"Đêm vô thức bản địa" ra mắt vào năm 2017 với một số đêm diễn, gây ấn tượng đối với những khán giả may mắn thưởng thức trực tiếp ở nhà hát. Mới đây, chương trình này tiếp tục chiếm trọn trái tim người yêu nhạc khi được phát sóng lại trên sóng truyền hình. Hỏi những người tổ chức vì sao không thấy dự án tiếp tục thì nhận được câu trả lời dự án vẫn đang tiến hành chưa có gì để nói.
Ấn tượng khó phai
Là dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam đầu tiên có quy mô sánh ngang dàn nhạc giao hưởng Tây phương, dàn nhạc Seaphony độc đáo và khác biệt hoàn toàn với các dàn nhạc trong nước và quốc tế trước nay với thanh âm nguyên sơ từ các nhạc khí bản địa được sử dụng thay vì nhạc cụ phổ biến. Không ngoa khi nói rằng "Đêm vô thức bản địa" là một trải nghiệm độc đáo chưa từng có trước nay với sự trình diễn của hơn 50 nghệ nhân, nhạc công của các dân tộc anh em đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Những thanh âm đầy mê hoặc của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống baranưng, trống gineng… hòa quyện cùng những làn điệu dân ca đầy cảm xúc đã hớp hồn người nghe.
Để xây dựng dàn nhạc Seaphony, trong năm 2017, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cùng các nhạc sĩ tâm huyết của dự án S.E.A Sound đi đến các bản làng miền núi phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang), các buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, tập hợp nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, H’mông, Lào, M’nông, Ê Đê, Jarai,... Tiếp đó là hành trình lao động sáng tạo và tập luyện miệt mài của tập thể các nhạc sĩ, nghệ nhân, nhạc công tham gia trong nhiều tháng ròng. Kết quả, dàn nhạc Seaphony ra mắt bằng một không gian âm nhạc hùng vĩ nên thơ, độc nhất vô nhị trong các buổi diễn "Đêm vô thức bản địa".
Cảnh biểu diễn “Đêm vô thức bản địa” tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 12-12-2017Ảnh: Lương Trường
"Đêm vô thức bản địa" nằm trong dự án S.E.A Sound do nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý sáng lập, nhằm xây dựng cộng đồng thưởng thức, biểu diễn, sáng tác và phát triển âm nhạc bản địa các nước Đông Nam Á. Trước khi diễn ra "Đêm vô thức bản địa", các buổi diễn "Đêm vô thức Tây Bắc", "Đêm vô thức Tây Nguyên", "Đêm vô thức Chăm",… đều diễn ra trước đó. Có thể nói, "Đêm vô thức bản địa" với các chủ đề, gồm: "Tĩnh", "Thanh", "Chuyển", "Ứng", "Thoại", "Động", "Biến", "Vũ", "Bỗng", "Sắc"... chính là một bản hòa ca trọn vẹn và tinh túy nhất của những đêm diễn giới thiệu khí nhạc tiêu biểu của từng vùng miền. Các loại nhạc khí trong chương trình được làm từ chất liệu dân gian tạo những bản hòa tấu mộc mạc, gần gũi. Bên cạnh phần hòa tấu của các nhạc khí, trên sân khấu, nghệ nhân 3 miền ngẫu hứng giao tiếp qua tiếng hát. "Đêm vô thức bản địa" tạo ra sự kết nối các tộc người, vùng miền, văn hóa khác nhau.
Thừa nhân lực, trí lực nhưng thiếu tài lực
Cùng chung tay xây dựng nên "Đêm vô thức bản địa", nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến bảo rằng dàn nhạc Seaphony (tái thiết từ tên của dự án âm nhạc S.E.A Sound) được thành lập mang ý nghĩa kết nối văn hóa vùng miền và đặc biệt hướng thế hệ trẻ tìm hiểu về giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc. Đó là lý do không gian âm nhạc của "Đêm vô thức bản địa" được cố ý xây dựng từ không gian văn hóa sử thi. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý cho biết nhóm của anh làm việc với nghệ nhân 3 miền chỉ có một năm. Buổi công diễn giống như sự thử nghiệm, sau đó dàn nhạc tiếp tục quá trình hoàn thiện. Điều đó khiến cho nhiều người thấy tiếc và mong ngóng ngày "Đêm vô thức bản địa" chính thức có lịch diễn phục vụ khán giả trong nước lẫn quốc tế.
