Sàn diễn năm 2017 không có nhiều vở diễn mới nhưng các vở diễn ra mắt đạt hiệu quả về hình thức và nội dung. Các đạo diễn đã có những thủ pháp dàn dựng mới lạ, thu hút khán giả.
Cảnh trong vở "Tiên Nga"
Bảng dựng mới vở "Ngôi nhà không có đàn ông" của tác giả Ngọc Linh do Vũ Minh đạo diễn đã ghi dấu son mới cho anh trong năm. Người ta không thể bình thường nếu bị ép trong những nguyên tắc bất thường, trái quy luật, trái với những khao khát tự nhiên của con người, "bản dựng mới của Vũ Minh đã cho thấy câu chuyện gia đình được khái quát thành chuyện xã hội, ý tứ mà tác giả Ngọc Linh gửi gắm vào đó đã trở nên sâu xa, có ý nghĩa lâu dài" - NSƯT Kim Xuân nhận xét.
Cảnh trong vở "Ngôi nhà không có đàn ông"
Vở "Một thời để nhớ" trên Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi đưa khán giả về lại những năm thành lập lực lượng TNXP. Ở đó, có những con người đầy nhiệt huyết và nồng nàn tình yêu quê hương, họ đã được tôi luyện để trưởng thành, vượt qua những gian khó, mất mát. Nhân vật chính là Khánh, Ngọc, Tuấn, Huy - những điển hình sống động của một thời TNXP rất anh dũng. "Vở kịch có cái kết xúc động, đó là sự ra đi anh dũng, kiên cường của đại đội trưởng Huy nơi chiến trường xa xôi. Liên đội 13 chỉ tìm thấy chiếc lược mà Huy tự tay làm để tặng cho Khánh. Đây là chi tiết rất xúc động, khiến người xem dâng trào cảm xúc. Bố cục với không gian, thời gian được đan xen rất đẹp, tạo ấn tượng cho khán giả như được xem lại những thước phim khơi gợi quá nhiều kỷ niệm không thể nào quên về thời hào hùng, oanh liệt đó. Âm nhạc được chọn lọc rất đắt, ngôn ngữ ánh sáng để thay đổi bối cảnh cũng được đạo diễn chăm chút rất đẹp" - NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét.
Cảnh trong vở "Một thời để nhớ"
Vở "Mẹ chồng rắc rối" trên Sân khấu Thế Giới Trẻ được xem là vở tạo nên sức công phá doanh thu phòng vé, khiến nhiều suất diễn phải kê thêm ghế phụ mới đủ chỗ ngồi phục vụ khán giả. Câu chuyện kịch chạm đến tâm lý và hoàn cảnh của nhiều người, đó là cuộc sống hôn nhân. Tác giả Nguyễn Thu Phương và đạo diễn Ngọc Hùng chọn ngôn ngữ kể chuyện hài hước khiến khán phòng không ngớt tiếng cười. "Chất hài châm biếm nhưng không dung tục, không nhảm nhí, diễn viên biết tiết chế, biết sử dụng kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật nhã chữ, phải gọi là giỏi nghề. Các diễn viên trẻ: Phương Lan, Nghinh Lộc, Thuận Nguyễn, Anh Tú, Hồng Đào... không làm khán giả thất vọng. Thủ pháp dàn dựng sinh động. Cảnh trí đẹp, âm nhạc thật truyền cảm. Diễn xuất của các diễn viên rất nhuần nhuyễn, tạo hiệu ứng cho từng tình huống kịch " - nhà báo Hoàng Kim nhận xét.
Vở "Hồi xưa biển ngọt" của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh xoáy vào nỗi đau người đàn bà bị phụ tình, mất con. Cái kết là bài học nhân nghĩa rất đắt. Bằng thủ pháp kể chuyện đậm chất Nam Bộ, đạo diễn Ái Như thật sự chạm đến trái tim khán giả khi vẽ nên bức tranh chứa đầy tình thương yêu, lấy nước mắt người xem bằng những khoảng lặng bi kịch giàu cảm xúc. "Tác phẩm trên sân khấu không chỉ nói về tấn bi kịch của con người mà nhắc nhớ về nhân nghĩa ở đời. Thủ pháp dàn dựng chắc tay, đan xen vào vở diễn nhiều tình huống rất bi hài, chất đời, đầy ắp những thông điệp khiến người xem tâm đắc trước những vấn đề vở kịch đặt ra" - NSƯT Công Ninh phân tích.
Cảnh trongvở " Hồi xưa biển ngọt"
Vở "Mẹ ma" của Sân khấu Kịch Sài Gòn kể về bi kịch từ một tai nạn kinh hoàng xảy ra vào một đêm mưa. BS Thành (Tấn Phát) trong cơn say đã không làm chủ tốc độ, lao ô tô đâm vào bà Hồng (Minh Thảo) khiến người phụ nữ nghèo khó kiếm sống bằng công việc lượm ve chai này đã chết tức tưởi để lại Diễm - cô con gái nhỏ mù lòa bán vé số dạo, mồ côi cha phải chịu thêm cảnh mồ côi mẹ. Hữu Nghĩa rất mát tay trong cách dàn dựng vở diễn đan xen chất bi hài và kinh dị. Giá trị giáo dục trong vở rất cao, mang ý nghĩa đả phá thói thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau con người. Hữu Nghĩa dựng vở này đã không khai thác các cảnh "nhát ma" hù dọa khán giả, anh chỉ "mượn" hình ảnh oan hồn người chết oan ám ảnh kẻ thủ ác nhằm đề cao triết lý: Có vay ắt phải có trả, gieo nhân nào gặt quả nấy. Từ bố cục chắc tay, Hữu Nghĩa đã có được bản dựng rất mềm mại, ẩn chứa nhiều bất ngờ, khiến vở diễn hội đủ hỷ - nộ - ái - ố và nâng tầm diễn xuất sâu sắc, đầy nội tâm cho các diễn viên trong vở" - NSND Trần Ngọc Giàu nhận xét.
Cảnh trong vở "Mẹ ma"
Chờ đợi nhạc kịch "Tiên Nga" của NSƯT Thành Lộc
NSƯT Thành Lộc vừa ra mắt vở nhạc kịch "Tiên Nga" (tác giả: Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hồng Dung), mừng 20 năm thành lập Sân khấu IDECAF. "Câu chuyện Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga không mới nhưng trong vở "Tiên Nga", NSƯT Thành Lộc đã không để người xem trôi theo lối đi quen thuộc, anh dẫn đưa họ vào thế giới sáng tạo của mình, ở đó không chỉ có chuyện tình yêu lứa đôi mà còn đau đáu nỗi niềm của đất nước. Chuyện tình cổ điển giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga bỗng trở thành khúc bi tráng của một thế hệ trẻ, nhất là với nhân vật nàng hầu gái Kim Liên - nhân vật được tôn vinh trong vở vì đã xả thân cứu nước" - theo nhà báo Hoàng Kim. NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: "Lần đầu tiên vở nhạc kịch có dàn nhạc thính phòng do nhạc sĩ Đức Trí chỉ huy. Một bản dựng đẹp về ý nghĩa, tầm vóc. Cảnh trí, âm nhạc, trang phục hòa quyện với chủ đề tư tưởng mà đạo diễn muốn nhấn mạnh. Đánh dấu thêm một điểm son trong sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc".
Bình luận (0)