Bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ", do hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác với Pearl Studio (còn có tên Đông Phương Mộng Công Xưởng, của Trung Quốc) sản xuất, Công ty CJ CGV (gọi tắt là CGV) phát hành, công chiếu tại Việt Nam từ ngày 4-10, sau khi được Hội đồng Trung ương Thẩm định phim thông qua và Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cấp phép phổ biến toàn lãnh thổ Việt Nam, có hình ảnh "đường lưỡi bò" - tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Dù nhà phát hành đã ngưng chiếu vào ngày 13-10 nhưng hậu quả của việc công chiếu này là hết sức nghiêm trọng về mặt dư luận.
Lời biện hộ khó tin: "Do sơ suất"
Tờ The Washington Post, ngày 11-10, đăng bài cảnh báo về việc Trung Quốc tìm cách tác động lên các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực giải trí hay thể thao, để phục vụ các mục đích tuyên truyền chính trị. Cảnh báo này được đưa ra sau khi kênh thể thao ESPN, ngày 9-10-2019, bị chỉ trích mạnh mẽ khi một bản tin tường thuật phát trên kênh này tại Mỹ đã sử dụng tấm bản đồ có "đường lưỡi bò". "Everest - Người tuyết bé nhỏ" đã lồng ghép mục đích tuyên truyền về "đường lưỡi bò" vào nội dung phim một cách tinh vi. Bộ phim kể về hành trình của cô bé gốc Hoa tên Yi cứu người tuyết Everest thoát khỏi sự giam cầm của một nhóm các nhà khoa học và đưa nó trở về quê hương, trên đỉnh Everest.
Cảnh bản đồ Trung Quốc có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp ở biển Đông trong phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” (Ảnh chụp lại)
Hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện 4 lần gồm 2 lần ở trailer của phim, 2 lần còn lại xuất hiện ở đoạn những chiếc trực thăng thuộc công ty của ông trùm Burnish phát hiện ra Everest trên sân thượng nhà Yi và đã thổi tung "căn cứ" bí mật của cô bé khiến những bức ảnh đính trên bản đồ bay ra "đường lưỡi bò".
Công luận không hiểu Hội đồng Trung ương Thẩm định phim xem phim kiểu gì mà không nhận ra những hình ảnh phản cảm, phản chính trị này? Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, xác nhận đã duyệt bộ phim này. Do đây là phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, nội dung về bảo vệ môi trường nên trong quá trình duyệt hoàn toàn có thể xảy ra sơ suất (!).
Nhiều người đặt vấn đề: Sơ suất hay là vô trách nhiệm? Với những vị được cơ quan quản lý cao nhất là Bộ VH-TT-DL đặt vào vị trí này, có thể nói là sơ suất được không? Có tin được không khi những người có chuyên môn cao, có nhận thức chính trị như các thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, lãnh đạo Cục Điện ảnh lại không nhận ra trò bẩn lồng ghép "đường lưỡi bò" như thế?
Đây không phải lần đầu Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, Cục Điện ảnh để lọt lưới kiểm duyệt phim có nội dung lồng ghép tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Lần trước là "Điệp vụ biển Đỏ" được cấp phép công chiếu tại Việt Nam vào tháng 3-2018. Nói về trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, duyệt cấp phép cho công chiếu bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, từng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì cần có chế tài đặc biệt để xử lý nghiêm minh.
Vụ vi phạm quản lý xét duyệt, cấp phép phim "Điệp vụ biển Đỏ" là một bài học, dù chưa thấy cá nhân tổ chức nào bị xem xét xử lý trách nhiệm nhưng xem ra Hội đồng Trung ương Thẩm định phim và lãnh đạo Cục Điện ảnh chẳng lưu tâm! Sai phạm lặp lại cùng một nội dung như vậy không thể dễ chấp nhận cho đó là do sơ suất được mà nói thẳng là vô trách nhiệm!
