Nhiều năm qua, chất lượng đào tạo đội ngũ đạo diễn và diễn viên sân khấu, điện ảnh của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã tụt dốc. Thiếu đội ngũ giảng viên giỏi nên chất lượng đào tạo kém hiệu quả so với trước đây. Đã có sự so sánh giữa trường chính quy với các lò đào tạo diễn viên của các sân khấu xã hội hóa - nơi được cho rằng đào tạo đáp ứng nhanh nhu cầu đang thiếu diễn viên của các sàn diễn. Trong khi đó, giáo trình giảng dạy ở ngôi trường được xem là đào tạo nguồn nhân lực cho cả miền Nam trong nhiều năm qua chưa được cập nhật.
Cảnh trong vở kịch “10M = 29N”, tác phẩm tốt nghiệp của lớp diễn viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, diễn tại Nhà hát Thế giới trẻ
Thầy giỏi thì trò mới nên. Trước thực trạng sinh viên ra trường không "chín" nghề, Khoa Sân khấu Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã chủ động đào tạo lại đội ngũ giảng viên dạy 2 bộ môn: Công tác đạo diễn sân khấu và kỹ thuật biểu diễn bằng việc tổ chức lớp chuyên đề trong 4 tháng, khai mạc sáng 8-7 vừa qua, với sự tham gia giảng dạy của hầu hết những đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng.
TS Lan Hương - Trưởng Khoa sân khấu Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM - cho biết: "Các chuyên đề sẽ điều chỉnh giáo trình giảng dạy, đúc kết kinh nghiệm cho giảng viên trước nhu cầu đào tạo đề cao chất lượng. Mừng là tất cả giảng viên - nghệ sĩ tên tuổi đều hào hứng tham gia".
"Chính vì thiếu cập nhật nên công tác đào tạo nhiều năm qua chưa đạt chất lượng. Tôi cho rằng giảng dạy diễn viên thời đại hôm nay cần tăng cường đối thoại để tạo cơ hội cho những mầm non nghệ thuật bộc lộ một cách tự nhiên những phẩm chất bên trong tâm hồn mình. Tính chất đặc thù của nghề dạy diễn viên chính là hòa quyện giữa nhà giáo và nghệ sĩ. Đội ngũ giảng viên phải được đào tạo lại, được trang bị tốt những gì thuộc thời đại mới để truyền đạt đến các em cảm hứng sáng tạo" - NSƯT Ca Lê Hồng nói.
NSƯT Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng, Công Ninh và NS Ngọc Trinh tại lớp chuyên đề do Khoa Sân khấu tổ chức.
NSƯT Trần Minh Ngọc là người phụ trách lớp chuyên đề này. Ông nói: “Giáo trình giảng dạy chưa được cập nhật. Thực tế, sinh viên dự tuyển ngày nay rất tinh tế. Các em tìm hiểu thông tin nhanh vì có phương tiện mạng xã hội. Do vậy, kiến thức của người thầy trong thời đại 4.0 cần phải cập nhật liên tục”.
Trên thực tế, đợt đào tạo lại này đã cho thấy các giảng viên giỏi tuổi đã cao trong khi không ít giảng viên trẻ chưa đủ tầm vóc. Khoa sân khấu đã chủ động mời nhiều nghệ sĩ, đạo diễn giỏi về cộng tác nhưng giải quyết được mối quan hệ giữa tính nghệ sĩ và sự nghiêm túc của nghề sư phạm không là điều đơn giản.
Đạo diễn Chánh Trực nhìn nhận: "Đó là một đợt sinh hoạt chuyên đề bổ ích cho đội ngũ giảng viên trẻ như chúng tôi".
Bình luận (0)