Năm nay, danh hài Tùng Lâm đã 86 tuổi - ông sinh ngày 1-3-1934. Ông đếm từng ngày trôi qua với ký ức vui buồn lẫn lộn. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng mình không là người sót lại của làng cười Việt. Bởi lẽ, ông tin thế hệ diễn viên hài đi sau đã tiếp nối, đem lại tiếng cười lạc quan, có trách nhiệm cho cộng đồng, xã hội.
Danh hài Tùng Lâm
Vang danh "quái kiệt"
Danh hài Tùng Lâm cho biết ông ở nhà nhiều hơn ra phố để chiêm nghiệm quãng đời đem tiếng cười, niềm vui phục vụ khán giả. Thăng trầm, dâu bể mấy bận nhưng chưa bao giờ ông có ý định rời xa sân khấu.
"Tôi đã quen dần với những cụm từ: giãn cách xã hội, cách ly tập trung, giám sát y tế, đẩy lùi dịch bệnh, ứng phó virus corona… Tôi chưa bao giờ nghĩ dịch Covid-19 lại dồn dập tấn công con người thế này. Bà xã tôi nói ở tuổi 86, tôi dễ dàng là "con mồi" cho Covid-19. Còn con gái tôi thì cứ 20 giây lại bắt tôi sát trùng đôi bàn tay, không cho ra khỏi nhà! Cứ thế, cái truyền hình và chiếc điện thoại cầm tay là niềm vui của tôi trong thời gian này. Tôi là người của những năm cũ nhưng đang đối diện thực tại với con virus vô hình mà "hung hãn" - ông tâm sự.
Danh hài Tùng Lâm thời trẻ
Nổi tiếng trong làng hài trước năm 1975, Tùng Lâm là một trong những nghệ sĩ tạo được dấu ấn, đến nỗi chỉ cần ông bước ra sân khấu là cả khán phòng rộ lên tiếng cười. Năm 1958, ông từng được khán giả yêu mến đặt cho biệt danh "Minh tinh quái kiệt", còn báo chí thì gọi ông là "Tiểu quái kiệt Tùng Lâm". Ông xuất hiện ở lĩnh vực nào - từ hài đến kịch, rồi sang sân khấu cải lương, rẽ qua phim truyện - cũng đều thành công. Cát sê tăng vọt đến đổi một lần ký hợp đồng với nhà sản xuất thì phải có xe hơi chở tiền đến thẳng nhà ông.
Danh hài Tùng Lâm hiện nay và lúc trẻ
"Khán giả thời đó cười nghiêng ngả khi tôi bước chân ra sân khấu. Chính cái tên "Tùng Lâm quái kiệt" treo trên bảng quảng cáo đã giúp bầu làm giàu, phim thắng lớn. Song, nó lại là rào cản thử thách sự kiêu ngạo trong tôi. Không ít lần tôi háo thắng, cái tôi giống như virus chực chờ dìm chết danh tiếng. Tứ đỗ tường không thứ gì tôi không thử qua. Tình ái cũng nhiều và sự kiêu ngạo cũng ngang ngửa. Những ngày qua cách ly ở nhà, tôi suy ngẫm rất nhiều. Muốn thu hình theo dạng video clip nhưng rồi giọng nói không còn lưu loát, "nhan sắc" hết ham nhìn, ngại khán giả chê xấu nên thôi. 86 tuổi nhìn đời bằng đôi mắt hoài cổ nhưng tôi luôn muốn suy nghĩ của mình phải mới" - ông thổ lộ.
"4 HCV đưa tôi lên đỉnh cao danh vọng"
Ngày nay, qua những cuộc thi tìm kiếm tài năng, các ca sĩ, diễn viên ít nhiều được trải nghiệm sự sắp xếp mang tính "game show". Danh hài Tùng Lâm nhận xét: "Làm gì có sự công tâm như thế hệ chúng tôi hồi đó. Một anh thanh niên chưa hề lên sân khấu, chưa biết thế nào là ca hát chuyên nghiệp đi thi rồi đoạt giải. Ban giám khảo chấm thi toàn là dân nghệ thuật thượng thặng, nên HCV tuổi trẻ của tôi đúng thật là vàng" – ông hãnh diện nói về thành tích.
Danh hài Tùng Lâm lúc đã được xem là quái kiệt trên sân khấu
Trong sự nghiệp của danh hài Tùng Lâm, ông đã được trao 4 HCV trong các mùa hội diễn, liên hoan sân khấu hài. Ông tự hào là người mở lò đào tạo, rồi làm bầu sô. Các nghệ sĩ, ca sĩ như: Duy Phương, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Kim Phụng, Giang Tử, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai đều đã được ông truyền dạy, trở thành dân chuyên nghiệp hoặc có sô diễn trong các chương trình đại nhạc hội lớn để có tên tuổi như ngày nay.
NSND Kim Cương từng đánh giá về ông: "Tùng Lâm có tài năng ca hát từ nhỏ. Anh tham gia hát trên đài phát thanh Pháp - Á từ năm 12 tuổi. Sau đó, anh dự thi và giành giải nhất với bài "An Phú Đông" của nhạc sĩ Lê Bình. Đến năm 1952, với bài hát "Tiếng dân chài" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, anh lại giành giải nhất Cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn".
Danh hài Tùng Lâm nhận quà trong chương trình "Nghệ sĩ tri âm" do NSND Kim Cương tổ chức
Danh hài Tùng Lâm xúc động: "Tôi gọi kỳ nữ là chị hai. Chị ấy nhớ chính xác. Trong số các nghệ sĩ mở đường gầy dựng sân khấu kịch miền nam thì chị ấy là người tiên phong. Còn bên hài, sau thế hệ các bậc thầy như: Ba Vân, Trần Văn Trạch… thì tôi là nghệ sĩ duy nhất khởi đầu bằng nghề ca sĩ. Tôi biết mình hát hay nhưng dáng vóc, gương mặt không làm khán giả nữ mê nên phải chọn hướng đi riêng. Và thế là tôi đến với kịch rất tình cờ" – ông kể.
Đó là lần ông vào Ban kịch Dân Nam, vở "Tàn cơn ác mộng". Do nghệ sĩ Vân Hùng chê vai người cùi, ông đã xung phong diễn. Không ngờ, vai diễn thành công. Sau đó, ông tiếp tục thế vai trong các vở: "Mua chút tình thương", "Cây đàn bỏ quên"… và cũng được khen ngợi.
"Thế nhưng, nghệ sĩ Ba Vân phán: "Tướng cậu vậy mà cứ thế vai hoài, ngày nào mới khá?". Tôi mất ngủ 3 đêm. Đi hát cũng không xong, diễn kịch cũng bị chê. Vậy thì phải tìm sự lạc quan. Và thế là tôi đang ngồi đây để kể về một quãng đời của một danh hài 86 tuổi vẫn sống khỏe trong mùa dịch Covid-19 đang hoành hành ngoài kia" – ông trầm ngâm rồi lại cười ngạo nghễ.
Kỳ tới: Tán gia bại sản vì máu đỏ đen
Bình luận (0)