Phạm Trần Việt Nam tự sự: "Con người trong xã hội hiện đại ai cũng chất chứa ẩn ức về một thế giới đầy rẫy bất công, hoang mang, đổ vỡ, chán ghét, bóng tối và cái chết ám ảnh. Bản thân tôi cũng thế. Tôi đã "đóng cửa" thực sự "bế quan tỏa cảng" trong hơn 7 năm trời, từ 2010 đến nay, để vật lộn với sáng tạo của mình. Cho đến khi tôi đọc được "Văn tế thập loại chúng sinh" của đại thi hào Nguyễn Du, hình như đã có một sự "giác ngộ" tỉnh thức đến với tôi…".
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân bày tỏ xúc động khi xem tác phẩm của Phạm Trần Việt Nam và thấy thể hiện được cái tôi cá nhân của nghệ sĩ, có chiều sâu, khác hẳn với các nghệ sĩ đương đại khác trong cùng khu vực na ná nhau.
Công chúng xem triển lãm "Văn tế thập loại chúng sinh" của Phạm Trần Việt Nam
Phạm Trần Việt Nam không hề dùng bút lông để vẽ. Anh vẽ bằng ngón tay là chính, đôi khi kết hợp với tăm bông! Quệt màu bằng tay là cách nhanh nhất khi năng lượng và cảm xúc sáng tạo tuôn trào. Tác giả không dùng đến pallete để pha màu, tay cầm tuýp sơn phun thẳng ra ngón tay hoặc ra mặt toan.
Phạm Trần Việt Nam làm việc "như điên", từ các tranh theo chiều dọc, tác phẩm cứ dài dần ra, 2.8 m đến hơn 3 m, sau đó Nam vẽ thẳng vào cuộn canvas với nguyên độ dài mà không cắt rời thành từng tranh nữa, nên tác phẩm kéo dài đến hàng chục mét, cả cuộn canvas kín đặc hình vẽ, lỗ thủng và các nét chỉ thêu.
"Tôi thực hành tác phẩm hoàn toàn cổ điển, có thể nói là hàn lâm, với sơn dầu trên vải bố nhưng phá bỏ hoàn toàn biên giới hạn chế tranh thông thường bằng khung tranh. Kể cả bây giờ khi tác phẩm đã hoàn thành rồi mà nghệ sĩ muốn sáng tạo tiếp trên tác phẩm đó vẫn có thể làm được. Đồng thời, tôi cắt bỏ các mảng để tạo nên màu trắng và các mảng trống. Các mảng thủng này đã thay đổi giao diện của tác phẩm tranh thông thường ở dạng hai chiều (2D) thành ba chiều (3D)" - Phạm Trần Việt Nam nói.
Triển lãm mang tên "Văn tế thập loại chúng sinh" kéo dài tới hết ngày 13-7.
Bình luận (0)