xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Đất rừng phương Nam": Cảm xúc lưng chừng!

MINH KHUÊ

Phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội giữa khen và chê, chưa tạo đồng thuận với cảm xúc khán giả có hiểu biết về lịch sử vùng đất

"Đất rừng phương Nam" bắt đầu suất chiếu sớm từ 19 giờ ngày 13-10. Theo thống kê của trang Box Office Việt Nam - trang thống kê phòng vé độc lập, tính đến trưa 15-10, phim đã thu được gần 31 tỉ đồng.

Gây nhiều tranh luận

Ngay từ khi dự án phim "Đất rừng phương Nam" được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng công bố thực hiện, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Nguyên nhân bởi phim truyền hình "Đất phương Nam" phát sóng năm 1997 được xem là kinh điển, từng nhận được sự yêu quý từ khán giả. Việc làm lại một tác phẩm nổi tiếng trong lòng người hâm mộ không dễ dàng và ê-kíp cũng phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với sự so sánh, soi mói.

Đến lúc phim công bố dàn diễn viên, tác phẩm lại gây tranh luận trên mạng xã hội bởi sự so sánh giữa dàn cũ và mới, nhất là vai diễn Bác Ba Phi do Trấn Thành thể hiện. Những tranh luận về phim luôn tiếp diễn từ lúc công bố tạo hình các nhân vật, trailer (đoạn video clip quảng bá tác phẩm) cho đến cả video clip (MV) ca khúc nhạc phim "Bài ca đất phương Nam". Hình ảnh Trấn Thành mặc áo được đánh giá là giống trang phục Trung Quốc trong MV lan truyền đến mức nhiều người lầm tưởng rằng nam diễn viên mặc trang phục này trong phim. Họ cũng nghĩ rằng đó là áp-phích của phim chứ không phải chỉ là hình ảnh trong MV.

Sau các suất chiếu sớm bắt đầu từ 19 giờ ngày 13-10 những tranh luận trở thành tranh cãi giữa hai luồng ý kiến trái chiều. Một số khán giả khen ngợi phim, họ bình luận: "Phim quá đẹp, nội dung không như bản truyền hình nhưng giải trí vừa đủ"; "Tôi quá xúc động khi nhạc phim vang lên, mọi người xem xong không ra về mà ở lại vỗ tay, hát theo nhạc phim"; "Tôi nghĩ phim giải trí tốt, diễn viên diễn xuất cũng tốt"...

"Phim mang đến tiếng cười, nước mắt và cả sự rung động về lòng tự hào dân tộc, về khí chất của con người miền Nam, con người Việt Nam. Xem phim, tôi thấy yêu quê hương mình và yêu cái nghề của mình hơn" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh viết; "Nghẹn ngào, nức nở, thương những con người của Đất rừng phương Nam! Cảm ơn ê-kíp cho tôi thưởng thức một tác phẩm tràn đầy cảm xúc!" - đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định: "Nói chung, đây là một bộ phim có tầm vóc và khơi gợi được nhiều cảm xúc về dân tộc, về chất hào sảng của người phương Nam. Dĩ nhiên vẫn còn vài chỗ chưa thực sự "chín tới" nhưng với một tác phẩm điện ảnh như thế này, tôi tin sẽ ăn khách và mang lại nhiều cảm hứng để nâng tầm điện ảnh Việt. Cái kết mở cũng cho thấy còn nhiều chất liệu để khai thác trong (những) phần tiếp theo".

Đất rừng phương Nam: Cảm xúc lưng chừng! - Ảnh 2.

Phim “Đất rừng Phương Nam” do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Bên cạnh những bình luận khen ngợi từ khán giả và người trong giới, phim gặp phải ý kiến trái chiều, chỉ trích từ một số khán giả khác. Họ cho rằng tác phẩm xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội, trang phục cũng không giống của người miền Nam ngày xưa. Họ nhận định: "Phim đề cao Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh, xuyên tạc lịch sử"; "Tôi đề nghị hội đồng kiểm duyệt xem xét cấm chiếu phim này"; "Phim lật sử mà cũng được duyệt, nên đổi tên thành Đất rừng Trung Hoa"…

Tiến sĩ Hà Thanh Vân viết trên Facebook, có đoạn trích: "Thật ra, bộ phim với chuyện lấy "Thiên Địa Hội" làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ", vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn là thấy Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật đóng) đi mãi võ. Nhưng cũng nên lưu ý việc gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu. Thưa rằng các gánh "Sơn Đông mãi võ" thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh và cụ Nguyễn Hiến Lê có viết điều này rất rõ. Sau khi xem phim xong, tôi nghĩ đổi tên phim là tốt nhất, khỏi chê trách, so sánh với nguyên tác "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi. Tên phim là "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ!"".

