Sự sáng tạo trong những tác phẩm mỹ thuật đương đại của nhiều họa sĩ trẻ Việt đã làm nên dấu ấn đẹp trong cảm nhận của người xem qua những triển lãm mỹ thuật gần đây.
Ngỡ ngàng, cảm phục
Triển lãm "Dưới trăng mây hồng" vừa diễn ra của họa sĩ Hà Hùng là một minh chứng. Điểm nổi bật của triển lãm này chính là tinh thần vô ngại và tự tại ẩn chứa trong sự hồn nhiên và trong sáng của từng nét vẽ, trong mỗi bức tranh. "Trong vô tình đơm bông/ Trái chín là hư không/ Rơi trong vườn tuyệt mệnh/ Buổi sáng thấy mây hồng" - thơ Hà Hùng, cũng chính là tinh thần chung của những bức tranh được trưng bày trong triển lãm của anh, đậm chất thiền. Theo họa sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, khó có ai vẽ giống như thế này, những bức họa thuộc "Trường phái tự nhiên - Naturalism style". Tranh Hà Hùng giống tranh của Marc Chagall - danh họa của những ước mơ. Sự khác nhau giữa họ chính là tranh của Marc có sắc độ mô tả những ước mơ của ký ức thời thơ ấu.
Những tác phẩm tranh sơn mài trên toan của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng Ảnh: LÝ ĐỢI
Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn cho rằng: "Xem tranh Hà Hùng cảm giác sự vướng lụy, cõi trần thấm nhuần tâm tánh. Sự rực rỡ vẫn còn ủ ê cõi đời. Một cái đẹp đầy chánh kiến, nỗi buồn như ngọn lửa mùa cháy trong tro tàn. Cái hoang dã tạo bởi gam màu nguyên bản hồn nhiên ca".
Giống như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trần Kiến Quốc, Nguyễn Như Huy, Song Phạm..., Hà Hùng cũng gắn bó với văn học lâu dài, đã có những bài thơ, truyện và tiểu thuyết rất có nét. Vậy nên trong những tác phẩm hội họa của họ đều chứa đựng những ẩn ý với nhiều ý tưởng lạ, huyền ảo. Tranh của Hà Hùng dễ thu hút các nhà sưu tập thích các tác phẩm có năng lượng tích cực.
Triển lãm mới đây của họa sĩ trẻ Nguyễn Công Hoài (sinh năm 1984) gây ám ảnh người xem. Chủ đề về gia đình, người thân của Nguyễn Công Hoài chưa bao giờ được mô tả theo cách lãng mạn thường thấy mà mang sự truy vấn đầy khắc khoải. Một ý kiến trong giới chuyên môn nhận định: "Xem chân dung của Hoài như xem những hồ sơ về các trạng huống tâm lý của nhân vật. Qua niềm thương khó trong ánh mắt của họ, ta có thể hình dung một phần về ngoại giới, về hiện trạng xã hội, nơi họ đang sống". Dù về khía cạnh thị trường, chọn cách vẽ này là chọn khung cửa rất hẹp để bước qua, vì những nơi yêu thích dòng tranh này khá ít nhưng Nguyễn Công Hoài khiến không ít đồng nghiệp cảm phục bởi những tạo tác tuyệt vời trong từng nét vẽ gây ám ảnh của mình. Hoài có bản năng tự do, tình yêu và sự vô tư với việc vẽ, đó chính là ưu thế tạo nên những tác phẩm mang nhiều ý nghĩa dấn thân của tác giả trong mỹ thuật.
Sáng tạo lạ lẫm
Dù theo nhóm những họa sĩ tuân thủ truyền thống nhưng họa sĩ sơn mài Nguyễn Phan Nam An không ca ngợi đồng quê, hương xưa Bắc Bộ như thường thấy trên tranh sơn mài Việt. Thay vào đó, anh khắc họa đô thị với kỹ nghệ, xe cộ và sự chộn rộn của nó. Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng lại gây ấn tượng khi làm tranh sơn mài trên toan. Giới chuyên môn nhận định sơn mài trên toan là một kỹ thuật lạ, hiếm họa sĩ thực hành. Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết cách đây 5 năm, anh thử nghiệm một chất liệu mới cho mình: sơn mài trên toan. "Tôi tìm đến nó như tìm đến một vùng đất khác về chất liệu và vật liệu nên bức tranh đầu tiên cho loạt tranh này có tên "Vùng đất khác" - Nguyễn Thế Hùng tâm sự. Triển lãm cá nhân mang tên "Another land" (Vùng đất khác) của Nguyễn Thế Hùng diễn ra tại Salomon Arts Gallery (New York - Mỹ), kéo dài từ ngày 3 đến 24-4, thu hút sự chú ý của công chúng mỹ thuật nơi đây.
Một triển lãm có cái tên khác lạ "#Vietnamme 01" mới đây của tác giả trẻ Khoachim cũng gây nhiều sự chú ý. Hơn 25 tác phẩm trong triển lãm đều là những câu chuyện thú vị về các yếu tố Việt Nam giao hòa cùng bối cảnh đương đại, được thể hiện hoàn toàn mới mẻ. Đây cũng là một trong những triển lãm nghệ thuật đầu tiên ứng dụng mã vạch (QR code) để công chúng hiểu thêm về nội dung các tác phẩm.
Không lựa chọn cách khai thác các yếu tố Việt Nam/ truyền thống theo lối mòn, các tác phẩm trong "#Vietnamme 01" được truyền tải theo quan điểm: "Văn hóa Việt Nam/truyền thống phải sống được trong bối cảnh hiện đại, tiếp nhận cảm hứng toàn cầu nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc nội tại". Nói cách khác, các tác phẩm trong triển lãm chính là sự giao hòa giữa những yếu tố Việt Nam với các không gian hình ảnh mới mẻ và hiện đại. Từ đó, sự thú vị được hình thành từ sự kết hợp mới lạ, giúp gợi nhớ cho người xem về những bánh trái, vật dụng đời thường của Việt Nam, ở một tâm thế trân trọng hơn.
Đây chính là nền tảng để mọi người tin rằng những người trẻ đang làm giàu mảnh đất mỹ thuật Việt bằng tư duy, cách nghĩ và sự sáng tạo đầy khác biệt của họ.
Tạo không gian nghệ thuật cho họa sĩ trẻ
Qua 4 lần tổ chức, Hội Mỹ thuật TP HCM tiếp tục tổ chức cuộc thi Biennale Mỹ thuật Trẻ lần V-2019. Đây là cuộc hội ngộ các tài năng trẻ của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Với thông điệp" Tinh thần mới", ban tổ chức và các nghệ sĩ cùng hướng đến diễn đàn mỹ thuật trẻ độc lập, giàu sức sáng tạo. Một không gian nghệ thuật cho các nghệ sĩ trẻ có điều kiện vượt qua bản thân để trình bày ý tưởng và phong cách tạo hình đương đại...
Bình luận (0)