Nghệ sĩ Văn Hường và NSND Lệ Thủy
Những ngày đầu xuân, nghe tin nhóm bạn hữu Công ty Kim Chung sẽ tổ chức một buổi họp mặt mừng thọ 91 tuổi cho mình, danh ca vọng cổ hài Văn Hường hóm hỉnh: "Thôi, bỏ hai chữ mừng thọ đi, mừng sinh nhật lên 9 sẽ có bộn niềm vui".
Nghệ sĩ Văn Hường cho biết trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương, có lẽ ông là người cao tuổi nhất còn sót lại. Cùng tuổi Dậu với ông nhưng kém một con giáp có các nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Diệu Hiền, Ánh Hồng - 4 cô đào đều đoạt HCV giải Thanh Tâm. Bên kép có Thanh Điền, Quốc Trầm cũng ít hơn ông 12 tuổi.
Nghệ sĩ Văn Hường và vợ
Nhờ thầy bảy (danh cầm Bảy Bá) – NSND soạn giả Viễn Châu phát hiện một thanh niên chơi đờn ca tài tử Nam Bộ ở quán Lệ Liễu (Thị Nghè) cách đây 70 năm mà khán giả biết đến một Văn Hường với điệu thức giọng cổ hài trứ danh qua cái tên "Tư Ếch".
Nghệ sĩ Văn Hường là nhân chứng sống và cũng là nghệ sĩ lưu giữ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về lối ca vọng cổ hài từ thầy bảy truyền đạt lại. Sau ông, nhiều nghệ sĩ đi theo sở trường ca vọng cổ hài như: Hề Sa, Giang Châu, Phú Quý, Vũ Đức, Vũ Tâm, Văn Hương…
"Ngày nay, hiếm có bài ca cổ hài được viết đúng chất. Thầy bảy rất nhạy bén, sáng sáng ra quán cà phê ở trong xóm ngồi đọc báo và nghe ngóng người dân nói điều gì, quan tâm đến điều gì rồi lập tức ổng mượn "Tư Ếch" tôi để truyền đạt đến số đông khán giả thông điệp đả phá cái xấu, thói hư, xây dựng cái mới trong nhận thức" – ông nhớ lại.
Theo nghệ sĩ Văn Hường, Hội Sân khấu TP HCM đã chủ động tổ chức cuộc thi sáng tác vọng cổ hài và đào tạo lực lượng diễn viên trẻ có đam mê, năng khiếu thể hiện vọng cổ hài để có lực lượng kế thừa. Ngày nay, trong xã hội đang phát triển, có quá nhiều vấn đề tiêu cực cần chấn chỉnh. Sự châm biếm, gãi đúng chỗ ngứa người dân qua bài vọng cổ hài sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn.
Dĩa hát Văn Hường với bài vọng cổ hài bán chạy một thời ở Sài Gòn - TP HCM
"Tư Ếch" là biệt danh mà soạn giả Viễn Châu tặng nghệ sĩ Văn Hường. Từ đó, ông tặng cho đời nhiều bài ca cổ đi vào ký ức khán giả cả nước. Bây giờ, nhóm đờn ca tài tử nào đến nhà chơi cũng yêu cầu ông ca "Tư Ếch đi Sài Gòn".
Dù nghệ sĩ Văn Hường đã giã từ sàn diễn nhưng khán thính giả mê sân khấu cải lương vẫn không quên các bài vọng cổ vốn gắn liền với tên tuổi của ông như: "Ba ông thầy bói", "Chó mực đầu cáo", "Đời là gì?", "Đi hát cải lương", "Hiệp sĩ say giải nghệ", "Kể tuồng sân khấu", "Tai nạn Honda", "Tại tôi tuổi Sửu"… NSND Ngọc Giàu nhận định đó là những báu vật quý của sân khấu cải lương đã hơn 100 tuổi, mà công lao thuộc về người đưa thể điệu đó đi vào đời sống, lưu truyền cho tới hôm nay.
"Tết này, tôi đếm từng ngày để được hội ngộ anh chị em trong nhóm cà phê Minh Vương, hầu hết đều xuất thân từ Công ty Kim Chung. Chắc chắn sẽ có một buổi "đại tiệc" về vọng cổ hài trong dịp sinh nhật... lần 9 của tôi" – nghệ sĩ Văn Hường tươi cười.
Nghệ sĩ Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1931 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức, TP HCM) trong một gia đình nhà nông. Thuở nhỏ, ông mê nghe đài phát thanh rồi thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý.
Năm 15 tuổi, ông bán hạt dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM).
Nghệ sĩ Lệ Liễu phát hiện anh bán hột dưa ca hay nên kêu về quán hát. Tình cờ, ông Bảy Cao - bầu gánh hát Hoa Sen - đến xem, nghe Văn Hường ca, thấy thích nên gọi nhiều nghệ sĩ khác đến cùng nghe để nhận xét, trong đó có soạn giả Viễn Châu.
Từ cơ duyên đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác vọng cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu này đầu thập niên 1960. Người thể hiện bài "Tư Ếch đi Sài Gòn" đầu tiên chính là nghệ sĩ Văn Hường.
Ông nổi danh như diều gặp gió. Năm 1972, ông hợp tác với ‘’vua’’ ngâm thơ Tao Đàn - cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên "Thanh Hải - Văn Hường".
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), rồi về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987, do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ cho đến nay.
Bình luận (0)