Ở Nam Bộ, nhân vật chơi cổ ngoạn bài bản và có tên tuổi phải kể đến học giả Vương Hồng Sển. Gần 900 cổ vật được ông hiến tặng cho nhà nước đã nói lên lửa đam mê của cả một đời người.
Mê cổ vật hơn người đẹp
Ai cũng biết Vương Hồng Sển viết sách về thú chơi này nhưng chuyện ông khoái đồ cổ hơn… người đẹp thì chưa chắc nhiều người nghe.
Trong "Khảo về đồ sứ men lam" (Huế), chính Vương Hồng Sển tiết lộ: "Việc đầu tiên của tôi là tìm mua một cặp chóe cho hơn đời. Tôi để ý nhiều, khi đổi lại làm việc ở Tòa Bố Sa Đéc từ năm 1928, là 4 cặp chóe… Dò dẫm suốt mấy năm trường nhưng không có chỗ nào ưng ý, cũng vì tánh khó ưa kén cá chọn canh. Bỗng đầu năm 1934, chợ Sa Đéc mọc lên một đề-bô bán thuốc Tây từ Vĩnh Long dọn về ở gần đầu cầu Cái Sơn, phố ông Hội đồng Thạnh. Người đứng bán tuy chưa phải hoa khôi nhưng chưa chồng và duyên dáng".
Cứ tưởng rồi ông sẽ say nắng người đẹp này, ai ngờ Vương Hồng Sển… thấy trong phòng có chưng một cặp chóe sơn thủy mà theo ông "chưa gặp cặp nào hạp nhãn bằng", nên hoa khôi kia bỗng trở thành thứ yếu. Cho đến ngày 24-1-1934, ông Sển mới lấy cặp chóe chỉ tốn 250 đồng, rẻ hơn được 50 đồng, khiến cho học giả mừng hết lớn.
Trắng tay cũng vì cổ ngoạn
Ở xứ Quảng năm 2003, câu chuyện vợ chồng đại gia Mười Thương vướng vào vòng lao lý gây chấn động dư luận.
Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Mười và vợ tìm mua những món đồ người dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) đi đánh cá bắt gặp được bán lại với mục đích để mở bảo tàng tư nhân tại Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Thương vẫn nhớ như in sự việc này: "Hồi đó, mới 22 tuổi tôi đã đam mê cổ vật. Lúc đầu là kiếm ngọc về cho mấy nghệ nhân chế tác, rồi bỏ cho người buôn ở mấy tiệm vàng tại Đà Nẵng kiếm lời. Dần dần thấy lợi nhuận cao, ngọc mỗi ngày càng có giá, tôi sưu tập để dành. Tôi cũng là người đầu tiên tại miền Trung được cấp chứng chỉ để có thể mở bảo tàng tư nhân. Có lần, ông Nguyễn Bá Thanh (lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - NV) còn gọi điện bảo tôi "mở kho" cổ vật đón tiếp các lãnh đạo của địa phương và bộ ngoài Hà Nội vào kiểm tra, xúc tiến công việc thành lập bảo tàng này khiến gia đình rất vui".
Rồi bà tiếp: "Cho đến một ngày, chị bán đồ xoong nồi trôi nổi gần nhà thấy ngư dân Duy Vinh mang về nhà cái mấy đĩa cũ vướng ở lưới đánh cá làm máng cho… heo ăn. Chị ấy tiếc quá nên mới chạy tới hỏi tôi mua được giá bao nhiêu. Xem xét kỹ biết đây là đĩa Chu Đậu, tôi thu mua ban đầu giá 2 chỉ vàng. Sau này biết có giá nên họ đòi lên 5 chỉ, rồi cả lượng vàng 1 đĩa. Sợ "chảy máu" cổ vật, tôi mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư cho anh em mượn sửa chữa phương tiện, đi ngang khu tàu mắc nạn có đồ cổ mang về cho tôi mua. Ai ngờ, cũng vì quá nhiệt tình mà chồng tôi bị "pháp luật hỏi thăm", gia đình phải vất vả 12 năm đi kiện, từ chỗ đang ăn nên làm ra đến trắng tay mới được trả lại các hiện vật bị tịch thu, chủ yếu là đồ gốm sứ gồm bát, đĩa, bình rượu… khai quật được từ các tàu đắm vào thế kỷ XV".
Gầy dựng lại cơ nghiệp
Buồn, nản, vợ chồng cùng con cái dắt díu vào TP HCM, bà Ngô Thị Thương thuê ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Bình làm nghề bán yến để kiếm tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho con gái.
