Tuần lễ triển lãm trang phục lãnh Mỹ A (từ ngày 7 đến 14-12) tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP HCM) với hơn 40 bộ trang phục được thiết kế bằng chất liệu lãnh Mỹ A cực kỳ đẹp mắt, thu hút sự chú ý của công chúng.
Chất liệu tuyệt vời
Những mẫu thiết kế lãnh Mỹ A được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thu hút người xem bởi sự tỉ mỉ của đường kim mũi chỉ cũng như những phá cách độc đáo của 4 nhà thiết kế trẻ.
Trong buổi khai mạc triển lãm trang phục lãnh Mỹ A (gọi tắt là lãnh) ngày 7-12, nhà thiết kế Hằng Nguyễn đã trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ bộ áo bà ba, áo dài (do Hằng Nguyễn thực hiện) và bộ trang phục "Nữ chiến binh" từng được Á hậu Hà Thu trình diễn tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất vào tháng 11 vừa qua, do nhà thiết kế Nguyễn Minh Công thực hiện. Cả 3 bộ trang phục đều được thực hiện với chất liệu lãnh Mỹ A nổi tiếng.
Triển lãm thời trang ứng dụng lãnh Mỹ A tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thu hút sự chú ý của công chúng
Là người thực hiện chương trình thời trang "The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại", với những mẫu thiết kế được thực hiện bằng chất liệu lãnh Mỹ A, Hằng Nguyễn cho biết: "Chúng tôi chọn chất liệu này làm chủ đề vì trong một lần đến vùng Tân Châu (An Giang), tôi đã chứng kiến sự kỳ công của các nghệ nhân khi tạo ra những thước vải đen tuyền. Hơn nữa, tôi tiếc chất liệu lãnh Mỹ A đang dần bị mất đi do thiếu nguyên liệu và thợ lành nghề. Vậy nên, qua việc trao lại những bộ trang phục bằng lãnh Mỹ A cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tôi mong thế hệ trẻ có thể nhìn ra giá trị và gìn giữ nét văn hóa độc đáo này".
Thực tế, từ lâu, lãnh Mỹ A (loại vải trứ danh của An Giang) đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước, thậm chí xuất sang Pháp, Hồng Kông… Trong đó, nhà thiết kế Võ Việt Chung và Nguyễn Công Trí từng chinh phục khán giả thời trang thế giới bằng những sáng tạo đặc biệt trên chất liệu lãnh này. Cả hai đều gặt hái thành công với lãnh theo định hướng của riêng mình.
Gần đây, 4 nhà thiết kế: Hằng Nguyễn, Huỳnh Tiên, Nguyễn Minh Công và Juun Đăng Dũng đã hướng lãnh Mỹ A đến con đường "ứng dụng". Không chỉ bó hẹp trong áo dài, bà ba, lãnh Mỹ A còn phù hợp với rất nhiều kiểu mẫu trang phục khác. 75 thiết kế ứng dụng làm từ "loại vải quý tộc" này đã chứng minh sự sáng tạo của các nhà thiết kế Việt. Nhà thiết kế Hằng Nguyễn bảo: "Lãnh Mỹ A luôn là chất liệu xa xỉ nhưng chúng tôi muốn mang chất liệu đắt đỏ này đến gần hơn người tiêu dùng bằng những thiết kế ứng dụng và hợp thời. Không chỉ là áo dài, áo bà ba mà sẽ là những mẫu thiết kế tiện dụng và thực sự gần gũi trong đời thường".
Vẫn còn là mơ mộng
Ê-kíp thực hiện "The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại" kể rằng họ tình cờ xem phóng sự trên truyền hình về lãnh Mỹ A đang đứng trước hiện trạng không mấy người trẻ còn hứng thú với công việc làm lãnh đầy nhiêu khê này. Ngay lập tức, trong đầu họ nảy ra ý tưởng phải làm gì để tôn vinh ông Tám (nghệ nhân dệt lãnh Mỹ A cuối cùng còn lại) và giúp lãnh Mỹ A gần hơn với công chúng. Ý tưởng này đặc biệt được ưu tiên trước rất nhiều dự án kinh doanh khác của họ vì nghề dệt này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Khi bắt tay thực hiện, các thành viên đều có ý niệm riêng về lãnh Mỹ A nhưng tựu trung đều xác định: "Lãnh Mỹ A không có giá trị thương mại. Chúng tôi chỉ theo đuổi giá trị bảo tồn văn hóa Việt thông qua thời trang".
Dù vậy, từ ý tưởng thành hiện thực không phải chuyện dễ. "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấn đề nguyên liệu lãnh Mỹ A. Lượng vải sản xuất được khá ít vì cây mặc nưa (nguyên liệu nhuộm) mất mùa và thiếu thợ nhuộm. Người trẻ từ chối làm công việc nhuộm vải vì tay chân lấm lem, đen đúa, xấu xí và quá cực này. Chưa kể, dù lãnh quá đẹp nhưng không phải cứ làm nguyên cây lãnh Mỹ A là sản phẩm sẽ đẹp. Vì vậy, bài toán tiếp theo là làm sao để xử lý lãnh Mỹ A trong các thiết kế, biến chúng thành phụ liệu liên kết với chất liệu khác sao cho hài hòa và phù hợp nhất" - Huỳnh Tiên nói.
Giá của chất liệu lãnh Mỹ A cũng là một vấn đề. So với nhiều chất liệu khác thì giá lãnh quá cao, khoảng 500.000 đồng/m2 (khổ rộng 9 tấc). Điều này cũng lý giải vì sao các nhà thiết kế hầu như không để ý đến chất liệu này hoặc có cũng chỉ thực hiện một lần là nghỉ vì không hiệu quả kinh tế. Ngay chương trình "The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại" cũng ngốn của ê-kíp thực hiện hết 5 tỉ đồng. Thực tế cũng chứng minh rằng sau một chương trình chuyên lãnh Mỹ A thì Võ Việt Chung, Công Trí không còn làm lãnh. Còn nhà thiết kế Minh Hạnh, dù rất muốn thử nghiệm với lãnh nhưng cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu và tài chính.
Với lãnh Mỹ A, ý tưởng kinh doanh hoàn toàn không có. Cuộc chơi của "Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại" đơn thuần là "niềm đam mê và tình yêu vô điều kiện với chất liệu thời trang quá tuyệt vời của đất nước mình" - như lời họ nói.
Bình luận (0)