Được nhiều lời khen ở giai đoạn đầu nhưng gần đây, các phim: "Cây táo nở hoa", "Hãy nói lời yêu", "Thương con cá rô đồng"…, lại gây tranh cãi. Nhiều khán giả cho rằng một số nhân vật, tình tiết bi kịch được các nhà làm phim cố tình đẩy cao trào nhằm tạo các nút thắt mở thu hút người xem nhưng lại cường điệu dẫn đến vô lý.
Phim truyền hình "Cây táo nở hoa" do Võ Thạch Thảo làm đạo diễn, Việt hóa từ tác phẩm "What’s wrong Poong Sang" của Hàn Quốc. Ở giai đoạn đầu, phim nhận được nhiều lời khen với cách Việt hóa tốt tạo được sự gần gũi thông qua câu chuyện gia đình đặt nặng tình thân giữa anh em, vợ chồng. Tuy nhiên, phim này bị đánh giá đang đi xuống về mặt chất lượng nội dung khi nhân vật trong phim lần lượt gây tranh cãi về cách ứng xử, bi kịch dồn dập khiến không khí phim u ám, từ đó làm khán giả càng xem càng mệt mỏi.
Trong đó, nhân vật người anh cả Ngọc (Thái Hòa đóng) bị chê thiếu thực tế khi bảo bọc các em mình một cách mù quáng đến vô lý. Sự xuất hiện của nhân vật bà Ích (Mỹ Duyên đóng) - mẹ của năm anh em nhà Ngọc, bị xem là đỉnh cao vô lý trong mắt khán giả. Bà Ích bỏ các con không chăm sóc từ lúc nhỏ nhưng khi quay lại thì thể hiện rõ sự vô trách nhiệm khi chỉ tìm cách bòn tiền từ Ngọc. Không chỉ vậy, bà lấy hết tiền mừng cưới của con gái Châu (Thúy Ngân đóng), đẩy Ngà - con trai vào đầu ôtô đang chạy trên đường để mong kiếm tiền bồi thường…
Sự xuất hiện của nhân vật bà Ích (thứ 2 từ phải sang) trong phim “Cây táo nở hoa” bị xem là đỉnh cao vô lý trong mắt khán giả. Ảnh: NHÀ SẢN XUẤT CUNG CẤP
Trong phim "Thương con cá rô đồng" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, nhân vật dì Tư Diệu do NSƯT Hạnh Thúy thể hiện cũng gây tranh cãi vì lối hành xử độc ác, đánh đập các cháu một cách thái quá nhằm tăng thêm tình tiết bi kịch cho phim, đẩy mạnh các cao trào. Phim "Hãy nói lời yêu" của đạo diễn Bùi Quốc Việt vừa qua cũng bị chê tình tiết nhân vật Minh (Quang Anh đóng) trong phim tự tử vì không chịu được áp lực chuyện học hành từ mẹ.
Trước những chỉ trích nói trên, đạo diễn Võ Thạch Thảo cho biết: "Những phân đoạn kịch tính, cao trào như trong thời điểm này là để tạo nên những nút thắt lớn cho mỗi nhân vật và rồi từng nhân vật sẽ tìm ra cách giải quyết nút thắt của chính mình". Việc phim giải quyết những nút thắt thế nào và sẽ điều phối tình tiết ra sao để chinh phục khán giả phải xem diễn biến tiếp theo mới biết. Tuy nhiên, người trong giới nhận định tình trạng cường điệu hóa bi kịch trong phim Việt là dấu hiệu của việc tham lam tình tiết, cố đẩy cao trào.
"Trong phim truyền hình, những yếu tố vui, buồn, hờn, giận, những tình tiết khóc, cười là bình thường. Tuy nhiên, các chất liệu này được sử dụng ở mức vừa phải, đủ khiến khán giả xúc động đồng tình và không biến nhân vật thành bi lụy, ủy mị, thiếu thực tế. Những tình tiết bi kịch được tạo nên một cách quá lố dễ khiến người xem thấy gượng ép, giả tạo, không còn hứng thú theo dõi tiếp" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Đồng tình quan điểm này, biên kịch Thanh Hương cho biết: "Một số biên kịch lúc sáng tác rơi vào tình trạng không giữ được "vô-lăng" dẫn đến bị rối loạn mạch phim và tạo nên tình tiết vô lý. Trong tình huống này, giải pháp hữu hiệu vẫn là cố gắng tìm lại sự cân bằng, vừa phải, không tham lam tình tiết, giải quyết các nút thắt mở bằng sự hợp lý để chinh phục khán giả".
Bình luận (0)