Không cứ rút kinh nghiệm là xong
Chiều 14-10, phía CGV gửi thông cáo nhận sai sót và xin lỗi khán giả quanh vụ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" (tựa gốc: Abominable) có hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp. Thông cáo của CGV có đoạn viết: "Phim được khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 4-10. Tuy nhiên đến tối 13-10, CGV nhận được thông tin bộ phim xuất hiện một số cảnh bản đồ Trung Quốc có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp ở biển Đông, CGV ngay lập tức thu hồi tất cả ấn phẩm quảng cáo và cho dừng chiếu bộ phim. Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim; nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước".
Trong khi bà Nguyễn Thị Thu Hà, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho hay cục sẽ kiểm tra lại bản duyệt chương trình của đơn vị phát hành đã trình lên hội đồng duyệt phim. Nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa phát hiện sai phạm của phim này như công luận đã nêu. Ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, cho biết ngay khi thông tin bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" có hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trên công luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra lại nội dung bản cấp phép phổ biến phim cũng như quy trình cấp phép phổ biến phim, đồng thời báo cáo bộ trưởng trong thời gian sớm nhất. "Bộ trưởng xác định đây là sự việc nghiêm trọng nên yêu cầu các đơn vị chuyên môn làm việc hết sức thận trọng, có kết quả báo cáo ngay đến bộ trưởng để thông tin rộng rãi cho người dân được thấy sự việc rõ hơn" - ông Nguyễn Thái Bình nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Bình, trong buổi chiều 14-10, Cục Điện ảnh đã tổ chức xem lại bộ phim đang lưu chiểu tại Cục Điện ảnh để làm rõ trách nhiệm thành viên hội đồng duyệt phim và tập thể, cá nhân liên quan khi tham mưu cấp phép, phổ biến phim. Sau khi Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh xem lại bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh sẽ thông tin rộng rãi tới công luận.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết thông tin mà ông nắm được là khi duyệt bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ", hội đồng duyệt phim có đủ 11/11 người. Về trách nhiệm của hội đồng duyệt phim, ông Bình cho hay ngay sau khi xem lại quá trình cấp phép phổ biến phim "Điệp vụ biển Đỏ" trước đây, bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan và kiện toàn lại hội đồng cấp phép phổ biến phim. Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cho biết bộ và Cục Điện ảnh rất cân nhắc khi chọn các thành viên hội đồng thẩm định phim. Hội đồng là đơn vị chuyên môn giúp việc cho cục trưởng Cục Điện ảnh và bộ cũng như giúp tư vấn, cấp phép, phổ biến phim. Thành viên hội đồng là những người tâm huyết với điện ảnh nhưng trong quá trình xét duyệt đã xảy ra sơ suất đáng tiếc.
Làm rõ và xử lý trách nhiệm
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đặt vấn đề Bộ VH-TT-DL phải quy trách nhiệm cụ thể những ai đã tham mưu, cấp phép phổ biến cho phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" này. "Tôi đề nghị những ai để lọt trong khâu kiểm duyệt thì phải bị xử lý" - ông Tiến nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, Trung Quốc sử dụng rất nhiều hình thức để tuyên truyền về "đường lưỡi bò", những nội dung sai trái về biển đảo Việt Nam. "Họ đưa "đường lưỡi bò" vào hộ chiếu, vào phim ảnh, vào túi đựng hàng, các băng-rôn, quảng cáo, sách giáo khoa... Chưa bao giờ Trung Quốc có thiện chí về biển Đông nên những người duyệt phim phải hết sức cảnh giác" - ông Tiến nhấn mạnh.
PGS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động rằng phim chiếu rạp Việt Nam mà có "đường lưỡi bò" là không thể chấp nhận được, như thế là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. "Các thành viên hội đồng duyệt phim chú ý đến ngôn ngữ điện ảnh nhưng không chú ý đến lịch sử, văn hóa, chính trị, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam về biển đảo là không được. Trung Quốc sử dụng chiến lược "bắp cải" trên biển Đông và nếu hội đồng duyệt phim không cẩn thận, thiếu cảnh giác sẽ dẫn đến hậu quả tai hại" - PGS Phạm Mai Hùng nói. Ông cũng nêu vấn đề đối với các phim liên quan đến lịch sử, nếu hội đồng duyệt phim cần sự có mặt của những người làm công tác chuyên môn về lịch sử thì Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẵn sàng hợp tác, cử người tham gia.
Bình luận (0)