Cũng may, trong lúc khó khăn, dân chơi cổ ngoạn thương tình giúp đỡ cho mượn tiền mặt hoặc cầm cố số cổ vật còn lại, vợ chồng bà Mười Thương đưa con gái sang Thái Lan ghép tủy. Ca phẫu thuật thành công, cô con gái thập tử nhất sinh gầy khô đét tự dưng khỏe mạnh, có chồng, sinh con, hai ông bà mừng quá đứng dậy gầy dựng lại nghề. Năm 2014, bà Mười lên mạng Facebook thử mua bán cổ vật. Mỗi lần livestream có tới hơn 12.000 lượt người xem. Nhờ vậy mà thương hiệu cổ vật Mười Thương trỗi dậy mạnh mẽ.
Bà đi chuộc lại bộ bát đỉnh trầm hương bằng ngọc cầm cố ở nhà người quen, mua được bộ chung trà thời nhà Minh, cùng với bộ sưu tập hơn 100 pho tượng Phật cổ quý hiếm của Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar mang đậm nét văn hóa Phật giáo đa quốc gia. Toàn bộ số tượng Phật do các nghệ nhân trên thế giới chế tác kỳ công trên nhiều vật liệu khác nhau như: hổ phách, đồng, gốm sứ, gỗ, bạch ngọc, san hô mà ông bà cất công sưu tầm trên 30 năm, được mang ra triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, trong đó chỉ riêng 1 tượng Bổn Sư bằng đồng được chế tác vào đời nhà Trần Việt Nam ở thế kỷ XIII-XIV có giá hơn 10 tỉ đồng… gây bất ngờ cho người xem.
Gỡ vướng cho nhà sưu tập
Theo ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch Hội Cổ vật TP HCM: "Sau 10 năm thành lập, hiện Hội Cổ vật TP HCM có 85 hội viên. Mỗi lần gặp, chúng tôi đều đưa các cổ vật mới sưu tầm ra trưng bày để anh chị em thưởng ngoạn, đồng thời trao đổi, giới thiệu cho nhau những cổ vật quý vừa phát hiện. Hội cũng tổ chức thành công 2 cuộc triển lãm và tham gia đóng góp hiện vật trong hàng chục cuộc triển lãm của các bảo tàng trong TP và tỉnh bạn, cung tiến một kiệu rồng, ủng hộ kinh phí tu sửa nội thất cho đền thờ Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên".
Tại TP HCM xuất hiện nhiều tên tuổi nhà sưu tập với nhiều loại độc, hiếm: Linh mục Nguyễn Hữu Triết với bộ sưu tập 1.500 đèn dầu cổ của nhiều nước và những bản Kiều (gần 200 đầu sách) in bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Hàn, Romania, Đức, cùng 3 bản cổ Lục Vân Tiên in vào các năm 1864, 1867, 1883, 1885. Nhà sưu tập Nguyễn Chí Hiếu với các bộ lu gốm triều Nguyễn đặt làm tại Pháp, chum sứ có nắp đời Thanh Trung Quốc, đĩa gốm Chu Đậu đời Lê, đôn nhỏ Khải Định Tân Dậu niên tạo hoa điểu lục phương Đông. Nhà sưu tập Đức Móp với bộ gốm Chu Đậu Việt Nam đời Lê, Trương Việt Anh với bộ sưu tập gốm Việt, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tuyền với đồ sứ Lê Trịnh ký kiểu đời Thanh Trung Quốc. Ngoài bộ sưu tập công cụ đá thời kỳ đồ đá mới, bộ tượng đá Chămpa, ông Nguyễn Văn Phẩm còn sở hữu bộ sưu tập vũ khí gồm 200 chiếc qua bằng đồng…
Tuy lực lượng phát triển khá hùng hậu nhưng còn nhiều bất cập trong quản lý đã khiến cho cổ ngoạn chưa tương xứng với tiềm năng.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP HCM, đề nghị cần xem cổ vật như là một tài sản đặc biệt, được luật pháp công nhận và bảo hộ trong một thị trường công khai, minh bạch. Ông đề xuất tổ chức các sàn bán đấu giá công khai tại TP HCM những cổ vật, di vật Việt Nam để làm phong phú cho kho báu cổ vật nước nhà.
Còn ông Nguyễn Văn Quỳnh kiến nghị: "Đối với các bảo vật quốc gia, cổ vật độc bản có giá trị lớn thì nhà nước mới nên cấm để tài sản không bị chảy máu, còn những cổ vật bình thường thì nên cho mua bán, trao đổi ra nước ngoài. Cần giúp cho thú chơi tao nhã này bớt đi những ràng buộc không đáng có. Nhà nước tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý thì cổ ngoạn Việt Nam mới có cơ hội vươn xa hơn và hội nhập với thế giới".
Bình luận (0)