Một trong những vai diễn đang tạo nhiều cảm xúc hiện nay là Lĩnh Nam của NSƯT Thành Lộc trong vở nhạc kịch "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" trên sân khấu Thiên Đăng, quận 1, TP HCM.
Diễn như không diễn
Lĩnh Nam là một định vị mới trên bản đồ hành trang nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc khi anh vừa là đạo diễn vừa đảm đương vai nam chính và cũng chính là người biên tập, lồng ghép những tuyên ngôn mới về nguyên tắc làm nghề của người nghệ sĩ trong cuộc sống hôm nay từ kịch bản của cố soạn giả NSND Nguyễn Thành Châu. Qua cách thể hiện độc đáo của NSƯT Thành Lộc - vai Lĩnh Nam giúp khán giả hiểu rõ hơn về nỗi lòng của người nghệ sĩ trước khao khát được làm mới thánh đường nghệ thuật của mình.
NSƯT Thành Lộc
Ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, vai Rô của Trí Quang trong vở "Trả lại lia thia" đã tạo cảm xúc mãnh liệt cho người xem khi nhân vật mang nặng tội lỗi với người mình yêu và chấp nhận trả giá, bù đắp hết để chuộc lại cái sai dẫn đến bi kịch đời người. Những người trong cuộc cho rằng Rô của Trí Quang rất đời, có sự trải nghiệm từ nhiều nỗi đau mà trước đó anh đã từng thể hiện trong các vở của sân khấu Hoàng Thái Thanh và lần này Rô là một điểm son mới của nam diễn viên Trí Quang.
Diễn viên Trí Quang
Trên sàn diễn IDECAF, Đình Toàn vào vai Đình khá dễ thương trong vở "Sắc màu". Đình là một chàng trai vì muốn thuê căn nhà của cô gái, anh phải giả đóng vai đồng tính với một người bạn trai xa lạ, để rồi trên con đường chinh phục trái tim cô, anh đối diện với nhiều góc khuất của chính mình. Đình Toàn diễn như không diễn, cứ rót vào tim khán giả những cảm xúc ngọt ngào, rồi vỡ òa hạnh phúc khi nhận được vấn đề của chính mình.
Một nhân tố mới xuất hiện nhưng không kém phần độc đáo và lôi cuốn đó là vai ông Hoàng của diễn viên Trần Trọng Hiếu, trên sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (vở "Ái tình ngoài hôn nhân"). Ông Hoàng là một đàn ông giữ nền nếp cho gia đình nhưng chính vì sự rập khuôn trong công việc, sinh hoạt mỗi ngày mà ông suýt đánh mất hạnh phúc gia đình. Diễn viên Trần Trọng Hiếu diễn điềm đạm, gần như chẳng cần dụng công gì bởi anh sống thật sự với cảm xúc của ông Hoàng.
Diễn viên Trần Trọng Hiếu
Ca trong diễn, diễn trong ca
Vở "Cô đào hát" của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt có vai thông ngôn Liêm của Võ Minh Lâm, diễn vai một người điên rồi chợt tỉnh lại và nhận ra người phụ nữ bấy lâu giúp đỡ mình đã hóa điên dại khi bị chồng ruồng bỏ, Võ Minh Lâm đã chinh phục khán giả. Anh ca trong diễn, diễn trong ca rất bản lĩnh, ở đó có sự pha trộn rất nhiều thủ pháp thể hiện khác nhau mang lại hiệu ứng tích cực cho vai diễn.
Diễn viên Võ Minh Lâm
Trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai Ja- Đông của nghệ sĩ Minh Hải (vở "Mê Đê") được giới chuyên môn đánh giá cao khi anh ca diễn rất ngọt và thể hiện sâu sắc nỗi lòng của nhân vật. Thông qua nhân vật Ja- Đông trong "Mê Đê", Minh Hải đã làm tươi mới hơn hành trang làm nghề đầy đam mê của anh.
Tại Nhà hát Trần Hữu Trang, trong vở cải lương sử Việt "Ngược dòng Tây Sơn" của đạo diễn Nguyễn Thanh Toàn, nghệ sĩ Điền Trung diễn vai Trần Quang Diệu đã cuốn hút người xem bởi anh vận dụng vũ đạo, võ thuật và cả nội tâm làm sáng đẹp cho tư tưởng của nhân vật. Điền Trung lâu nay được đánh giá đa năng trong diễn xuất, lần này thể hiện vai sử Việt, anh đã tạo không gian mới cho nhân vật lịch sử bước vào đời sống đương đại.
Vở kịch "Búp bê" (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Trần Lực) trên sân khấu thử nghiệm của LucTeam, NSƯT Hoàng Tùng (vai người đàn ông) và Võ Hoài Vũ (vai anh bồi) đã chiếm cảm tình người xem. NSƯT Hoàng Tùng- chuyên gia kịch câm của Nhà hát Tuổi Trẻ, nay về công tác tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã vào vai diễn cực kỳ cuốn hút, anh biến đổi tính cách nhân vật trong tích tắc, khiến người xem không thể rời mắt từ hình thể đến lời thoại của nhân vật.
Võ Hoài Vũ là lính mới của làng kịch nhưng anh vận dụng hình thể rất khéo, đưa vào vai diễn những cảm xúc dạt dào, những lời thoại đầy trí tuệ khiến khán giả vỗ tay cười một cách thú vị.
Trên sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc, vai Chu Xung của diễn viên Lâm Cương trong vở "Lôi Vũ" đã nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Dường như Lâm Cương đã dồn hết tất cả những trăn trở về tác phẩm kinh điển của Tào Ngu để hóa thân với góc nhìn của con người hôm nay.
Nghệ sĩ Văn Thuận vào vai vua Trần Thánh Tông trong vở "Vì nghĩa nước non", trên sàn diễn Nhà hát Cải lương Việt Nam. Những vai anh hùng, hiền triết của dân tộc rất dễ bị một màu trong cách thể hiện, nhưng Văn Thuận đã diễn đậm cảm xúc và cũng đã tìm được sự đồng cảm với khán giả.
Diễn viên Tuấn Dũng
Diễn viên Tuấn Dũng của Sân khấu Kịch Hồng Vân là một trường hợp đặc biệt. Vai Cánh cò trong vở nhạc kịch “Bông cánh cò” anh vừa diễn vừa hát dòng nhạc mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn, mang lại nhiều dư vị đẹp cho câu chuyện về lòng chung thủy của con người và vùng sông nước Nam Bộ. Tuấn Dũng ngày càng tinh tế trong việc khắc họa tâm lý nhân vật và vận dụng cái duyên để làm cho vai diễn lúc nào cũng sinh động, giàu cảm xúc.
Bình luận (0)