện ảnh sân khấu cải lương, kịch nói đã nhiều lần chuyển thể truyện cổ tích nổi tiếng "Tấm Cám". Trong đó phải nhắc đến vở "Tấm Cám" của tác giả Huy Trường, đạo diễn NSND Huỳnh Nga và vở kịch "Tấm Cám" - chương trình "Ngày xửa ngày xưa" của sân khấu IDECAF đã được dàn dựng từ năm 2000. Và hiện nay, phiên bản "Tấm Cám" dành cho khán giả người lớn vẫn là vở diễn đắt khách nhất của sân khấu IDECAF.
"Chính vì đã có quá nhiều phiên bản nghệ thuật thành công từ câu chuyện này, nên khi quyết định dựng vở cải lương "Chuyện Tấm Cám" dưới phiên bản cải lương tuồng cổ, tôi có ý muốn dành các vai chính cho dàn diễn viên trẻ. Bên cạnh đó tôi và các nghệ sĩ đi trước, sẽ yểm trợ các em. Theo mô hình này, sân khấu cải lương xã hội hóa tin chắc sẽ có được sự ủng hộ của người xem, để sàn diễn được sáng đèn" - NSƯT Kim Tử Long nói.
Bình luận (0)