Giới chuyên môn khẳng định so với một dàn nhạc Tây phương, một dàn nhạc dân tộc thuần nhạc cụ Việt Nam đủ sức để thay thế với một biên chế dàn nhạc đầy đủ từ bộ hơi, bộ gõ, bộ dây, thậm chí là một dàn nhạc giao hưởng dân tộc quy mô lớn với lượng nhạc công, nhạc cụ lên đến hàng trăm. Trước năm 1975, Việt Nam đã từng có một dàn nhạc giao hưởng dân tộc với tên gọi Bách Việt, ra mắt bằng tâm huyết của những người yêu nhạc dân tộc. Dàn nhạc ra mắt và chỉ hoạt động được một thời gian là tan rã vì mỗi người có công việc riêng. Trong lễ hội Sài Gòn - TP HCM 300 năm, một dàn nhạc giao hưởng dân tộc đã hình thành, quy tụ hàng trăm nghệ nhân nhạc cụ dân tộc nhưng chỉ trình diễn trong đêm khai mạc rồi giải thể. Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen từng có ý định thành lập một dàn nhạc giao hưởng dân tộc như thế nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nói vậy để khẳng định rằng việc thành lập một dàn nhạc giao hưởng dân tộc hoàn toàn khả thi về mặt nhân lực, trí lực. Theo nhạc sĩ Minh Châu, những người tâm huyết với nhạc dân tộc sẵn sàng góp sức để định hình cho một dàn nhạc giao hưởng dân tộc thuần Việt như thế.
Tuy nhiên, vấn đề lớn là tài lực cần đủ lớn để nuôi dưỡng một dàn nhạc lại là vấn đề bất khả thi. Bởi việc vận hành một dàn nhạc giao hưởng đã không dễ, việc để các nghệ sĩ chuyên tâm cống hiến cho hoạt động của dàn nhạc lại càng không dễ. Nhiều nghệ sĩ nhạc dân tộc đã từng ngồi lại bàn với nhau về việc xây dựng một dàn nhạc giao hưởng dân tộc vì điều đó rất dễ với họ, như khẳng định của nghệ sĩ Hải Phượng. Nhưng nút thắt về tài chính vẫn là điều nan giải. Mọi người vẫn chỉ có thể mong đợi vào nguồn tài trợ từ cơ quan nhà nước, "lúc đó một dàn nhạc giao hưởng dân tộc không có gì khó cả" - nhạc sĩ Minh Châu khẳng định.
Sẽ là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo
Nhiều người cho rằng "Đêm vô thức bản địa" sẽ là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, đủ sức cuốn hút du khách nếu nó được đầu tư khai thác theo hướng này.
Chúng ta đang có những chương trình nghệ thuật khai thác yếu tố văn hóa dân tộc đang rất ăn khách với công chúng trong và ngoài nước như chương trình kịch xiếc "À ố show", vở "Làng tôi", vở "Palao" (tác phẩm múa mang văn hóa và tâm hồn Chăm được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại với 20 nghệ sĩ múa, hát và chơi các nhạc cụ truyền thống Chăm), "Teh Dar" (văn hóa Tây Nguyên trên sân khấu đương đại).
Dù chưa phải là những tuyệt phẩm đỉnh cao nhưng nhiều vở diễn trong số này đã hành trình lưu diễn khắp các châu lục, đều nhận được sự yêu thích của khán giả quốc tế.
Vậy nên, một dàn nhạc dân tộc hoành tráng như "Đêm vô thức bản địa" là điều hoàn toàn khả thi và cần thiết cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang rất tẻ nhạt hiện nay.
Bình luận (0)