Tâm huyết nhưng chưa khéo

Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt nhận định: "Đây là một bộ phim có rất nhiều cảnh quay đẹp và tạo được cảm xúc với phần đông khán giả Việt Nam ra rạp để xem một bộ phim giải trí. Ngoài ra, thông qua bộ phim này, tôi còn nhìn thấy miền Tây sẽ là một điểm đến du lịch rất tiềm năng khi khán giả xem phim và mong muốn đến với những bối cảnh mà bộ phim đã quay, đó là một thành công không dễ với một phim điện ảnh Việt Nam lúc này.

Vì đây là một phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng, do đó, những tranh cãi về chi tiết lịch sử, cũng như là sự xuất hiện của các nhân vật như thế nào so với nguyên tác rõ ràng đang tạo ra một cuộc tranh cãi cần thiết. Ở góc độ một người đọc tác phẩm và một người xem phim, tôi cũng đồng ý là có những thứ hoàn toàn không có trong tác phẩm văn học, cũng như nếu so với bối cảnh lịch sử thì có nhiều chi tiết trong phim cũng không hợp lý.

Đất rừng phương Nam: Cảm xúc lưng chừng! - Ảnh 3.

Phim “Đất rừng Phương Nam” do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một phim giải trí không phải là phim lịch sử thành ra việc ê-kíp hư cấu để tạo ra kịch tính cho câu chuyện là có thể hiểu được. Vấn đề quan trọng là cách chúng ta hư cấu có tạo ra sự đồng thuận với cảm xúc khán giả có hiểu biết về lịch sử vùng đất, hay là chúng ta đi ngược lại với những gì thuộc về lịch sử của vùng đất này…".

Nhà báo Cát Vũ cho rằng "Đất rừng phương Nam" gây tranh cãi do thiếu sự khéo léo từ ê-kíp thực hiện. Đây là một kinh nghiệm cần được rút tỉa thận trọng để tác phẩm thuyết phục khán giả trọn vẹn. Nếu phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết và cả phiên bản truyền hình, hoàn toàn hư cấu, bối cảnh chính thức từ cột mốc thời gian trước năm 1930 thì nên ghi chú rõ ràng trước khi bắt đầu vào phim. Bởi tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi bắt đầu với bối cảnh có cột mốc thời gian từ sau năm 1945 trong khi phim truyền hình lại khác.

Việc phim lấy tên "Đất rừng phương Nam" đã khiến nhiều người nhầm tưởng tác phẩm bám sát bản gốc tiểu thuyết và đưa ra những thắc mắc về việc sai lệch thông tin lịch sử giai đoạn này. Để tránh những tranh cãi, tốt nhất là làm rõ với từng khán giả đến rạp chứ không chỉ thông tin chung chung trên truyền thông.

Tác phẩm thương mại, hướng đến các thông điệp nhân văn thì tại sao lại tự khiến mình thành đối tượng tranh cãi, gây nên bất bình cho một số bộ phận khán giả và nhất là những lập luận của họ cũng có lý riêng.

Ngay sau khi "Đất rừng phương Nam" chiếu ra mắt báo giới cùng các khách mời là diễn viên hai phiên bản truyền hình lẫn điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng lý giải với truyền thông những thắc mắc về yếu tố người Hoa trong phim. Ông nói: "Trong phim này các bạn sẽ thấy có những yếu tố người Hoa bởi thật ra miền Tây là nơi du nhập rất nhiều người, có cộng đồng người Hoa, người Kinh, người Khmer..., trong cộng đồng người Hoa khi đó cũng có người Tiều. Miền Tây chào đón tất cả mọi người. Hành trình của An cũng thế, đi lạc qua bang hội này rồi đi qua nơi khác. Cái quan trọng cuối cùng là tình cảm con người. Phim này có thay đổi bối cảnh khác với truyện, truyện là sau năm 1945.

