Nhiều năm qua, việc đãi ngộ nghệ nhân tồn tại không ít bất cập. Trước đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021, vấn đề này tiếp tục được gióng lên hồi chuông, mà nói như NNND Lê Thanh Tùng (đờn ca tài tử Nam Bộ) thì "nếu không làm ngay sẽ tổn thất rất lớn".
Nghệ nhân vật vã mưu sinh
Trên thực tế, sau khi được trao tặng danh hiệu, các NNND, NNƯT vẫn chưa được hưởng sự đãi ngộ hợp lý.
NNND Lê Thanh Tùng bày tỏ: "Đã đến 3 đợt trao tặng danh hiệu, nghệ nhân cả nước vui mừng nhưng vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo chung. Rồi ai sẽ kế thừa khi chúng tôi mất đi? Không có chế độ trọng dụng người tài là điều đáng tiếc". Ông dẫn chứng Hàn Quốc là quốc gia có chế độ đãi ngộ rất rõ. Hễ được xét bậc nghệ nhân thì nhà nước xây nhà để họ làm công việc đào tạo. Học trò được cấp học bổng, nhạc cụ miễn phí, được tạo mọi điều kiện để học.
Nghệ nhân Đắc Mưng truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho trẻ em ở Kon Tum. Ảnh: THÀNH DANH
Không muốn nhận bằng vinh danh rồi để đó nhìn, hầu hết nghệ nhân đều cho rằng cần có ngay những chính sách nhằm chung tay gìn giữ và phát huy, không để nghề bị mai một do thất truyền.
Nghệ nhân múa bóng rỗi Lý Thị Năm (Sóc Trăng) thổ lộ: "Tôi không mong danh hiệu, chỉ cần có lương tháng, đủ tiền mua gạo ăn để có sức mà truyền nghề". Bà cho rằng múa bóng rỗi nhiều năm qua bị "ngược đãi", chính sách cho nghệ nhân không có, con cháu không theo nghề vì thấy đói kém.
Thực tế, số lượng nghệ nhân được vinh danh trên khắp cả nước hiện đã lên đến hàng ngàn. Ngoài số tiền thưởng 10 triệu đồng kèm theo danh hiệu cho mỗi NNƯT, 12 triệu đồng cho mỗi NNND, phần lớn nghệ nhân không nhận được thêm sự trợ giúp nào khác từ nhà nước và cộng đồng.
Theo NNND Tấn Nhì (TP HCM), 19 năm qua, từ khi có đợt phong danh hiệu đầu tiên (năm 2001) đến nay, việc đãi ngộ, giúp đỡ, bảo đảm cho nghệ nhân một đời sống tốt hơn để phát huy nội lực văn hóa chưa được làm tốt. "Phần lớn chúng tôi vẫn sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không có môi trường hoạt động để truyền nghề. Một số nghệ nhân vẫn phải vật vã trên đường mưu sinh" - NNND Tấn Nhì cho biết.
Khó có thể truyền nghề
Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ NNƯT, NNND có hoàn cảnh khó khăn thực hiện từ năm 2016 đến nay là một "điểm sáng" trong việc chăm sóc người có công lưu truyền các giá trị văn hóa. Theo đó, có 3 mức hỗ trợ là 1 triệu đồng, 850.000 đồng và 700.000 đồng cho mỗi nghệ nhân hằng tháng.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ước tính khoảng gần 600 nghệ nhân được hưởng trợ cấp khó khăn theo tinh thần của nghị định này. Thực tế, đã có hàng ngàn nghệ nhân được phong danh hiệu. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều nghệ nhân được tặng danh hiệu đang phải sống trong cảnh già yếu, không có trợ cấp, không được bảo đảm cuộc sống tốt để có thể truyền nghề.
GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho hay phần lớn nghệ nhân giỏi trên cả nước đều là những người nghèo, tuổi cao, sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Chính sách của nhà nước không dễ đến được với họ, nhất là phải trải qua những thủ tục hành chính bắt buộc ở địa phương. Có những nơi, lãnh đạo cũng không nắm được chủ trương này dành cho nghệ nhân. Do đó, nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được trợ cấp.
