Những tác phẩm đoạt giải được Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4-2021 chọn từ 284 cuốn sách và bộ sách do 47 nhà xuất bản gửi tham dự. Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 gồm 19 thành viên, là những học giả, người đứng đầu các tổ chức học thuật, nghiên cứu chuyên ngành...
Đề cao giá trị nhân văn
Các tác phẩm được chọn trao giải đều đáp ứng tiêu chí sáng tạo, tinh thần nhân văn, những công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Đối với những tác phẩm được đề cử giải cao nhất, Hội đồng Giám khảo mời các chuyên gia đầu ngành phản biện trước khi trao giải A.
Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, nhằm trao cho những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn; được công chúng đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực. Năm nay, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia sẽ trao giải cho 25 tác phẩm - gồm 2 giải A, 9 giải B và 14 giải C - vào ngày 12-11 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (TP Hà Nội).
Phần lớn những tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia đều trở thành “best seller” (bán chạy nhất) Ảnh: HOÀNG HÀ
Nhiều cá nhân là tác giả, dịch giả và biên tập viên những tác phẩm đoạt giải trong năm 2020 đều cho rằng đây là giải thưởng uy tín của toàn ngành, khích lệ người làm sách cố gắng hơn nữa để tạo ra những cuốn sách, bộ sách tốt. Năm 2020, "Đoàn binh Tây Tiến" - hồi ký của thi sĩ Quang Dũng - gây chú ý khi đoạt giải A. Tác phẩm xoay quanh những nhiệm vụ mà binh đoàn Tây Tiến được giao như: đi tới các bản, mường để tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, ý chí kháng chiến của dân tộc và tinh thần quật khởi của quân đội Việt Nam.
Trước đó, năm 2019, "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do giáo sư Phan Huy Lê chủ biên được vinh danh. Nhiều tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia đã góp phần định hướng nhận thức, tình cảm của đông đảo bạn đọc; "đánh thức" văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách vốn đã "ngủ quên" ở nhiều người.
Trong bối cảnh ngành xuất bản chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhiều công ty phát hành ngừng sản xuất, hàng loạt cửa hàng sách đóng cửa, doanh thu giảm mạnh, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4-2021 tiếp tục khẳng định sứ mệnh thúc đẩy văn hóa đọc.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận xét ngoài những tác phẩm có giá trị học thuật, tư tưởng, Hội đồng Giám khảo còn chọn một số ấn phẩm hướng đến thiếu nhi, giới trẻ. Khi tham gia Hội đồng Chung khảo mảng sách thiếu nhi, ông nhận thấy nhiều tác phẩm đa dạng nội dung, truyền tải thông điệp về tình yêu đất nước, con người, bảo vệ động vật... Cách thể hiện các tác phẩm cũng phong phú - tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tranh...
"Hiệu ứng từ Giải thưởng Sách quốc gia phần nào giúp nhiều người quan tâm và tìm đọc các tác phẩm đoạt giải. Việc lựa chọn sách hướng đến thiếu nhi, giới trẻ sẽ góp phần lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng hơn" - ông Hoàng nhìn nhận.
Lan tỏa văn hóa đọc: Không khó
Văn hóa đọc là cụm từ được nhắc đến rất nhiều thời gian qua khi việc đọc sách đang trở thành vấn đề nan giải của một bộ phận giới trẻ. Những buổi thảo luận, tọa đàm xoay quanh chủ đề khơi nguồn văn hóa đọc thường xuyên được tổ chức và ít nhiều đã được quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ thật sự không khó. Tình trạng thờ ơ với sách có thể là do họ chưa tìm ra được những cách phù hợp hoặc bị ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân như: thiếu những tiết đọc sách trong nhà trường; gia đình chưa chú trọng xây dựng thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ; các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc…
Thế nên, việc định hướng và chỉ ra những cuốn sách, bộ sách đáng đọc là một trong những giải pháp thúc đẩy thêm cho văn hóa đọc của giới trẻ được khơi thông. Các nhà xuất bản cho biết phần lớn những tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia đều trở thành "best seller" (bán chạy nhất). Việc bạn đọc săn lùng những đầu sách này cho thấy văn hóa đọc đã từng bước được "đánh thức".
Bà Phạm Thủy, Giám đốc Đối ngoại truyền thông Thái Hà Books, dẫn chứng: "Cuốn sách "Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế" khi mới xuất bản số lượng bán chỉ ở mức trung bình nhưng ngay sau khi được trao Giải thưởng Sách quốc gia thì doanh số của nó đã tăng tới 150%. Đến nay, gần 4.000 bản đã được bán ra".
Bà Thủy cho rằng Giải thưởng Sách quốc gia đã mang lại những hiệu ứng rất tốt, giúp độc giả lựa chọn được những cuốn sách phù hợp, có giá trị. Năm 2020, Thái Hà Books từng có 3 cuốn sách đoạt giải, gồm "Vào bếp nấu ăn, săn ngay điểm tốt" của tác giả Phan Hồ Điệp và Đỗ Xuân Thảo (giải C), "Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế" (giải C) và "Mặt trái của công nghệ" (giải B).
Bà Nguyễn Kim Thoa, Giám đốc Tân Việt Books, cũng đánh giá Giải thưởng Sách quốc gia không chỉ tôn vinh tác phẩm và giới làm sách mà còn lan tỏa văn hóa đọc đến độc giả. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, khi sự lan truyền thông tin của truyền thông đã tác động ít nhiều vào trí tò mò của người đọc sách, thích sách.
Bên cạnh đó, những cuốn sách được tôn vinh đều là các tác phẩm giàu tri thức, có tính thẩm mỹ cao. Vì thế, tác động từ giải thưởng hay truyền thông đều tạo nên những giá trị đáng khích lệ trong hành trình khơi nguồn cảm hứng đọc, hay nói cách khác, tạo nên văn hóa đọc phổ biến trong độc giả là điều cần thiết. Thực tế, nhiều tác phẩm đoạt giải đã góp phần định hướng nhận thức, tình cảm của số đông bạn đọc.
Nhà văn Niê Thanh Mai nhấn mạnh việc đọc và chia sẻ cảm nhận về những cuốn sách hay chính là cách lan tỏa những tác phẩm giá trị đến với giới trẻ. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của Giải thưởng Sách quốc gia với sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người, nhất là đối với giới trẻ.
Bình luận (0)