Tôi thích phiên bản phim truyền hình đã chuyển đổi sang cột mốc trước năm 1930. An sẽ lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường sống, những mâu thuẫn nhiều hội nhóm hấp dẫn hơn, trong mỗi người Việt Nam ai cũng yêu nước, mỗi cách khác nhau. Vì thế, phiên bản điện ảnh, tôi cũng giữ cột mốc đó của phiên bản phim truyền hình".

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng cho rằng phim không phải sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu. Bản thân ông cũng tìm tư liệu nhiều nơi trước khi thực hiện phim. Đoàn phim đã làm hết sức những gì có thể.

Hiện những tranh luận đang nối tiếp nhau khiến phim "Đất rừng phương Nam" thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

"Đất rừng phương Nam" lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" từng khiến khán giả màn ảnh nhỏ yêu thương khi phát sóng năm 1997. Nội dung kể lại hành trình của bé An (Hạo Khang đóng) bơ vơ đi tìm cha sau khi mất mẹ. An gặp được Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) và sau đó gặp được cha con ông Tiều (Tiến Luật đóng) - thành viên Thiên Địa Hội kháng Pháp hoạt động bí mật, bé Xinh (Bảo Ngọc đóng) cùng nhiều người khác. Tất cả đều bảo bọc, giúp đỡ An. Song song hành trình của An là phong trào yêu nước của nghĩa quân cùng một số hội nhóm khác như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn...

Phim mang đến hình ảnh đẹp, gợi nhớ về vùng đất Phương Nam trù phú, màu mỡ về sản vật. Dàn diễn viên diễn xuất từ tròn vai đến tốt, ấn tượng nhất là Tuấn Trần vai Út Lục Lâm, Băng Di vai Tư Mắm, Tiến Luật vai ông Tiều. Âm nhạc được phối mới đầy hào hùng, tạo được cảm xúc cho tác phẩm. Câu chuyện phim có nhiều thay đổi theo hướng giải trí, mạch nhanh, pha trộn yếu tố bi - hài, tạo kịch tính với những phân cảnh hành động, cháy nổ.

Khác với cái tình trong phiên bản truyền hình, bản điện ảnh đề cao cái nghĩa, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm. Hạn chế của phim nằm ở chỗ kỹ xảo còn chưa tốt, tác phẩm cho thấy được sự trù phú của một phương Nam sung túc sản vật nhưng lại chưa thấy rõ sự đàn áp của ngoại xâm với vùng đất này. Những cảnh áp bức, bóc lột chưa thể hiện đủ để làm nền cho các hoạt động nổi dậy khiến cho cảm xúc người xem còn ở lưng chừng, chưa được đẩy lên cao.

Sẽ bỏ tên và lời thoại "Thiên Địa Hội", "Nghĩa Hòa Đoàn"

Liên quan đến những dư luận về bộ phim "Đất rừng phương Nam" vừa trình chiếu ra mắt, ngày 15-10, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết chiều 14-10, Hội đồng Thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan chức năng đã thẩm định lại bộ phim "Đất rừng phương Nam" theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Sau đó, cục cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.

Theo ông Vi Kiến Thành, phim "Đất rừng phương Nam" có biên tập tương đồng với phim truyền hình "Đất phương Nam", lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer...

Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - cha của An cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.

Việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở những tập tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.

Trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến "Nghĩa Hòa Đoàn" và "Thiên Địa Hội" là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. "Thiên Địa Hội" cũng như "Nghĩa Hòa Đoàn" chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trước một số thông tin mang tính liên tưởng, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết trong cuộc họp và đối thoại chiều 14-10, đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại "Thiên Địa Hội" và "Nghĩa Hòa Đoàn", thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

Ý kiến từ phía đoàn phim cho biết nhằm hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim "Đất rừng phương Nam", phần thoại trong phim sẽ chuyển từ "Nghĩa Hòa Đoàn" thành "Nam Hòa Đoàn" và "Thiên Địa Hội" thành "Chính Nghĩa Hội". Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến "Thiên Địa Hội" và "Nghĩa Hòa Đoàn" từ thời nhà Thanh Trung Quốc.

Y.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo