Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội sáng 24-3.
Đoàn Hội nhà văn Việt Nam vào viếng
"Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn, nhưng khi "Những ngọn gió Hua Tát" và những câu chuyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc nổi lên cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi hồn qua cánh rừng đời sống văn chương Việt Nam và nó làm tất cả rung lên.
Video clip nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Từ năm 1975 cho đến lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng thay đổi một cách chuyên sâu thi pháp và tinh thần sắc nét Việt Nam như anh ấy. Và cho đến lúc này, anh ấy vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong lời điếu văn.
Các con của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Các con nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
"Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là trần trụi của một người nhìn thẳng vào sự thật và gọi đúng tên sự thật.
Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.
Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.
Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: Chói sáng, chính xác và đau đớn, Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đến mức không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên" - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ trong tang lễ.
GS Hồ Ngọc Đại viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà thơ Trần Đăng Khoa viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
"Đọc những câu chuyện thiên nhiên của ông, người đọc khi mang theo cảm giác, nhiều kinh sợ bởi họ nhận ra những vùng tối đầy hoang dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được tỉnh thức và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: "Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng".
Đấy là bản tuyên bố của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho đến khi giã từ cuộc sống thế giới mà không hề nao núng, không hề thay đổi cho dù trên con đường ấy quá nhiều gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ" - điếu văn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
GS Hồ Ngọc Đại và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và nhà văn Đỗ Chu
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn tại tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà báo Xuân Ba
Nhà văn Bảo Ninh
Tiến sĩ Đoàn Hương
"Trong cuộc sống của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kỵ, mọi khiêu khích, thậm chí cả những khiêu khích trong lúc này và cả những đe doạ.
Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với kiểu dáng như cố gắng thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ chỗ đó, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó, để cuối cùng được yêu thương nó.
Chúng ta nói về ông lúc này khi ông không còn ở chốn trần gian không phải đề cao tôn vinh hay ca ngợi ông, bởi ở nơi vĩnh viễn kia không bao giờ xuất hiện khái niệm tôn vinh hay ca ngợi. Bởi chỉ những văn bản mà ông làm ra mới có thể chứng minh ông, bảo vệ ông giữa muôn vàn náo loạn.
Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang
trên những ngọn núi, những cánh rừng Hua Tát
Cùng tiếng rì rào, không có gì đáng tiếc của những dòng sông
Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn lại được.
Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn
Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp
Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh
Trong dội vang tiếng sấm dọc chân trời
Lúc này trong những ngôi nhà nhỏ và mờ tối, những nhân vật của ông
Đang thắp những ngọn nến và cất lời cầu nguyện
Ông đã từng bước vào những ngôi nhà trong đêm đầy gió
Với đau khổ, yêu thương đến bầm nát mình.
Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sĩ
Cùng gươm báu, ngôn từ hắt sáng ban mai
Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất
Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra"- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trong sổ tang: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là cây bút văn xuôi tài năng, có đóng góp quan trọng cho văn đàn Việt Nam thời đổi mới. Ông ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhiều nhà văn và bạn đọc. Mong ông an nghỉ".
"Biết ơn anh - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Người đã tạo được cú hích lớn cho văn chương Việt Nam 10 năm cuối thế kỷ 20 và dài nữa về sau" - nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên viết.
"Cầu mong nhà văn siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. Những gì nhà văn để lại đời là vĩnh cửu" - đạo diễn Đặng Nhật Minh ghi trong sổ tang
"Bác Thiệp mất đi, nỗi đau đớn tột cùng cho nền văn học, giới văn học nước nhà" - nhà văn Bảo Ninh chia buồn.
Bình luận (0)