Giáo sư - viện sĩ Ngô Xuân Bính từng chữa cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Ông cũng là một giáo sư, được phong viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu vào năm 2011.
Tuy nổi tiếng trong võ thuật và y học dân tộc, nhưng GS Ngô Xuân Bính rất đam mê hội hoạ
Tuy nổi tiếng trong võ thuật và y học dân tộc, nhưng giáo sư Ngô Xuân Bính vốn được đào tạo bài bản về hội họa. Trong con người mạnh mẽ của võ sư Ngô Xuân Bính luôn có một tâm hồn bay bổng khi miệt mài sáng tạo với màu sắc, hình khối hội họa. Ông vẽ rất nhiều tranh, cũng như sáng tác hàng trăm bài thơ, truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ phổ nhạc như "Chợ quê", "Hà Nội trong tôi", "Thả thuyền bến mơ", "Huế một lần gặp", "Tháp Chàm", "Nỗi nhớ quê"...
Năm 2015, ông có đêm nhạc riêng tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương, Lê Anh Dũng...
Giáo sư Ngô Xuân Bính tâm sự, niềm đam mê bất tận của ông, chính là hội hoạ. Ngay từ bé, từ những viên than, que củi, ông đã vẽ tất cả những gì quen thuộc xung quanh mình, từ con trâu, con mèo, căn nhà, hoa lá... Theo học Đại học Mỹ thuật Hà Nội, giáo sư Ngô Xuân Bính từng là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Ông tâm sự hội họa giúp ông thể hiện được nội tâm, nói ra được những điều sâu lắng bên trong. Và với ông, vẽ tranh là một sự may mắn, bởi vì ông yêu hội hoạ, và yêu đến tận cùng.
Giáo sư Ngô Xuân Bính tâm sự hội họa giúp ông thể hiện được nội tâm
Theo đuổi chất liệu sơn mài, giáo sư Ngô Xuân Bính chia sẻ sơn mài là một chất liệu truyền thống, nhưng luôn cần sự cải tiến, nghiên cứu, sáng tạo. Và vì thế, ông tiếp thu giá trị truyền thống, song cũng đã mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào... tạo thành lối vẽ "dương".
Sự kết hợp hai lối vẽ "âm", "dương" trên mặt tranh tạo nên những hiệu ứng tương hỗ, khiến lối vẽ "âm" thêm lung linh, bí ẩn những lớp màu với chiều sâu ẩn hiện và cách vẽ "dương" thêm mạnh mẽ, tươi sáng, màu sắc như được dồn nén, tạo sự hài hòa mới cho sơn mài. Giáo sư Ngô Xuân Bính đã từng có 2 triển lãm tranh ở Minsk (Belarus), 3 triển lãm ở Moscow (Nga) và nhận được nhiều lời khen ngợi của giới yêu thích hội hoạ.
Triển lãm "Niệm" của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính cùng những người bạn là Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và nghệ nhân Đào Trọng Cường sẽ chính thức khai mạc vào 30-5 tại Bảo tàng Hà Nội. Giáo sư Ngô Xuân Bính luôn ám ảnh về đạo đời, nhân sinh quan và ông giải quyết ám ảnh đó bằng cách đưa vào tác phẩm. Mọi lo toan về danh tiếng lợi lộc không có trong tác phẩm của ông. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Quân chia sẻ "Niệm" chính là một khúc quanh mới quan trọng trên đường - đạo sáng tạo của Ngô Xuân Bính. Triển lãm lần này là được Nguyễn Quân coi như một thách thức nghệ thuật đáng nể, là một cống hiến và là thành tựu đáng khám phá và trân trọng của Ngô Xuân Bính.
Bình luận (0)