GS-TS Ngô Đức Thịnh, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, từng kể về trường hợp nghệ nhân Điểu Klung. Ông là một người có đóng góp rất lớn vào dự án nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên. Song, ông vẫn sống nghèo khó, tạm bợ trong ngôi nhà mà tài sản là hàng trăm cuốn băng đĩa, bản thu âm cũng như các cuốn sách ghi chép lại sử thi truyền miệng của người M’Nông, không có khoản trợ cấp nào.
NNƯT Minh Đức - nghệ nhân của nghệ thuật hát bài chòi - hiện nay phải đi bán vé số, mua ve chai hằng ngày để kiếm sống. Nghệ nhân Phạm Ngọc Thức, cũng của bộ môn nghệ thuật hát bài chòi, đã 75 tuổi nhưng vẫn phải bám biển mưu sinh. Các nghệ nhân Nguyễn Thị Lý, Đặng Thị Hới (nghệ thuật tuồng) ngày nay vẫn bám đồng ruộng để nuôi sống bản thân.
Theo NNND Lê Thanh Tùng, phải có không gian cho nghệ nhân thực hành việc trao truyền nghề. "Nhà nước chưa có một chiến lược lâu dài cho vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống thông qua các nghệ nhân. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay không phải là bao nhiêu nghệ nhân được trao bằng vinh danh, được trợ cấp tiền hằng tháng mà quan trọng hơn là sau khi được phong tặng danh hiệu, chúng tôi sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao? Thực tế, chính sách của nhà nước trong vấn đề này những năm qua chưa tác động nhiều đến các nghệ nhân, những người nắm giữ tinh thần của di sản" - NNND Lê Thanh Tùng ưu tư.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng việc vinh danh nghệ nhân thể hiện sự trọng thị của cộng đồng đối với những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của vùng miền, của dân tộc. "Tuy nhiên, điều đó sẽ ý nghĩa khi các nghệ nhân sau khi được vinh danh có đời sống tốt, được tạo điều kiện để tiếp tục toàn tâm toàn ý với công việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân gian" - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM bày tỏ.
Cần giải pháp hữu hiệu
Theo NSND Trần Minh Ngọc, nếu nghệ nhân được hưởng trợ cấp với số tiền chỉ vài trăm ngàn đồng hằng tháng cũng không giúp họ cải thiện được cuộc sống vốn đang rất khó khăn.
"Nhằm bảo đảm đời sống và khai thác, phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nghệ nhân, ngay tại TP HCM, cần phát huy được các nguồn lực xã hội để tạo môi trường hoạt động cho họ. Thời kỳ đầu, khi mới có chủ trương phong danh hiệu nghệ nhân, GS Tô Ngọc Thanh đã kết nối được với Quỹ Ford cùng hỗ trợ các nghệ nhân bằng cách mở lớp học truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ, giúp họ vừa có thêm thu nhập vừa được cống hiến kinh nghiệm cho cộng đồng. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này không được lâu. TP HCM có thể kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để tạo điều kiện cho các nghệ nhân được lao động và truyền nghề" - NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, phải quan tâm đến gốc chứ đừng quan tâm ngọn. Tiền trợ cấp hằng tháng như hiện nay thực ra chỉ giúp đỡ được phần nào cuộc sống khó khăn của họ; chưa kể nếu làm không triệt để, thiếu tầm bao quát sẽ dẫn đến thiếu sự công bằng.
"Khi đã xem các nghệ nhân dân gian là những hạt nhân cốt lõi của văn hóa truyền thống, nhà nước cần tạo điều kiện để lan tỏa các giá trị cao đẹp đó vào cộng đồng bằng cách đem đến cho họ môi trường thuận lợi để họ đóng góp vào đời sống, trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Kể cả thế hệ trẻ chịu đi học, chịu tiếp thu cũng cần có chính sách động viên" - NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận.
Bình luận (0)