Tin đạo diễn - NSND Huy Thành qua đời tại Pháp hôm 22-5 khiến người trong giới bàng hoàng. Không ai ngờ rằng ông sang Pháp thăm con gái để rồi vĩnh viễn ra đi ở đó bởi thời gian gần đây căn bệnh suy thận của ông ngày càng nặng, đôi chân sưng lên khiến ông đi lại rất khó khăn. Hai năm nay, ông gần như không còn tham gia các sự kiện của ngành điện ảnh, vì sức khỏe không cho phép. Những kỳ sinh nhật NSND Lý Huỳnh trước đây luôn có mặt ông và NSND Thế Anh nhưng 2 năm rồi ông không đến được.
Điện ảnh là duyên nghiệp
Đạo diễn - NSND Huy Thành được ghi nhận là một trong những đạo diễn xuất sắc của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp điện ảnh của ông rất huy hoàng với nhiều bộ phim ghi dấu ấn trong lòng người xem, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Điện ảnh đến với ông cũng thật tình cờ nhưng cũng là duyên nghiệp. Trước khi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam cùng với Hải Ninh, Trần Vũ, Bạch Diệp…, ông là cán bộ tập kết chuyển ngành sang công tác tại Phòng Báo chí Bộ Văn hóa. Năm 1959, Trường Điện ảnh Việt Nam mở khóa đào tạo đầu tiên, thấy một anh cùng phòng làm đơn thi vào, Huy Thành cũng làm theo, không ngờ trúng tuyển.
Đạo diễn - NSND Huy Thành Ảnh: TƯ LIỆU
Sau phim tốt nghiệp "Làng nổi" làm chung với Trần Vũ, có Trà Giang tham gia diễn xuất, ông có thêm các phim đứng tên đạo diễn riêng: "Mùa than", "Vùng trời" nhưng phải đến phim "Nổi gió", sự nghiệp điện ảnh của ông bắt đầu thăng hoa thật sự. Bộ phim "Nổi gió" do chính ông chuyển thể kịch bản từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm được sản xuất năm 1966, xoay quanh cuộc đời 2 chị em ruột ở 2 đầu chiến tuyến, người chị tên Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người em trai tên Phương - trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã mang về cho ông giải Bông sen vàng đầu tiên tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ I năm 1970, phim được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Từ đây mối duyên nghiệp của ông với điện ảnh càng gắn kết.
Năm 1977, ông về Nam, công tác tại Hãng phim Tổng hợp TP HCM, sau này là Hãng phim Giải Phóng. Từ đây, sự nghiệp điện ảnh của ông sang trang mới. Một loạt phim đề tài hậu chiến được ông dàn dựng rất thành công: "Về nơi gió cát", "Xa và gần", "Những khoảng cách còn lại",… Đây là những phim ông dành trọn tâm huyết bởi ông muốn những thước phim của mình sẽ góp phần xoa dịu những nỗi đau mà chiến tranh để lại cho cả hai phía.
Sau này, ông tiếp tục có các phim: "Cư xá màu xanh", "Cho đến bao giờ", "Đất lạ", "Phía sau cuộc chiến", "Tổ quốc tiếng gà trưa", "Người học trò đất Gia Định xưa"…Ngoài làm phim, ông gắn bó với hoạt động hội. Với cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM nhiều khóa, ông luôn trăn trở tìm kiếm hướng đi cho điện ảnh TP HCM, nhất là trong những giai đoạn điện ảnh thoái trào.
Khi Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông muốn điện ảnh TP HCM có tác phẩm chào mừng sự kiện trọng đại này nên đề nghị NSND Lý Huỳnh hỗ trợ hội, tham gia bỏ vốn làm phim "Tây Sơn hào kiệt" nói về Quang Trung - Nguyễn Huệ với lời hứa hội sẽ xin được kinh phí từ ban tổ chức 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để bù đắp một phần. Phim ngốn 10 tỉ đồng, doanh thu không đủ bù chi. Ông cũng đi gõ cửa xin nhiều nơi nhưng không được. Mặc dù NSND Lý Huỳnh vẫn vui vẻ trong chuyện này nhưng đối với NSND Huy Thành, đó là "món nợ" mà ông chưa trả được cho đến ngày ra đi.
Tạo ra nhiều tên tuổi của điện ảnh Việt Nam
Cho đến bây giờ, NSND Thế Anh vẫn nói rằng chính đạo diễn Huy Thành đã tạo ra tên tuổi cho ông từ vai trung úy Phương trong phim "Nổi gió". Nếu không có trung úy Phương sẽ không có Thế Anh hôm nay. Ngoài Thế Anh, "Nổi gió" đánh dấu sự thành danh của Thụy Vân, một diễn viên người Hà Nội vào vai cô gái miền Nam rất thành công.
"Về nơi gió cát" của ông sau này cũng làm nên tên tuổi Trần Vịnh và Hương Xuân. Cả hai đều do ông phát hiện, trở thành diễn viên chính trong nhiều bộ phim. "Về nơi gió cát" đoạt giải Bông sen vàng, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI - 1983 còn nữ diễn viên Hương Xuân đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất...
"Ngoài việc sống rất tình cảm, ông còn chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong nghề, nghĩ đến những cách quay mới, yêu cầu cao với công việc. Tôi còn nhớ cảnh kết thúc của phim "Nổi gió", ông yêu cầu quay ánh nắng chói chang, soi rọi, nhảy múa và kiên quyết để có được cảnh này. Thời chiến tranh, chuyện làm phim vất vả, phải sơ tán rồi lại tụ hội nhưng tất cả vẫn không nản lòng và Huy Thành với tài đức của mình đã không ngừng truyền cảm hứng cho chúng tôi" - NSND Thế Anh nhớ lại.
Một lần tôi cùng NSND Huy Thành, NSND Thế Anh, NSND Trà Giang đi dự Liên hoan Phim Việt Nam ở Hà Nội về. Chúng tôi được ban tổ chức bố trí bay cùng chuyến đến TP HCM và ngồi chung băng ghế hạng phổ thông. Trước khi máy bay cất cánh, có 2 nữ hành khách đi vé hạng thương gia nhận ra NSND Thế Anh, NSND Trà Giang đi chung chuyến bay liền đến mời 2 nghệ sĩ cùng lên khoang hạng thương gia như để tỏ lòng ái mộ của mình. Tất nhiên, 2 nữ hành khách này chẳng hề biết còn một nghệ sĩ quan trọng hơn là đạo diễn Huy Thành. Khi 2 nghệ sĩ đi rồi, tôi nói với ông rằng đạo diễn tạo ra diễn viên nhưng công chúng chỉ biết diễn viên, còn đạo diễn, ít ai biết mặt. Nghe tôi nói, ông chỉ cười...
Nghệ sĩ đáng kính trong lòng đồng nghiệp
NSND Thế Anh bày tỏ đau buồn khi nghe tin đạo diễn - NSND Huy Thành qua đời: "Mặc dù ông ấy tuổi đã 90 (sinh năm 1928), sức yếu, chuyện ra đi cũng không quá ngạc nhiên nhưng nghe tin, tôi thấy đau lòng". Với NSND Thế Anh: "Ông là người đạo diễn đầy tài năng, góp công lớn trong công cuộc xây dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông là người đã giúp tôi thành danh với vai diễn trung úy Phương trong phim "Nổi gió" để có được một Thế Anh như hôm nay. NSND - đạo diễn Huy Thành luôn trong trái tim tôi bởi sự tài năng và đức độ của ông".
NSND Thế Anh cho biết dù tuổi cao đi lại khó khăn nhưng họ vẫn sống gần gũi nhau, giữ liên lạc thường xuyên với nhau. "Cách đây vài tháng, trước khi ông ấy sang Pháp du lịch thăm con gái, chúng tôi cũng có trò chuyện, quan tâm sức khỏe của nhau. Tôi vẫn không tin được ông ấy đã ra đi, xin thắp nén nhang lòng gửi đến ông và chia buồn cùng gia đình" - NSND Thế Anh bày tỏ.
NSND Trà Giang cho biết bà và đạo diễn Huy Thành quen biết nhau từ những ngày đầu học chung khóa đào tạo đạo diễn, diễn viên đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. "Dù 2 công việc khác nhau nhưng có những môn chúng tôi vẫn học cùng nhau nên anh em trở nên thân quen. Lúc bấy giờ, chúng tôi là những chàng trai, cô gái còn trẻ nhưng anh Huy Thành đã lớn, có vợ con. Anh xem chúng tôi như những đứa em nhỏ, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình. Cách đây vài năm, tôi cùng anh ra Hà Nội tham dự buổi họp mặt. Khi đó, anh Hải Ninh, chị Bạch Diệp vẫn còn, chúng tôi vui đùa đây là 3 đạo diễn còn lại trong khóa đào tạo điện ảnh đầu tiên đó. Vậy mà sau đó, anh Hải Ninh, chị Bạch Diệp lần lượt ra đi, còn lại anh Huy Thành. Giờ đây, người cuối cùng cũng không còn, đau xót lắm" - NSND Trà Giang tâm sự. Bà cho biết mình ít cơ hội làm việc cùng đạo diễn Huy Thành, chỉ hợp tác với nhau trong phim "Làng nổi" do ông đồng đạo diễn. "Điều tôi nhớ nhất trong những ngày quay phim là buổi tối anh chịu khó đọc, dịch cho chúng tôi nghe truyện "Thằng gù nhà thờ Đức Bà", mở ra thế giới mới cho chúng tôi. Anh như người mở mang tri thức cho chúng tôi vì lúc đó những tác phẩm văn học kinh điển này chưa ai dịch sang tiếng Việt. Dù đã bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cảnh tối tối mọi người lại tập trung say sưa nghe anh đọc, dịch truyện. Những ngày quay phim "Làng nổi", trong nhà dân có một cây nhãn to vào mùa, đoàn phim mua luôn cây nhãn để mỗi ngày ăn sáng bằng nhãn. Những kỷ niệm trong không khí đồng quê, ấm áp tình đồng nghiệp của thời quay "Làng nổi" cứ vương vấn mãi trong tôi" - NSND Trà Giang hồi ức.
Đạo diễn Lê Cung Bắc xem đạo diễn Huy Thành là một trong những người anh cả của điện ảnh Việt Nam. "Anh có nhiều tác phẩm đầy giá trị nghệ thuật, nhân văn. Với tôi, anh là người anh thân thiết không chỉ trong nghề mà còn ở cuộc sống đời thường. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên nên rất đau buồn khi nghe tin anh ra đi. Tôi biết tuổi cao sức yếu, chuyện chia xa khó tránh khỏi nhưng vẫn xót xa lắm!" - đạo diễn Lê Cung Bắc nghẹn lời.
M.KHUÊ ghi
Bình luận (0)